In tiền, bơm tiền, hay ưu tiên kiểm soát dịch bệnh để phục hồi kinh tế?
Theo chuyên gia, dù có in tiền hay vận dụng chính sách tài khoá, tiền tệ thế nào đi nữa, nhưng nếu không kiểm soát được dịch bệnh, thì nền kinh tế sẽ vẫn còn rất khó khăn.
- 20-12-2021Lao động thử việc bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân là đúng hay sai luật?
- 20-12-2021Từ 1/1/2022, hơn 20.000 ô tô hết niên hạn sử dụng phải thu hồi giấy phép đăng ký
- 19-12-2021Những người đóng BHXH lẻ năm sẽ lợi hơn nếu rút BHXH 1 lần?
Tín hiệu kích cầu thấp
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng đầu năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký mới là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động, giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân là 13,8 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước và vốn đăng ký bổ sung là 3.673,6 nghìn tỷ đồng, giảm 26%.
Hiện nay, cầu kéo ở Việt Nam đang rất yếu, nhưng nhu cầu nội địa là chưa nhiều (ảnh minh hoạ)
Đánh giá chung của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá so với tháng trước, số doanh nghiệp tăng 44,6%, số vốn đăng ký tăng 38%, số lao động tăng 30,2% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Kết quả này cho thấy, sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ đã có sự chuyển biến tích cực.
Trao đổi tại một buổi toạ đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc Hội để xem xét thông qua trong kỳ họp bất thường, về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có một số điểm lưu ý như sau:
Thứ nhất, mọi người đề cập đến một chương trình với 3 đặc trưng lớn đó là thời hạn đủ dài, quy mô đủ lớn và giải pháp đủ quyết liệt. Về thời hạn đủ dài sẽ tính đến khả năng là một gói cho hai năm 2022-2023, có thể đây là một giới hạn “mềm”, vì khi tính đến một cơ sở cho nền tảng tăng trưởng mới, có thể sẽ phải co giãn thời gian, nhưng vẫn cần có tính xác định rõ, để đặt mục tiêu cho nền kinh tế, cũng như cách phản ứng của doanh nghiệp.
Thứ hai, về quy mô của gói, hiện nay vẫn đang được giữ “bí mật” theo nghĩa là chưa chính thức công bố, vì hiện nay các con số đồn thổi cũng khác nhau. Nhiều ý kiến đưa ra với các con số từ 300.000 tỷ đến 500.000 – 800.000 tỷ, nhưng với cách trừ bì tiền mặt, với hỗ trợ kiểu thông qua các giải pháp không thông qua tiền mặt, thì nó sẽ bị giảm xuống tương đối nhiều. Vì vậy, phương án được nhiều chuyên gia đề cập đến trong hai năm là khoảng 10% GDP, tương đương 17 - 18 tỷ USD. Trong chương trình đó sẽ có phần cho y tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp và trong doanh nghiệp còn có gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, với mấy lớp cấu trúc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn và cả đầu tư công.
Thứ ba, một điểm rất quan trọng đó là gói hướng tới tương lai, nhân dịp này cần dành một phần để thúc đẩy kinh tế số, như hạ tầng số, khuyến khích cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì lực lượng doanh nghiệp này hiện nay đang đứng trước tình thế có khả năng nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chưa chắc đã đăng ký ở Việt Nam. Nếu không có chính sách giữ chân họ lại sẽ thành thu hút đầu tư nước ngoài, chảy máu nguồn lực sẵn có trong nước.
“Trong chương trình hỗ trợ lần này, vẫn có sự băn khoăn bởi hai yếu tố, một là lạm phát, mọi người e ngại lạm phát cao lên đến mức nào đó, thì sẽ triệt tiêu tác động của hỗ trợ đối với doanh nghiệp, làm nguy cơ tăng lãi suất. Hai là yếu tố về giá cả từ bên ngoài, giá nguyên liệu, năng lượng, giá chi phí vận tải, đang có xu hướng cao chưa giảm xuống được và lạm phát quốc tế cũng đang cao. Mà chi phí đẩy có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, vì nền kinh tế của chúng ta mở, lệ thuộc đầu vào quốc tế nhiều. Cho nên, dù có bơm tiền , hay không bơm tiền thì giá đầu vào vẫn cứ cao, vẫn làm cho mặt bằng giá cả tăng lên và cần phải có sự phân tích cụ thể, tránh tạo ra sự hoảng loạn trên thị trường”, vị PGS lưu ý.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đưa ra đánh giá thêm, đó là cầu kéo ở Việt Nam đang rất yếu, nhưng nhu cầu nội địa là chưa nhiều. Trong khi đó, chương trình bơm tiền hiện nay tính theo GDP hai năm chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới, thậm chí chỉ bằng 1/3, để thấy rằng quy mô gói hỗ trợ của chúng ta rất thấp, mà hiện nay vẫn chưa bơm ra được, đặc biệt là khía cạnh tài khóa. Vậy cũng phải làm rõ được câu chuyện lo ngại lạm phát như thế nào và điểm then chốt cần được xác định, từ đó đưa ra mục tiêu, định hướng về lạm phát, để có cơ sở phản ứng thích hợp, cho cả phía doanh nghiệp và Chính phủ.
“Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay chỉ khoảng 2,5%, thấp hơn mức tăng trưởng năm 2020, thể hiện nền kinh tế đang nằm ở trạng thái đáy. Với đồ thị tăng trưởng theo hình chữ U đang làm cho Việt Nam bị lạc nhịp so với phục hồi của thế giới. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, nhưng kích cầu như thế nào vẫn chưa thấy có tín hiệu, vẫn chỉ đang bàn tính một cách rất thong thả, bình tĩnh. Nhiều câu hỏi đặt ra là, tại sao khi cuối năm, tết đến, là một cơ hội để kích cầu cho thị trường trong nước, mà Chính phủ vẫn chưa có chương trình hành động nào. Trong khi đây là một cơ hội rất thuận tiện, kịp thời, đúng lúc, để chúng ta tăng lượng cầu của nền kinh tế, kích thích doanh nghiệp nội địa sản xuất, kinh doanh”, PGS.TS Trần Đình Thiên băn khoăn.
Cần ưu tiên chống dịch
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu nói kinh tế Việt Nam đang lỡ nhịp chỉ là tương đối, vì còn tùy theo hoàn cảnh, môi trường của mỗi quốc gia. Nhưng phải nhìn nhận rằng, những hỗ trợ của Chính phủ cho cả nền kinh tế trong năm 2020-2021 rất khiêm tốn, thậm chí là thấp. Trong khi nguồn thu của Chính phủ tiếp tục tăng. Vì thế khi nói về quy mô của một gói hỗ trợ bao nhiêu là đủ rất đáng lưu tâm.
Nhiều câu hỏi đặt ra là, tại sao khi cuối năm, tết đến, là một cơ hội để kích cầu cho thị trường trong nước, mà Chính phủ vẫn chưa có chương trình hành động nào? (ảnh minh hoạ)
“Khi nhìn lại quý 3/2021, chúng ta có tăng trưởng âm 6,91% so với cùng kỳ năm ngoái là một điểm làm giới tài chính, giới chuyên môn ngạc nhiên và ngay cả người dân cũng bất ngờ. Chúng ta hy vọng rằng quý 4 năm nay sẽ dần dần đi vào phục hồi và cho cả năm 2021, theo tôi, GDP của Việt Nam tăng trưởng chỉ ở mức cộng 2%. Theo tính toán, năm 2020, GDP Việt Nam là 343 tỷ USD theo con số của Bộ Kế hoạch Đầu tư, thì nếu năm nay tăng thêm 2% nữa, sẽ đâu đó vào khoảng 350 tỷ USD. Cứ lấy mốc nhiều quốc gia sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế là 10% GDP, thì tại Việt Nam con số 800.000 tỷ sẽ là phù hợp như nhiều đề xuất đã nêu trước đó. Còn việc thực hiện ra sao, đối tượng nào, trong giai đoạn nào, cùng nhiều vấn đề liên quan khác sẽ cần phải phân tích sâu hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Về câu chuyện biến chuyển của thế giới tác động thế nào đến Việt Nam, vị chuyên gia phân tích, mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố là sang năm 2022, Fed sẽ tăng lãi suất lên ba lần, khoảng 0,9%, trước lo lắng về vấn đề lạm phát quá nóng. Trước bối cảnh như vậy sẽ tạo ra những cái bất lợi cũng như có lợi đối với tình hình kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, bất cứ trong hoàn cảnh nào, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động bởi dịch bệnh, mà diễn biến đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Dù chúng ta có in tiền, có những chính sách về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế thế nào đi nữa, nhưng nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì nền kinh tế sẽ vẫn còn rất khó khăn. Do đó, mục tiêu chống dịch cần phải được ưu tiên hàng đầu trong quá trình hỗ trợ phục hồi và phát triển.
Diễn đàn Doanh nghiệp