MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IOC Đà Nẵng đem lại điều gì cho người dân, chính quyền sau 1 năm hoạt động?

12-09-2024 - 13:28 PM | Kinh tế số

IOC Đà Nẵng đem lại điều gì cho người dân, chính quyền sau 1 năm hoạt động?

Chia sẻ sau 1 năm triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc IOC Đà Nẵng cho biết, một số dịch vụ đã cho thấy các kết quả tích cực, vừa hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị, vừa nâng cao chất lượng sống cho người dân, cộng đồng.

Trung tâm IOC Đà Nẵng, được phát triển bởi Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp (Viettel Solutions) - Thành viên Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), đi vào hoạt động từ ngày 14/8/2023, bước đầu thu thập dữ liệu từ các CSDL chuyên ngành, các ứng dụng thông minh, hệ thống IoT của thành phố (gần 300 thiết bị cảm biến IoT), từ đó hình thành các dịch vụ đô thị thông minh.

Sau 1 năm triển khai, với sự có mặt của hệ thống IOC Đà Nẵng, quá trình chuyển đổi số và các vấn đề về đô thị nói chung ở Đà Nẵng đã có sự cải thiện ra sao?

Sau 1 năm triển khai, vận hành. Một số dịch vụ có diễn biến tích cực, rõ rệt so với thời điểm trước khi đưa vào theo dõi, giám sát.

Với dịch vụ công, lũy kế trong năm 2024, Trung tâm IOC đã giám sát, thực hiện cảnh báo sớm (trước 24h) đối với hơn 42.000 hồ sơ sắp đến hạn để cán bộ phụ trách biết, chủ động xử lý kịp thời, giảm thiểu hồ sơ trễ hạn.

Thông tin này cũng được gửi đến lãnh đạo các đơn vị để chỉ đạo, đôn đốc xử lý các hồ sơ sắp đến hạn trả. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ hành chính công trễ hạn trong 7 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố chỉ chiếm 0,12%, giảm đáng kế so với cùng kỳ năm 2023 (3,96%), góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Trung tâm IOC còn giám sát và cung cấp số liệu, tiến độ số hóa kết quả thủ tục hành chính. Đến nay, 91,7% kết quả thủ tục hành chính phát sinh mới được số hóa và đưa vào kho số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Với dịch vụ xử lý góp ý, phản ánh hiện trường, trong 7 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ xử lý, phản hồi ý kiến góp ý gửi đến các cơ quan, đơn vị đạt 95,3%, trong đó, ý kiến được xử lý đúng hạn đạt gần 83,9%.

Dịch vụ giám sát tàu cá đã giám sát, phát hiện 70 trường hợp bất thường về hoạt động tàu cá trên biển, kịp thời cung cấp thông tin đến Chi cục Thủy sản và phối hợp theo dõi theo quy định.

Còn với dịch vụ theo dõi mưa ngập, hệ thống IOC thu thập dữ liệu từ các mạng lưới trạm đo mưa, trạm đo ngập đô thị, đo mực nước sông, các camera giám sát… trên địa bàn thành phố

Từ khi đưa vào khai thác, hệ thống theo dõi mưa ngập ghi nhận hơn 700 lượt người dân gửi điểm ngập, giúp phát hiện 170 điểm ngập trong các đợt mưa lớn vào cuối năm 2023 và trong năm 2024. Thông tin được chia sẻ lên app Danang Smart City và các nền tảng mạng xã hội để người dân chủ động theo dõi, ứng phó.

Ngoài ra, qua hệ thống camera giám sát, Trung tâm IOC thực hiện giám sát các cây xanh ngã đổ do mưa, gió mạnh. Như vào đợt mưa, gió lớn chiều ngày 11/8/2024, qua giám sát, Trung tâm ghi nhận 6 cảnh báo về cây xanh ngã, đổ, trong đó: 5 trường hợp trên địa bàn quận Hải Châu và 1 trường hợp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Trung tâm IOC đã tiến hành thông báo, phối hợp cơ quan chức năng xử lý. Đến 21h00 cùng ngày, các trường hợp cây xanh ngã, đổ đã được chặt hạ, thu dọn và di chuyển ra khỏi hiện trường, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Trung tâm IOC đi vào hoạt động là kết quả từ sự quan tâm, theo dõi, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, cùng với những nỗ lực, đồng hành của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), cùng sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố.

