MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kế hoạch không kích sát hại tướng Iran được ông Trump "lên trong chớp nhoáng" khi đang đi nghỉ dưỡng

04-01-2020 - 09:37 AM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn thân cận nhất đã đưa ra kế hoạch không kích tiêu diệt tướng Qassem Soleimani, nhân vật quyền lực số 2 của Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, trong một thời gian ngắn.

Tướng Qassem Soleimani là nỗi ám ảnh với Mỹ hơn 2 thập kỷ qua. Nhân vật này bị đổ lỗi đứng sau cái chết của hàng trăm lính Mỹ ở Trung Đông. Ở Iran, tướng Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ 2. Chính điều này khiến Soleimani trở thành "bất khả xâm phạm" trong các nhiệm kỳ tổng thống trước của Mỹ.

Tuy nhiên, sự kiềm chế lâu dài đó của người Mỹ đã kết thúc bằng một cuộc không kích rạng sáng ngày 3/1 theo giờ Baghdad. Tổng thống Mỹ Donald Trump là người ra lệnh tiến hành cuộc không kích và sân bay ở thủ đô Iraq, giết chết vị tướng cấp cao của Iran và đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy bạo lực tiềm năng.

Tổng thống Trump ra lệnh không kích nhằm vào người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Quds của Vệ binh Cách mạng Iran một cách nhanh chóng. Ngay sau khi nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn tiến hành vụ không kích cướp đi mạng sống của một nhà thầu quân sự Mỹ ở Iraq hôm 27/12, ông Trump đã quyết định phản đòn.

Theo 3 nguồn thạo tin, ngay sau khi nhận thông tin về vụ không kích, ông Trump đã ra lệnh cho một số phụ tác cấp cao nhất của mình bắt đầu lên kế hoạch tấn công vị tướng cấp cao của Iran. Chính quyền ông Trump gần đây đã yêu cầu người Pháp và các đồng minh khác lên tiếng cảnh báo Iran về việc đưa người Mỹ vào diện tấn công. Đối với ông Trump, đó là lằn ranh đỏ.

Các cố vấn cấp cao nhất của ông Trump đã làm việc, ngay cả trong ngày lễ, thông qua các kênh đàm thoại. Nhóm này bao gồm Quyền tham mưu trưởng, tướng Mick Mulvaney ở Key West, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien ở California và Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ở Washington. Ông Pompeo đã hủy chuyến công du tới Ukraine và một số quốc gia khác vào ngày 1/1/2020.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thì có mặt tại Annapolis, Maryland để tổ chức đám cưới cho con gái Charlotte vào ngày 28/12, sau đó có mặt ở đảo Sanibel, Florida để tham gia vào việc lên kế hoạch.

Nhóm cố vấn thân cận nhất của ông Trump đã sử dụng kênh liên lạc được bảo mật để lên kế hoạch cho cuộc không kích. Hôm 2/1, một chiếc máy bay thuộc phi đội của Nhà Trắng được điều đến California để đón Cố vấn an ninh quốc gia O’Brien tới Palm Beach để ngồi cùng với Tổng thống Trump khi vụ không kích được tiến hành.

Một số lượng nhỏ các luật sư trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cũng đã tham gia các sự kiện. Do bí mật là quan trọng nên các trợ lý rất lo ngại thông tin về quyết định không kích nhằm vào tướng Iran của Tổng thống Trump bị rò rỉ trước khi các hành động trên thực địa được triển khai.

Trong khi vụ không kích sát hại tướng Soleimani được nhiều người ủng hộ ông Trump và các đồng minh của ông trong Quốc hội Mỹ hoan nghênh, người Dân chủ lại lên tiếng cho rằng ông Trump có thể gây nguy hiểm cho các nhà ngoại giao và binh sĩ quân đội Mỹ tại Trung Đông và có thể hơn thế nữa. Một số người còn lo ngại sự trả đũa của Iran ngay chính trong lòng nước Mỹ.

Khi lên kế hoạch cho vụ tấn công, ông Trump đang đi nghỉ tại Mar-a-Lago trong dịp Giáng sinh và năm mới. Ngay cả thời điểm Đại sứ quán Mỹ bị những người ủng hộ Iran tấn công ở Iraq, ông Trump vẫn có mặt tại sân golf trong khu nghỉ dưỡng của mình khoảng 50 phút.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã được thông báo về cuộc không kích nhằm vào Soleimani. Hiện tại, người ta chưa thể xác nhận có nghị sĩ nào khác ngoài ông Graham được thông báo về vụ không kích hay không. David Popp, người phát ngôn của Thượng nghị sĩ Mitch McConnell – lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, từ chối cho biết các thông tin liên quan tới vụ việc.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Trump cũng đã ra lệnh cho một phần của Sư đoàn lính dù 82 tới Trung Đông. Khoảng 750 lính dù được thông báo hôm 31/12 về việc họ có thể sẽ được triển khai tới thực địa. Binh sĩ Mỹ sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ bảo vệ lợi ích Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq.

Không có quan chức chính phủ nước ngoài nào được Chính quyền ông Trump báo trước về vụ không kích.

Theo giới chức Mỹ, Soleimani đang đến Baghdad để chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào lực lượng Mỹ. Soleimani được cho là tới thủ đô của Iraq từ một quốc gia thứ 3. Đó có thể là Lebanon hoặc Syria. Phía Mỹ cho biết họ không theo dõi Soleimani nhưng tiến hành vụ không kích sau khi nhận tin tình báo cho thấy Soleimani đang ở sân bay Baghdad, nơi có cơ hội tấn công.

Soleimani là mục tiêu chính. Tuy nhiên, vụ không kích của Mỹ cũng sát hại một lãnh đạo cấp cao của lực lượng Kataib Hezbollah, nhóm phiến quân tiến hành vụ tấn công nhằm vào căn cứ quân sự Mỹ.

Giải thích nguyên nhân của vụ không kích trên Twitter, Tổng thống Trump cho rằng Soleimani đã trực tiếp và gián tiếp sát hại và làm bị thương hàng ngàn người Mỹ và "đang âm mưu giết nhiều người hơn". Tổng thống Trump không đưa ra bằng chứng hay kết luận như trên CNN, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh vụ không kích giết chế Soleimani đã ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm năng.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đã yêu cầu công dân rời Iraq và tránh xa Đại sứ quán sau vụ không kích.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên