IPO Lọc hóa dầu Bình Sơn vào ngày 17/1 dự kiến thu về 160 triệu USD, hoàn chỉnh chuỗi giá trị ngành dầu khí trên sàn chứng khoán
Ngày 17/01/2018, BSR sẽ thực hiện IPO. Chào bán cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn là sự kiện mở màn cho việc cổ phần hóa một loạt doanh nghiệp Nhà nước lớn trong năm 2018.
- 20-12-2017Roadshow Lọc dầu Bình Sơn (BSR): Lý giải nguyên nhân đặt kế hoạch lợi nhuận suy giảm giai đoạn 2018-2022
- 09-12-2017Phê duyệt phương án cổ phần hóa Lọc hóa dầu Bình Sơn
Chiều nay (05/01/2018), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức sự kiện Giới thiệu cơ hội đầu tư. Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn là đơn vị duy nhất vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam.
Vốn điều lệ hiện tại của Lọc hóa dầu Bình Sơn là 31.000 tỷ đồng. Theo đó, công ty Bình Sơn sẽ chào bán công khai 242 triệu cổ phần trị giá 7,79% vốn điều lệ trong đợt IPO. Cổ phần bán ưu đãi chào bán cho cán bộ công nhân viên tương đương 0,21% vốn điều lệ. Nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm giữ 49% vốn điều lệ (1.519 triệu cổ phần). Nhà nước tiếp tục nắm giữ 43% vốn điều lệ, tương đương với hơn 1.333 triệu cổ phần.
Giá khởi điểm chào bán là 14.600 đồng/cp. Tại mức giá này, trị giá ước tính của số tiền thu được từ IPO là 160 triệu USD. Giá mục tiêu là 14.822 – 16.260 đồng/cp.
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, nhận định: “Chúng tôi đánh giá đây là một đợt đấu giá có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc cổ phần hóa, đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường tập trung của BSR sẽ làm hoàn chỉnh chuỗi giá trị của ngành dầu khí Việt Nam trên thị trường chứng khoán”.
Bà cũng cho biết theo thông tư 115, cổ phiếu của BSR sẽ được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM chuyển giao dịch lên sàn UPCoM. Sau khi BSR hoàn tất Đại hội cổ đông lần đầu, chuyển thành công ty cổ phần thì BSR có thể sẽ lên sàn HoSE.
9 tháng đầu năm 2017, Lọc hóa dầu Bình Sơn chiếm 28% thị phần xăng dầu. Bình Sơn đang bán xăng dầu qua 27 đại lý. Các sản phẩm chính như Gasoline, Diesel D.O thì Bình Sơn chiếm thị phần trên 30%. Công suất thiết kế của BSR là 6,5 triệu thùng dầu thô/năm. Nguyên liệu dầu đầu vào chủ yếu đến từ nguồn cung trong nước (92%).
Giai đoạn 2018 – 2021, BSR có kế hoạch nâng công suất thiết kế lên 8,5 triệu tấn, tăng chất lượng sản phẩm lên tiêu chuẩn Euro V và đa dạng hóa nguồn cung từ 67 lên 300 loại sản phẩm.
Tình hình tài chính của Bình Sơn được đánh giá lành mạnh. Doanh thu thuần đạt 54.387 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2017. Lợi nhuận đạt 5.430 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng xấp xỉ 10%. Tỷ lệ nợ/vốn chủ giảm từ 2,56 (2012) còn 0,69 (9 tháng đầu năm 2017). Chỉ số thanh toán hiện hành cao là 2,5.
Báo cáo của Mackenzie cho thấy thị trường xăng dầu của Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tiêu thụ xăng dầu trên đầu người ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực. Nhu cầu đối với sản phẩm lọc hóa dầu ở Việt Nam sẽ tăng trưởng với mức trung bình 5,6%/năm trong giai đoạn 2015 – 2025.
Phát biểu trong sự kiện, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, khẳng định: “Quyền lợi của các nhà đầu tư vào Bình Sơn sẽ luôn luôn được Chính phủ trân trọng và bảo vệ. Thắng lợi của nhà đầu tư cũng chính là thắng lợi của Chính phủ”.
Trí Thức Trẻ