Với chức năng, nhiệm vụ hoàn toàn mới, Trung tâm IOC Đà Nẵng xác định ngay từ đầu vừa vận hành, khai thác hệ thống, vừa tiếp thu các góp ý của người dùng và yêu cầu từ thực tiễn để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Trong quá trình sử dụng, Trung tâm luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình và kịp thời từ phía đội ngũ phát triển của Viettel trong việc khắc phục các vấn đề kĩ thuật và hiệu chỉnh, bổ sung một số tính năng, chức năng cho phù hợp với đặc thù của địa phương.

Việc vận động các cán bộ, người dân, và cả các cấp lãnh đạo thành phố cùng hưởng ứng vào việc xây dựng thành phố thông minh, sử dụng các ứng dụng mới đã diễn ra như thế nào và các kết quả ra sao?

Hệ thống IOC có vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các trung tâm điều hành (OC) quận, huyện, OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng… để thực hiện giám sát, phân tích, đưa ra cảnh báo các vấn đề theo thời gian thực, kịp thời phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thành phố, các Sở ngành, UBND quận huyện, xã phường và cung cấp thông tin, tiện ích, dịch vụ cho người dân.

Đồng thời, thành phố cũng chủ trương sử dụng các thông tin, dữ liệu, dịch vụ từ IOC để hỗ trợ cho hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.

Trung tâm đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 158/QĐ-UBND ngày 19/01/2024 về Quy chế phối hợp khai thác và sử dụng các dịch vụ đô thị thông minh tại Trung tâm IOC Đà Nẵng; và đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Quy chế phối hợp này, đảm bảo thông tin, dữ liệu từ Trung tâm IOC được các cơ quan khai thác, sử dụng hiệu quả. Đến nay, hệ thống IOC đã cung cấp tài khoản, phân quyền khai thác, sử dụng cho hơn 95 đơn vị với hơn 400 người dùng.

Các cán bộ các cơ quan đơn vị được chia sẻ dữ liệu, giá trị sau phân tích và các cảnh báo từ IOC để phục vụ công tác chuyên môn.

Đối với lãnh đạo thành phố, Trung tâm IOC thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, báo cáo định kỳ (tuần, tháng, quý) và báo cáo theo chuyên đề (khi có tình huống đột xuất phát sinh) gửi lãnh đạo thành phố và các cơ quan, đơn vị biết, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Cuối cùng, người dân, ngoài thụ hưởng gián tiếp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh do thành phố cung cấp, còn được trực tiếp sử dụng các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh trên ứng dụng Danang Smart City, kịp thời nhận được các thông báo khi có các tình huống xấu, khẩn cấp xảy ra trên địa bàn…góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân và cộng đồng.

IOC Đà Nẵng đem lại điều gì cho người dân, chính quyền sau 1 năm hoạt động?- Ảnh 1.

Đà Nẵng có bài học kinh nghiệm gì trong việc triền khai IOC có thể chia sẻ với các địa phương?

Sự quan tâm ủng hộ, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ cơ quan, đơn vị sẽ là yếu tố then chốt giúp quá trình triển khai Trung tâm IOC thuận lợi hơn.

Đồng thời, qua quá trình vận hành, Đà Nẵng nhận thấy yếu tố quan trọng nhất khi triển khai Trung tâm IOC là chất lượng, mức độ sẵn sàng của các nguồn dữ liệu. Để hình thành một dịch vụ giám sát và đạt được hiệu quả giám sát như mong muốn thì việc kết nối, khai thác được các nguồn dữ liệu liên quan là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, cần chuẩn bị tốt công tác tổng hợp, kết nối các nguồn dữ liệu.

Một yếu tố quan trọng nữa ảnh hưởng đến việc khai thác, vận hành IOC là nguồn nhân lực. Trung tâm IOC tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực với nhiều nghiệp vụ chuyên môn khác nhau, đa dạng. Do vậy, nhân sự tham gia khai thác, vận hành Trung tâm IOC ngoài các kiến thức chuyên môn được đào tạo, còn cần khả năng tự nghiên cứu, tự học, tiếp cận các lĩnh vực chuyên môn mới; có khả năng tổng hợp, đánh giá, xử lý vấn đề… để có thể đáp ứng tốt yêu cầu vận hành Trung tâm IOC.

