IPO đã nửa năm, bao giờ Hanel lên sàn?
Đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày nhà đầu tư nộp tiền trúng đấu giá, Hanel vẫn chưa thực hiện được bất kỳ thay đổi nào như cam kết trong bản công bố tin đấu giá. Vấn đề mà các NĐT nhỏ đang băn khoăn chính là khi nào thì Hanel lên sàn?
- 09-10-2016Chủ tịch HNX: “Vinamilk là case study tiêu biểu cho thấy lợi ích của việc cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK”
- 06-10-2016CEO Sabeco: Tiến độ niêm yết phụ thuộc nhiều vào sự minh bạch quản trị và một số vấn đề về thuế
- 05-10-2016VAFI tiếp tục “thúc” niêm yết Sabeco, Habeco
- 04-10-2016Bộ trưởng Bộ Công thương và 2 "sếp" Sabeco, Habeco sẽ bị kiểm điểm nếu chậm niêm yết trong năm 2016?
Sáng 20/4/2016, Công ty TNHH MTV Hanel đã tổ chức phiên đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) với 19,1 triệu cổ phần được chào bán, mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Kết quả, 3,9 triệu cổ phần được chào bán thành công (tương đương 20,4% lượng chào bán) cho 2 tổ chức và 42 nhà đầu tư với giá trung bình đợt đấu giá đạt 10.004 đồng/cp.
Bao giờ Hanel lên sàn?
Nhưng đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày nhà đầu tư nộp tiền trúng đấu giá, Hanel vẫn chưa thực hiện được bất kỳ thay đổi nào như cam kết trong bản công bố tin đấu giá. Vấn đề mà các NĐT nhỏ đang băn khoăn chính là khi nào thì Hanel lên sàn?
Theo quy định, ĐHCĐ lần đầu sau cổ phần hóa phải hoàn tất trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần. Thế nhưng đến bây giờ, sau nửa năm IPO, Hanel vẫn chưa tổ chức ĐHCĐ lần đầu. Việc này chắc chắn sẽ kéo theo sự chậm trễ trong việc lên sàn tiếp theo đó của Hanel do theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, chỉ quy định trong thời hạn 90 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Trường hợp doanh nghiệp áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn niêm yết tại 2 Sở giao dịch chứng khoán tập trung là HOSE và HNX, sẽ buộc phải niêm yết trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.
Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ dự kiến của Hanel sau CPH là 1.926 tỷ đồng. Dự kiến, cổ đông nhà nước sẽ chỉ còn nắm giữ 29% vốn điều lệ tại Hanel, cổ đông chiến lược sẽ sở hữu 61% vốn trong đó CTCP Công nghệ Tiến Việt nắm 36% vốn điều lệ và Tập đoàn Sebrina Holdings (Singapore) nắm 25% vốn điều lệ.
Theo khoản 1 điều 8 trong thông tư 196/2011/TT-BTC, thời gian hoàn tất việc ký hợp đồng với nhà đầu tư chiến lược theo phương thức thỏa thuận trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả thoả thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả bán đấu giá cổ phần, các nhà đầu tư hoàn tất việc mua bán cổ phần và chuyển tiền mua cổ phần vào tài khoản của tổ chức thực hiện bán đấu giá theo quy định tại Quy chế bán đấu giá.
Nhưng, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin nào về kết quả của việc chào bán cổ phần của Hanel cho cổ đông chiến lược.
Được biết Công ty Hanel là doanh nghiệp do ông Nguyễn Quốc Bình làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc. Ông Bình nằm trong danh sách 30 đại biểu Quốc hội khóa XIV và 105 đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 của thành phố Hà Nội.
Lý do chậm lên sàn là gì?
Có nhiều DN nhà nước sau cổ phần hóa đã chây ì lên sàn và một trong những “công cụ” để DN kéo dài thời gian lên sàn là không tổ chức ĐHCĐ lần đầu, hay kiếm lý do để ĐHCĐ lần đầu không thành công với sự hỗ trợ của các NĐT lớn.
Chính vì thế, cổ đông của Hanel, khi chia sẻ với chúng tôi đã băn khoăn: Liệu có phải Hanel chậm tổ chức ĐHCĐ lần đầu vì chưa bán được cổ phần cho cổ đông chiến lược? Hay như ý kiến mà Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (Vafi) nêu lên mới đây rằng có những nhóm lợi ích ngăn cản việc doanh nghiệp cổ phần hóa lên sàn niêm yết để trì hoãn việc minh bạch thông tin khiến cho nhà đầu tư mất lòng tin vào doanh nghiệp.
Ông Đặng Quyết Tiến – Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã từng khẳng định: nguyên nhân chính khiến tiến độ CPH các DNNN chậm trễ chưa quyết liệt là do người đứng đầu DN sợ mất ghế, mất quyền. Tiếp đến là nỗi lo bị phát giác những sai sót, yếu kém khi công khai thông tin DN trong quá trình CPH.
Hơn nữa, mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản số 1768/TTg-ĐMDN yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán phải khẩn trương hoàn tất theo quy định.
Thế nhưng đến hiện tại, còn khá nhiều doanh nghiệp lớn nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa mà chưa tiến hành niêm yết hoặc giao dịch trên Upcom và thậm chí còn chưa tổ chức ĐHCĐ lần đầu sau một thời gian dài IPO như Tổng công ty dược Việt Nam - Vinapharm, Công ty Đầu tư thương mại và Dịch vụ Interserco, ...
Hanel liệu có đang lặp lại con đường này?
Trí Thức Trẻ