JPMorgan: Nếu Mỹ ngăn chặn được Covid-19, chứng khoán Mỹ sẽ lại lập đỉnh vào đầu năm tới
Ngăn ngừa dịch bệnh lây lan được coi là chìa khóa để chứng khoán Mỹ có thể lập đỉnh trở lại vào đầu năm tới.
Dubravko Lakos-Bujas, chiến lược gia trưởng về thị trường chứng khoán Mỹ tại JPMorgan, tin rằng S&P 500 có thể trở lại mốc 3.400 điểm trong đầu năm 2021 nếu có những điều kiện thuận lợi.
"Đỉnh cũ của S&P 500 có thể trở lại vào đầu năm tới nếu Mỹ ngăn chặn có hiệu quả sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và Chính quyền của ông Trump có thể sớm đưa ra những gói kích thích tài khóa để giảm bớt tác động của dịch bệnh với nền kinh tế", Dubravko nhận định.
Trong một bản khuyến nghị gửi tới khách hàng, Dubravko hy vọng S&P 500 có thể đạt 3.400 vào đầu năm 2021. Điều đó có nghĩa là nó sẽ vượt qua mốc cao nhất mọi thời đại được xác lập ngày 19/2 là 3.386 điểm. Nó cũng cao hơn 47% so với mức đóng cửa thị trường hôm 20/3, phiên giao dịch gần nhất.
S&P 500 rơi vào thị trường gấu ngày 12/3, chấm dứt chuỗi tăng giá lịch sử kể từ sau Khủng hoảng tài chính 2008. Sự lây lan mạnh mẽ của virus ra ngoài Trung Quốc được xem là nguyên nhân chính dẫn tới cú sập của chứng khoán Mỹ. Người ta lo lắng một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, cú sập là lý do khiến Dubravko nghĩ rằng giá cổ phiếu hiện nay vô cùng hấp dẫn. So với đỉnh, hầu như các cổ phiếu đều đã sụt giảm từ 30-50% giá trị. Đó là lý do khi tình hình thuận lợi trở lại, các cổ phiếu sẽ có cơ hội lớn để tăng trưởng mạnh mẽ. Dẫu vậy, kịch bản này cần sự kích thích là sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ thông qua những gói tài chính toàn diện.
Nhà Trắng hiện đang tìm sự đồng thuận của Quốc hội với gói kích thích 1.000 tỷ USD nhằm làm dịu cơn sốt kinh tế bắt nguồn từ virus corona. Hôm thứ 5 tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Chính quyền muốn dành một phần trong số tiền đó để thanh toán cho người dân Mỹ. Một số ngành, bao gồm các hãng hàng không, cũng sẽ được hỗ trợ.
Theo ông Dubravko, những chính sách tài khóa mạnh mẽ cần được thực hiện ngay lập tức. Việc không thể đạt được đồng thuận giữa Chính phủ Mỹ và Quốc hội có thể gây ra những tác động tiêu cực. Việc Hạ viện Mỹ ngăn bước đi của Thượng viện trong việc bơm tiền ngăn chặn virus đã khiến chứng khoán tương lai Mỹ sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch 22/3.
Bên cạnh đó, chìa khóa của vấn đề chính là việc ngăn chặn virus corona lây lan trong cộng đồng ở Mỹ. Nếu dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát, một áp lực khủng khiếp sẽ được đặt lên hệ thống y tế của Mỹ, khiến nó quá tải và lâm vào khủng hoảng. Hiện tại, Mỹ đã trở thành quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Italy.