Trong tương lai, IOC có thể sẽ hỗ trợ Đà Nẵng đạt được các mục tiêu về kinh tế số, xã hội số như thế nào, đặc biệt là mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh?

Trung tâm IOC là một hợp phần quan trọng được xác định trong Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh của Đà Nẵng và Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Với chức năng là nơi thu thập, tổng hợp tất các các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực để phân tích, hiển thị, từ đó giúp lãnh đạo các cấp có khả năng giám sát, điều hành, ra quyết định và quản lý chất lượng dịch vụ do thành phố cung cấp một cách tổng thể, mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội cho thành phố, việc hình thành Trung tâm IOC sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng.

Trung tâm IOC Đà Nẵng mới triển khai giai đoạn 1, bước đầu là tổng hợp thông tin, dữ liệu, để mô phỏng, giám sát số liệu trực quan và đưa ra các cảnh báo sớm cho cơ quan, đơn vị.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện kết nối, đồng bộ các hệ thống cơ sở dữ liệu; và tập trung triển khai phân tích, khai thác dữ liệu để tạo ra thêm nhiều giá trị mới, phục vụ cho công tác dự báo, ra quyết định dựa trên dữ liệu, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành chung của thành phố.

IOC Đà Nẵng đem lại điều gì cho người dân, chính quyền sau 1 năm hoạt động?- Ảnh 2.

Ngoài ra, Trung tâm IOC cũng đã, đang và sẽ cung cấp các tiện ích, dịch vụ thông minh đến người dân thông qua một ứng dụng chung là app Danang Smart City (Android, iOS). Đây là nơi người dân có thể khai thác, sử dụng các dịch vụ thành phố thông minh như theo dõi tình hình thực hiện hồ sơ trực tuyến; tra cứu, thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, phí vệ sinh môi trường; theo dõi lượng mưa, điểm ngập; truy cập các dịch vụ về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, du lịch, văn hóa…

Cảm ơn ông!

Hệ thống IOC đi vào hoạt động từ ngày 14/8/2023, do đội ngũ kỹ sư của Viettel Solutions phát triển theo yêu cầu của Thành phố Đà Nẵng sau 10 tháng triển khai. Hệ thống bước đầu thu thập dữ liệu từ các CSDL chuyên ngành, các ứng dụng thông minh, hệ thống IoT của thành phố, từ đó hình thành các dịch vụ đô thị thông minh. Trung tâm IOC có các chức năng chính là phân tích, biểu diễn trực quan số liệu, giám sát, đưa ra các cảnh báo khi có bất thường để các cơ quan, đơn vị xử lý kịp thời, cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành. Theo đại diện của Viettel Solutions, IOC Đà Nẵng gồm đầy đủ các tính năng hiện đại nhất của bản IOC hiện tại. Đà Nẵng cũng hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành sản phẩm điểm hướng đến phiên bản tốt nhất của Viettel IOC.

Dữ liệu số từ các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng sẽ được Trung tâm IOC thu thập, sử dụng lại, kết nối tập trung và thực hiện giám sát trên hệ thống, tạo ra các nhóm dịch vụ đô thị thông minh từ nhiều nguồn khác nhau như dữ liệu từ ứng dụng chính quyền điện tử (dịch vụ công, phản ánh – góp ý, y tế - khám chữa bệnh, giáo dục, chỉ tiêu kinh tế - xã hội,…); Dữ liệu từ các hệ thống quản lý đô thị thông minh (quan trắc môi trường, thu gom, xử lý nước thải, theo dõi mưa, ngập, giám sát tàu cá, phân tích camera,…) và Dữ liệu từ các doanh nghiệp, cộng đồng triển khai… (đo mưa, camera…). Việc giám sát, cảnh báo, điều hành vừa theo hình thức biểu diễn trực quan trên biểu đồ (dashboard) vừa trên bản đồ số với thông tin hiện trường từ các thiết bị IoT.


Nhã Mi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên