MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết quả kinh doanh của những cổ phiếu giảm sâu tháng 10

29-10-2017 - 08:49 AM | Doanh nghiệp

Hàng loạt cổ phiếu giảm sâu trên 30% trong tháng qua khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.

Mùa kết quả kinh doanh quý 3 đang diễn ra và điều đáng buồn là nhà đầu tư phải chứng kiến hàng loạt cổ phiếu giảm rất sâu khiến họ thua lỗ nặng nề. Một phần nguyên nhân là do kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã không đạt kỳ vọng của họ.

Chúng tôi xin điểm qua kết quả kinh doanh quý 3 của một số doanh nghiệp có giá cổ phiếu sụt giảm sâu thời gian qua.

Công ty Cổ phần PIV (PIV)- PIV là một trong những cổ phiếu giảm rất sâu trên 50% trong tháng 10 này. Từ mức giá 43.500 đồng đầu tháng 10, hiện, cổ phiếu PIV chỉ còn 20.700 đồng/cổ phiếu. Sự sụt giảm nặng nề của PIV khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.

Kết quả kinh doanh quý 3/2017 doanh nghiệp này vừa công bố cho thấy, hoạt động kinh doanh của công ty giảm sâu so với cùng kỳ. Doanh thu quý 3 chỉ còn hơn 25 tỷ đồng tương đương khoảng 1/4 mức đạt được cùng kỳ năm 2016. Tương ứng với đó là con số lợi nhuận quý 3 chỉ còn hơn 2 tỷ đồng, chưa bằng 1/4 cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, PIV lãi 4,2 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số gần 10 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017.


Biến động giá cổ phiếu PIV 6 tháng qua

Biến động giá cổ phiếu PIV 6 tháng qua

Dù có nhiều con sóng “chìm, nổi” trong tháng qua nhưng cổ phiếu CCL của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long tính chung vẫn giảm hơn 24% tháng 10. Giải trình của CCL cho biết, trong quý 3 công ty đã bán được những căn nhà tồn kho, phát sinh thêm chi phí bảo trì hoàn thiện nhà khiến chi phí bán hàng, khuyến mại, tặng phẩm tăng nên lợi nhuận quý 3/2017 chỉ đạt hơn 800 triệu đồng, giảm sâu so với mức 2,56 tỷ đồng cùng kỳ và lợi nhuận 9 tháng đầu năm cũng không sáng sủa hơn khi chỉ đạt 3,11 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước.


Biến động giá cổ phiếu CCL 6 tháng qua

Biến động giá cổ phiếu CCL 6 tháng qua

Cổ phiếu ABT của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre trước đây được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi hoạt động kinh doanh ổn định liên tục trong nhiều năm và rất nhiều năm, ABT lot top những doanh nghiệp EPS cao nhất thị trường chứng khoán.

Thế nhưng, trong tháng 10, cổ phiếu ABT đã mất giá hơn 20% so với tháng 9. Có lẽ, giá cả cổ phiếu đã phần nào phản ánh tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa của ABT.

Riêng quý 3, ABT đạt 103 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 15% so với cùng kỳ trong khi các chi phí đội lên cao. ABT lãi chỉ hơn 4 tỷ đồng trong quý 3, giảm sâu 74% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, ABT lãi 15,6 tỷ, chưa bằng một nửa con số 40 tỷ đồng đạt được trong 9 tháng năm 2016.


Biến động giá cổ phiếu ABT 6 tháng qua

Biến động giá cổ phiếu ABT 6 tháng qua

Lợi nhuận sau thuế quý 3 năm 2017 của Công ty cổ phần khoáng sản Fecon đạt chưa đầy 3,5 tỷ đồng, giảm sâu so với mức hơn 15 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm, khoáng sản Fecon lãi hơn 26 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh sụt giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu FCM lao dốc gần đây. Chỉ tính riêng tuần qua, FCM giảm hơn 18% khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.

...


Biến động giá cổ phiếu FCM 6 tháng qua

Biến động giá cổ phiếu FCM 6 tháng qua

Sau khi báo lãi 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (HOSE: CTS) vừa có báo cáo kết quả kinh doanh quý III với hiệu quả sụt giảm mạnh trong kỳ này.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ doanh số sụt giảm 17,4% so với cùng kỳ xuống còn 54 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 26,3% lên mức 31,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, CTS ghi nhận mức lãi sau thuế 5,8 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm chính dẫn đến doanh thu giảm là do danh mục đầu tư (AFS) của CTS ghi nhận mức tăng thấp hơn cùng kỳ, chỉ đạt 7 tỷ đồng so với mức 10 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu từ nghiệp vụ lưu ký chứng khoán và doanh thu hoạt động tư vấn tài chính giảm giảm 1 nửa so với cùng kỳ.

Trong khi đó, chi phí tăng mạnh do công ty ghi nhận mức lỗ chênh lệch đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng gần gấp đôi cùng kỳ lên mức 15,7 tỷ đồng.

Danh mục nắm giữ của CTS cho thấy, lợi nhuận trong quý III của CTS giảm chủ yếu do 2 khoản cổ phiếu nắm giữ là từ việc cặp dôi cổ phiếu HAG & HNG của Hoàng Anh Gia Lai giảm giá trong quý III. Tại ngày 30/9, CTS đang nắm 7,89 triệu cổ phiếu HAG và 7,1 triệu cổ phiếu HAG.

Cùng với kết quả kinh doanh sụt giảm nặng nề, giá cổ phiếu CTS cũng khiến nhiều nhà đầu tư buồn lòng khi giảm gần 15% trong tuần qua và tính cả tháng 10 đã sụt giảm gần 20%.


Biến động giá cổ phiếu CTS 6 tháng qua

Biến động giá cổ phiếu CTS 6 tháng qua

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên