Kẽ hở công tác cán bộ, Đà Nẵng không còn như xưa
Việc UB Kiểm tra TƯ công bố sai phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng cần nghiêm khắc để thấy công tác cán bộ còn có những kẽ hở, sơ suất, để lọt vào TƯ, cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn.
- 18-09-2017Bí thư Nguyễn Xuân Anh đã sai phạm những gì?
- 18-09-2017Vi phạm của Bí thư và Chủ tịch UBND Đà Nẵng đến mức phải kỷ luật
Trao đổi với VietNamNet trước kết luận của UB Kiểm tra TƯ về những sai phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh , PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói: “Đây là dấu hiệu tích cực trong siết chặt kỷ luật Đảng theo tinh thần nghị quyết TƯ 4 khóa 12”.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: Lao động
Theo ông Phúc, Bí thư Đà Nẵng dùng bằng cấp không đúng quy định là thể hiện sự thiếu trung thực. Đấy là khuyết điểm của bản thân ông Xuân Anh trước khi vào TƯ.
Sau đó khi vào cương vị lãnh đạo có những biểu hiện trục lợi, dùng quyền lực của mình, vị trí chức trách của mình để có nhà, có đất, có xe mà lại liên kết với các DN như thế là khuất tất trong lợi ích nhóm.
Vì vậy có thể nói anh đã dùng quyền lực, vị trí của mình để trục lợi. Thể hiện sự lạm quyền vì lợi ích riêng của mình.
Cả 2 vi phạm này đều quan trọng như nhau. Nhưng cũng phải nhìn nhận có sơ hở trong công tác cán bộ.
Khi đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đưa vào TƯ, cấp ủy cũng phải nghiêm khắc để thấy được công tác cán bộ còn sơ suất, thiếu sót, còn kẽ hở, để lọt vào TƯ, cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn.
Ông Phúc cho rằng, đểrút ra bài học trong công tác cán bộ cũng như trong việc giám sát cán bộ, đảng viên hiện nay, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác nhân sự sắp tới, nhất là việc đánh giá cán bộ sao cho chính xác, chọn đúng người có đức, có tài để đưa vào bộ máy đảng và chính quyền các cấp, kể cả TƯ.
Điều tiên quyết là việc tu dưỡng rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Đồng thời ở khía cạnh thứ 2 là phải lựa chọn những cán bộ đã trải qua thực tiễn, được rèn luyện và phải giáo dục, bồi dưỡng căn bản.
Khi đã giao quyền thì phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, như Tổng bí thư gọi là kiểm soát quyền lực.
Khi kiểm soát quyền lực không tốt mà giao việc cho người ấy, lại là người trẻ tuổi dễ dẫn đến tự cao, tự đại, tự thỏa mãn với vị trí của mình như Tổng bí thư từng nói “ở địa phương như ông vua con”, tự huyễn hoặc mình nên dẫn đến những sai phạm như vậy.
Ông Hồ Duy Diệm, nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng: "So với Quảng Nam đã thua xa"
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Bí thư Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã qua được 2 năm.
Từ khi giữ chức vụ Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Xuân Anh chưa để lại ấn tượng gì nhiều, chưa thể hiện được bản thân dù có nhiều cơ hội để thể hiện. Ví dụ vụ Sơn Trà được nhân dân cả TP quan tâm, là cơ hội để Bí thư thể hiện nhưng ông ấy đã không có vai trò gì.
Đà Nẵng không có thành tích gì nổi bật so với các tỉnh, thậm chí còn tụt hậu. Nghị quyết của Bộ Chính trị nhấn mạnh Đà Nẵng phải là đầu tàu, trung tâm phát triển của miền Trung, Tây Nguyên nhưng giờ TP thua các tỉnh bạn. Ví dụ so với Quảng Nam, từ chỗ là tỉnh nghèo, họ đã vượt Đà Nẵng về thu hút đầu tư.
Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP, nguyên Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng: "Mất đoàn kết nội bộ"
Những sai phạm mà UB Kiểm tra TƯ chỉ ra, nhất là việc mất đoàn kết nội bộ thì trách nhiệm chính là của Bí thư Thành ủy.
Ông Trần Văn Lĩnh. Ảnh: Cao Nam
UB Kiểm tra TƯ đã vào cuộc rất kịp thời, để những sai sót không đến mức quá nghiêm trọng. Chúng tôi cũng mong rằng TƯ sẽ có những điều chuyển hợp lý để bộ máy lãnh đạo Đà Nẵng đoàn kết, hiệu quả hơn.
Ai làm sai người đó chịu, và sẽ có kiểm điểm, xử lý.
Vietnamnet