MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết nối giao thông tạo đà phát triển vùng ven biển Bình Thuận

Nâng cấp, cải tạo đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện (Ảnh: Đoàn Sĩ).

Nâng cấp, cải tạo đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện (Ảnh: Đoàn Sĩ).

Nằm gần vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với nguồn tài nguyên đa dạng, Bình Thuận là địa phương có sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Tuy nhiên do kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế nên sự phát triển của Bình Thuận chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi vậy, Bình Thuận đang từng bước tháo gỡ những khó khăn về vấn đề giao thông đối nội, đối ngoại tạo đà tăng tốc phát triển kinh tế, nhất là vùng ven biển.

Phát huy hiệu quả tuyến cao tốc

Người dân Bình Thuận, ai cũng háo hức, mong từng ngày tuyến cao tốc đoạn đi qua địa bàn tỉnh sớm hoàn thành và đưa vào khai thác. Đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây kết nối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian đi từ TP.HCM đến Phan Thiết (Bình Thuận) từ hơn 4h xuống còn khoảng 2h. Tuyến đường này cũng sẽ giúp Bình Thuận kết nối thuận lợi hơn với các vùng kinh tế trong cả nước, nhất là khu vực miền Trung, vùng Đông Nam Bộ, với trọng tâm là TP.HCM.

Để phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường bộ cao tốc, tỉnh Bình Thuận đồng thời triển khai nâng cấp, cải tạo các tuyến đường trục ven biển như: Đường ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà, đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện; triển khai dự án đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành, đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B kết nối tuyến đường bộ cao tốc với Quốc lộ 1 đến đường trục ven biển của tỉnh.

Ông Phan Chính, một người dân ở thị xã La Gi cho biết, sau 30 năm ngày tái lập tỉnh, đây là lần đầu tiên ông được thấy sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ cho hạ tầng giao thông của địa phương.

“Đây là tín hiệu góp phần để dân có niềm tin về sự phát triển, đặc biệt là hạ tầng cơ sở, đường xá, có nhiều tuyến kết nối được với nhau, và nó thật sự là cái đòn bẫy để phát triển. Và trục đường ven biển nó cũng trở thành điều kiện để nó có cái thay đổi lớn và nó thu hút được các hoạt động nhất là lĩnh vực du lịch” - ông Phan Chính nói.

Hai tuyến đường ĐT.719B và ĐT.719 có ý nghĩa quan trọng cho phát triển du lịch khu vực phía nam tỉnh Bình Thuận, bởi sẽ khơi thông kết nối nội vùng cả 4 huyện, thị, thành phố là: Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi và Phan Thiết. Bà Lê Thị Bích Liên, Bí thư huyện Hàm Thuận Nam cho biết, đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện là trục đường ven biển của huyện Hàm Thuận Nam, rất thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ du lịch.

“Huyện đã quy hoạch xây dựng vùng huyện, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng của thị trấn Thuận Nam đồng thời triển khai lập quy hoạch toàn bộ ở các xã có con đường ven biển đi qua để tạo thuận lợi cho sự phát triển và các dự án đang có quy hoạch thực hiện thuận lợi và dể dàng” - bà Lê Thị Bích Liên nói.

Hạ tầng giao thông kết nối và mở rộng không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi hơn cho nhân dân mà còn là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư. Ông Phạm Quang Hậu-Giám đốc điều hành Sonata Resort ở xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết cho biết, chính quyền địa phương đang đầu tư rất mạnh về hạ tầng giao thông để kết nối các vùng, đây là yếu tố giúp phát triển kinh tế.

“Trước đây, chỉ có con đường 719 về thành phố Phan Thiết nên rất khó khăn trong việc kết nối giao thông. Hiện nay các tuyến được kết nối cùng với đó là nhiều việc khác mà tỉnh Bình Thuận đang đầu tư cho phía Nam, kỳ vọng nó sẽ bứt phát trong vòng 3 – 5 năm tới. Đó là điểm đáng mừng cho phía Nam Phan Thiết” - ông Phạm Quang Hậu nói.

Tiếp tục kết nối giao thông tạo đà phát triển

Đối với thị xã La Gi trong những năm gần đây kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư. Tuyến chính vào thị xã là QL55 cơ bản thuận lợi, dự kiến trong thời gian tới đoạn từ thị xã La Gi đi Bà Rịa – Vũng Tàu, qua huyện Hàm Tân có khả năng Trung ương đưa vào danh mục đầu tư giai đoạn 2021 – 2025. Sau khi cao tốc Phan Thiết – Giầu Dây hoàn thành sẽ có một nút giao từ cao tốc kết nối với QL55 về thị xã La Gi. Về tuyến ven biển, sắp tới sẽ triển khai tiếp đoạn Kê Gà – Tân Hải (Hòn Lan – Tân Hải).

Sau khi các tuyến này hoàn thành việc đi lại giữa thành phố Phan Thiết với thị xã La Gi, cũng như từ La Gi đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Lâm Đồng rất thuận lợi.

Ông Phạm Văn Nam – Bí thư thị xã La Gi cho biết, thị xã đã kiến nghị với tỉnh Bình Thuận xin bổ sung một tuyến từ hồ Núi Đất (xã Tân Tiến, thị xã La Gi) đi ra Quốc lộ 1A khu vực giáp ranh giữa huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Tân khoảng 15km. Nếu có thêm tuyến này, khu vực phía Bắc thị xã La Gi sẽ phát triển năng động hơn. Từ đó thu hút nhiều du khách hơn đến với khu vực Dinh Thầy Thím, hồ Núi Đất và vùng ven biển của thị xã.

“Đối với thị xã vẫn còn một tuyến đường quan trọng đó là đoạn giao thông ven biển, thị xã đã trình tỉnh và đã được phê duyệt. Trước thị xã rất khó thấy biển và lợi thế từ biển, cũng như thu hút lợi ích từ biển cũng chưa được mạnh. Nếu tuyến này được quy hoạch và tiếp tục được đầu tư trong thời gian tới thì có thể nói rằng La Gi là điểm để thu hút khách du lịch, cũng như người dân hưởng lợi từ biển rất nhiều” - ông Phạm Văn Nam nói.

Cao tốc đang gấp rút thi công, sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, cùng với đó là các tuyến đường ven biển ở phía Nam đang đẩy nhanh tiến độ thi công và sắp tới sẽ có thêm cảng biển Sơn Mỹ (phía Nam tỉnh) cùng với cảng biển Vĩnh Tân (phía Bắc tỉnh) đã đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện cho Bình Thuận tăng tốc phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Hữu Trung-Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết: “Dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua tỉnh với chiều dài trên 160 km trong đó có 7 nút giao liên thông kết nối với các trung tâm đô thị, các vùng du lịch trọng điểm. Phải nói đây là dự án tạo ra bước đột phá rất lớn cho hệ thống giao thông của tỉnh nhà. Đồng thời việc kết nối này cũng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực ven biển phía Nam Bình Thuận”.

Các dự án trên được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với đường bộ cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, với mũi nhọn là du lịch biển. Đặc biệt là khu vực ven biển phía Nam tỉnh Bình Thuận với rất nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch biển, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là an ninh biển đảo trong giai đoạn hiện nay.

Theo Đoàn Sĩ

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên