KBSV: Sớm nhất đến tháng 9/2021, FTSE Russell mới đưa Việt vào nhóm thị trường mới nổi
KBSV cho rằng câu chuyện nâng hạng nhiều khả năng sẽ trì hoãn đến cuối năm sau, TTCK Việt Nam sẽ mất đi động lực hấp dẫn để khơi thông lượng lớn dòng vốn ngoại tiềm năng.
Rạng sáng 25/9 theo giờ Việt Nam, FTSE Russell đã công bố kết quả phân hạng thị trường với việc tiếp tục giữ nguyên Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi phân hạng thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Markets).
FTSE Russell đánh giá Việt Nam có những bước tiến đáng ghi nhận trong phần "Điều kiện thị trường và môi trường pháp lý" nhưng phần "Cơ chế thanh toán, bù trừ" vẫn được xem là rào cản lớn. Việt Nam vẫn duy trì trong danh sách theo dõi nâng hạng và vẫn được phân loại là thị trường cận biên sau kì xét duyệt tháng 9/2020.
Hai tiêu chí chưa đáp ứng để nâng hạng thị trường mới nổi thứ cấp của Việt Nam: (1) Hoạt động thanh toán chứng khoán thông suốt, không có lỗi: Vẫn không được đánh giá ("N/A") do việc thiếu thông tin cung cấp từ UBCK. (2) Chu kì thanh toán (DvP): Duy trì ở mức hạn chế ("Restricted") do hoạt động thanh toán của Việt Nam dựa trên quy tắc phải có tiền trong tài khoản mới được giao dịch (pre-funding).
Trước đó FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi này từ tháng 9/2018 nhưng cho đến nay vẫn chưa chính thức được nâng hạng thị trường mới nổi.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp với Việt Nam chỉ được đánh giá cao bắt đầu từ kỳ xét duyệt định kì tháng 9/2021. KBSV cũng cho rằng sẽ không có nhiều sự thay đổi đáng kể trong kì xét duyệt bán niên tháng 3/2021 tới đây bởi khoảng thời gian là không đủ để Việt Nam xử lý xong những vẫn đề tồn đọng.
Trong một báo cáo gần đây, Công ty chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng trong kịch bản lạc quan, Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường vào tháng 9/2021.
Đã có những tiến triển trong việc giải quyết vướng mắc chính – cơ chế thanh toán, bù trừ
Theo Ủy Ban Chứng Khoán Việt Nam (UBCKVN), việc nâng cấp toàn diện hệ thống giao dịch sẽ được hoàn tất vào đầu năm sau. KBSV đánh giá đây sẽ là sự cải tiến quan trọng, tạo nền tảng để Việt Nam chuyển sang mô hình thanh toán DvP theo chuẩn quốc tế khi mà hoạt động thanh toán của Việt Nam hiện tại đang dựa trên quy tắc phải có tiền trong tài khoản mới được giao dịch (pre-funding).
Dù vậy, việc chuyển giao sang DvP vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn cần tháo gỡ, bao gồm: 1) triển khai Đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) và 2) sự phối hợp từ các CTCK trong việc nâng cấp hệ thống, hạ tầng giao dịch để khớp nối với hệ thống mới từ Sở, cùng với việc xây dựng quy trình chủ động phòng ngừa và xử lý trường hợp các giao dịch thất bại.
Việc trì hoãn nâng hạng thị trường khiến dòng tiền NĐTNN khó khởi sắc
KBSV cho rằng câu chuyện nâng hạng nhiều khả năng sẽ trì hoãn đến cuối năm sau, TTCK Việt Nam sẽ mất đi động lực hấp dẫn để khơi thông lượng lớn dòng vốn ngoại tiềm năng. Bên cạnh đó, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước vẫn khá trì trệ, khiến diễn biến dòng tiền khối ngoại khó có thể khởi sắc trong thời gian tới.