MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KBSV: Dòng tiền mới dồi dào vào thị trường, VN-Index có thể cán mốc 960 điểm trong giai đoạn cuối năm

Theo KBSV, so sánh P/E của các thị trường trong khu vực, có thể thấy P/E forward 12 tháng của VN-Index thấp hơn tương đối so với P/E forward 12 tháng của các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, tương quan P/E forward 12 tháng với 2 chỉ số tiêu chuẩn khác là FTSE EM Index và FTSE World Index thì giá trị so sánh của VN-Index đang ở mức thấp kể từ năm 2013.

Trong báo cáo mới được công bố, CTCK KB Việt Nam (KBSV) đã đưa ra dự báo về diễn biến TTCK Việt Nam trong giai đoạn cuối năm.

Theo KBSV, diễn biến dịch Covid-19 và tiến trình vaccine vẫn là yếu tố đươc TTCK thế giới và TTCK Việt Nam theo sát trong những tháng cuối năm 2020. Mặc dù dịch vẫn đang bùng phát mạnh tại một số quốc gia nhưng KBSV kỳ vọng tình hình chung sẽ dần đi vào ổn định hơn trong các tháng cuối năm, dù không hoàn toàn loại bỏ kịch bản tiêu cực dịch tái bùng phát vào mùa lạnh, gây cản trở quá trình mở cửa nền kinh tế của Mỹ và EU.

Thông tin về vaccine sẽ là yếu tố có tính chất hỗ trợ tích cực đối với TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Dù vậy, yếu tố này còn nhiều bất định và thiếu chắc chắn. Bản thân WHO gần đây đã cảnh báo rằng vaccine chỉ được phân phối rộng rãi sớm nhất vào giữa năm 2021. Do đó, KBSV không kỳ vọng quá nhiều vào yếu tố này sẽ hỗ trợ mạnh thị trường trong Q4.

Với Việt Nam, KBSV cho rằng thị trường đã xây dựng được một tâm lý vững vàng trước bệnh dịch. Diễn biến bán tháo khi làn sóng Covid-19 thứ 2 quay lại đã chỉ xuất hiện ngắn hạn và thị trường đã hồi phục ngay sau đó. Chính phủ cũng đã nhanh chóng đặt hàng mua vaccine với số lượng lớn phần nào giúp ổn định tâm lý người dân.

Việc các đường bay quốc tế dần được mở cửa trong tháng 9 có thể khiến Việt Nam gia tăng rủi ro xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng mới. Dù vậy, tương tự như giai đoạn xuất hiện ca nhiễm mới tại Đà Nẵng tháng 7 vừa qua, KBSV kỳ vọng phản ứng của thị trường sẽ không quá tiêu cực.

Dòng tiền mới dồi dào vào thị trường

Mặc dù hạ nhiệt đôi chút trong những tháng gần đây nhưng số lượng tài khoản mở mới trong 8 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận mức tăng ấn tượng 61% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng số lượng NĐT mới cùng với mức độ quan tâm từ người dân, thể hiện qua từ khóa tìm kiếm, đã tạo một dòng chảy tích cực, đẩy chỉ số VN-Index phục hồi từ đáy tháng 3, bất chấp áp lực bán ròng của NĐTNN.

KBSV: Dòng tiền mới dồi dào vào thị trường, VN-Index có thể cán mốc 960 điểm trong giai đoạn cuối năm - Ảnh 1.

Bên cạnh thịtrường cổ phiếu hiện đang biến động ở vùng giá thấp tương đối, các kênh đầu tư chính khác hiện nay đều đang trở nên kém hấp dẫn như: 1) lãi suất huy động giảm xuống mức thấp; 2) giá vàng giao động quanh mức cao so với lịch sử và chênh lệch khá lớn so với vàng thế giới; 3) kênh bất động sản thanh khoản suy yếu do dịch Covid-19; 4) kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực vào đầu tháng 9. Đây là nguyên nhân chính giúp dòng tiền chảy vào TTCK Việt Nam dồi dào trong thời gian qua (thể hiện qua sự gia tăng của thanh khoản, giá trị giao dịch và số tài khoản mở mới), và được kỳ vọng sẽ tiếp tục là yếu tố nâng đỡ thị trường trong quý cuối năm.

KBSV: Dòng tiền mới dồi dào vào thị trường, VN-Index có thể cán mốc 960 điểm trong giai đoạn cuối năm - Ảnh 2.

Kinh tế hồi phục tích cực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công giai đoạn cuối năm

Đối với kinh tế thế giới, KBSV cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn đang trên giai đoạn phục hồi nhờ những biện pháp "phong tỏa" được gỡ bỏ gần hết ở các nước cũng như nhờ bộ đệm hỗ trợ mạnh mẽ đến từ chính sách siêu nới lỏng của các NHTW thế giới và chính sách mở rộng tài khóa quy mô lớn của chính phủ các nước.

Đối với kinh tế trong nước, mặc dù hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang cho thấy sự chống chịu tốt và giữ vững được đà phục hồi. KBSV dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020. Sang năm 2021, triển vọng của Việt Nam là hết sức lạc quan khi tăng trưởng kinh tế vẫn được nhiều tổ chức kinh tế dự báo cao (trung bình 6,7%) và thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

KBSV: Dòng tiền mới dồi dào vào thị trường, VN-Index có thể cán mốc 960 điểm trong giai đoạn cuối năm - Ảnh 3.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến 31/8 là khoảng 222 nghìn tỷ đồng, tương đương với 32% dự toán 2020. Nếu không tính nguồn vốn từ 2019 gộp vào thì tốc độ giải ngân trong 8 tháng 2020 đạt 47% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt khoảng 41%), và cũng là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. KBSV kỳ vọng vào sự bứt phá trong những tháng cuối năm, với dự báo tỷ lệ giải ngân có thể đạt từ 70-80% trong năm nay.

Định giá thị trường đang ở mức thấp, VN-Index có thể lên mốc 960 điểm trong giai đoạn cuối năm

Theo đánh giá của KBSV, vùng giá hiện tại của VN-Index vẫn chưa ở mức cao và dư địa tiếp tục tăng giá của chỉ số vẫn còn dù không quá dồi dào khi vẫn còn đó nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn (Covid-19 quay trở lại, bầu cử tại Mỹ, căng thẳng Mỹ-Trung, kinh tế và doanh nghiệp trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến…).

Khi mà niềm tin vĩ mô tiếp tục được củng cố, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp dòng tiền mới dồi dào, vấn đề room ngoại có tín hiệu sớm được giải quyết, các nước tiếp tục mở cửa kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ổn định…KBSV kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể tiếp tục đà hồi phục lên mức quanh 960 vào những tháng cuối năm 2020.

KBSV: Dòng tiền mới dồi dào vào thị trường, VN-Index có thể cán mốc 960 điểm trong giai đoạn cuối năm - Ảnh 4.

Cũng theo KBSV, so sánh P/E của các thị trường trong khu vực, có thể thấy P/E forward 12 tháng của VN-Index thấp hơn tương đối so với P/E forward 12 tháng của các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, tương quan P/E forward 12 tháng với 2 chỉ số tiêu chuẩn khác là FTSE EM Index và FTSE World Index thì giá trị so sánh của VN-Index đang ở mức thấp kể từ năm 2013.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên