Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 có gì đáng chú ý?
Tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, phát triển mạnh các mô hình và phương thức kinh doanh mới, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...
- 08-11-2020GlobalData dự báo tăng trưởng ngành xây dựng 2020 của Việt Nam đạt 5,5%
- 08-11-2020Thủ tướng: Mặc dù đứng thứ 4 ASEAN, nguy cơ tụt hậu kinh tế vẫn hiện hữu!
- 07-11-2020Dự kiến Việt Nam đạt mức tăng thu nhập bình quân cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi của ASEAN
Theo chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 11/11 tới đây Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Trong tuần đầu tiên của đợt họp trực tiếp vừa qua, Quốc hội đã dành liền ba ngày thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách, trong đó có dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau.
Theo dự thảo này, mục tiêu tổng quát của năm sau vẫn là tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ dự kiến 12 chỉ tiêu chủ yếu với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% so với năm 2020. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%...
Dự thảo cũng nêu nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt trong năm tới với những yêu cầu cụ thể.
Đó là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch sớm nhất.
Cùng đó, chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không… và người lao động, người dân mất việc, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập. Trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
Dự thảo nghị quyết cũng nêu yêu cầu thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ phù hợp để vừa kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Có giải pháp, chính sách thích hợp để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp, hạn chế tìm đến các nguồn vốn tín dụng không chính thức.
Thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát đặc biệt, tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, bảo đảm an toàn hệ thống.
Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường.
Tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành công thương.
Trong số các nhiệm vụ năm tới còn có sớm hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) trên cơ sở kế thừa Quy hoạch điện VII điều chỉnh, bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa điện than, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và thủy điện gắn với vấn đề bảo vệ môi trường.
Sớm hoàn thành 10 dự án điện đang chậm tiến độ và không để thiếu điện trong nhiệm kỳ tới. Bảo đảm tăng trưởng điện từ 1,5 đến 02 lần so với tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu kết thúc ba ngày thảo luận của Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, 2021 là năm đầu tiên để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nên có ý nghĩa rất quan trọng.
Phó chủ tịch Quốc hội điểm lại, có ý kiến đại biểu cho rằng, trong khi chưa có vắc-xin, dịch bệnh chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, cần đánh giá thận trọng hơn diễn biến, tác động của đại dịch. Cần có các kịch bản để ứng phó và cho rằng để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% đòi hỏi cần nỗ lực phấn đấu rất cao.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công theo hướng an toàn, bền vững, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm quốc gia, giải quyết nợ xấu, nạn tín dụng đen, các dự án chậm tiến độ, các dự án thua lỗ, giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động và việc làm.
Sau những gì trải qua trong năm 2019, với những yếu tốt bất thường, có ý kiến nhấn mạnh về yêu cầu chú ý bố trí đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19; có giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu, bố trí lại dân cư vùng thường bị thiên tai, bão lũ và tạo sinh kế cho người dân thiệt hại trong bão lũ, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển.
BizLIVE