MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết thúc năm 2019 đầy ngọt ngào của Alibaba: Lần đầu tiên trở thành công ty vốn hóa lớn nhất châu Á, giá trị thị trường vượt ngưỡng 570 tỷ USD

26-12-2019 - 13:46 PM | Tài chính quốc tế

Vốn hóa thị trường của Alibaba hiện đã tăng lên 570 tỷ USD biến đây trở thành công ty số 1 châu Á.

Vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ châu Á đã tăng đáng kể trong năm nay khi chu kỳ công nghệ khởi sắc trở lại và các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá cao sự phục hồi của nền kinh tế. Đó cũng chính là các yếu tố khiến vốn hóa thị trường của gã khổng lồ Trung Quốc Alibaba vượt 500 tỷ USD.

Khi những lo ngại về đà suy thoái giảm, lãi suất toàn cầu giảm, các chuyên gia phân tích nói rằng thị trường vốn sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn vào năm tới và điều đó khiến giá trị của các công ty công nghệ ở châu Á cũng sẽ đạt mức cao hơn nữa.

Vốn hóa thị trường của Alibaba hiện đã tăng lên 570 tỷ USD biến đây trở thành công ty số 1 châu Á lần đầu tiên kể từ khi niêm yết vào năm 2014. Trên toàn cầu, Alibaba có giá trị cao thứ 7 thế giới sau một vài công ty như Facebook 588 tỷ USD và Berkshire Hathaway 554 tỷ USD.

Vốn hóa thị trường của Alibaba chứng kiến mức tăng 60%, vượt xa tỷ lệ tương tự của Amazon là 20% và công ty mẹ Alphabet là 29%.

"Các công ty của Trung Quốc tiếp tục chứng kiến lợi nhuận tăng và nó đóng góp tích cực cho đà tăng cổ phiếu của Alibaba", theo Ivan Platonov – một chuyên gia phân tích làm việc cho một công ty đặt trụ sở tại Bắc Kinh. Ông cũng nói rằng bán lẻ - mảng mang về doanh thu lớn nhất cho Alibaba không hề bị tổn thương trước sự khốc liệt của cuộc chiến tranh thương mại thời gian gần đây như phần cứng, logistic và những lĩnh vực khác. "Các nhà đầu tư toàn cầu thừa nhận câu chuyện này".

Trong đợt niêm yết lần thứ 2 trên thị trường chứng khoán Hong Kong vào tháng 11, các nhà đầu tư đã đổ xô mua vào hơn 11 tỷ USD giá trị cổ phiếu của công ty này.

Kết thúc năm 2019 đầy ngọt ngào của Alibaba: Lần đầu tiên trở thành công ty vốn hóa lớn nhất châu Á, giá trị thị trường vượt ngưỡng 570 tỷ USD - Ảnh 1.

Tencent Holdings – công ty có vốn hóa thị trường dẫn đầu châu Á vào năm 2018 đã chứng kiến cổ phiếu tăng 20% tính tới 20/12 nhưng đã bị tuột xuống vị trí thứ 2 sau khi công bố doanh thu quảng cáo giảm. Công ty này chính là nạn nhân của sự bùng nổ của mạng xã hội đối thủ mới nổi là TikTok. Tencent cũng phải chịu những cơn đau đầu khác gồm cả các quy định mới với mảng kinh doanh cốt lõi là game khi Bắc Kinh đã chấp thuận ít tựa game hơn và áp dụng những quy định khắt khe hơn về giờ giấc chơi game.

Một ngôi sao trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc nữa là Meituan Dianping – một ứng dụng được chống lưng bởi Tencent có vốn hóa đã vượt 76 tỷ USD trong năm 2019. Xu hướng mới đang hình thành là nhu cầu về những bữa ăn khỏe mạnh, đồ uống… đã kéo lợi nhuận mảng giao đồ ăn của công ty tăng mạnh.

Với những nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghệ, các nhà sản xuất chip nhớ kiếm được nhiều nhất.

Cổ phiếu Samsung Electronics đã tăng 39% trong năm nay khi các nhà đầu tư đặt cược vào ngành công nghiệp chip nhớ. Tháng 6, Taiwan Semiconductor Manufacturing đã chứng kiến sự hồi phục mạnh sau đà giảm do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Tháng 10, TSMC đã tăng kế hoạch chi tiêu trong năm 2019 lên 15 tỷ USD, từ mức 10 tỷ USD.

Toàn cầu, thị trường chứng khoán đã diễn biến tốt trong năm 2019, với các chỉ số chính tại Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản đồng loạt tăng 20% thậm chí hơn. Mặc cho tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu đi tại hầu hết các quốc gia – Quỹ tiền tệ quốc tế dự đoán tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu trong năm nay sẽ đạt mức 3% - giảm từ mức 3,6% của năm 2018.

"Các nhà đầu tư vốn thích sự tăng trưởng. Vì vậy nếu chứng kiến dù chỉ là một chút sự phục hồi, một chút dấu hiệu tăng trưởng trở lại, bạn sẽ ngay lập tức thấy thị trường vốn phản ứng với điều đó".

Kết thúc năm 2019 đầy ngọt ngào của Alibaba: Lần đầu tiên trở thành công ty vốn hóa lớn nhất châu Á, giá trị thị trường vượt ngưỡng 570 tỷ USD - Ảnh 2.

Các thị trường chứng khoán Đông Nam Á không may mắn như vậy. Indonesia và Thái Lan chứng kiến đà tăng không đáng kể còn thị trường chứng khoán Malaysia thì giảm 5%. "Nam Á có xu hướng hưởng lợi nhiều hơn".

Một trong những công ty chứng kiến cổ phiếu tăng mạnh nhất là Hotai Motor của Đài Loan – chứng kiến vốn hóa thị trường tăng 2,7 lần so với năm ngoái. Lần đầu tiên trong 11 tháng của năm nay, doanh thu của nhà sản xuất và phân phối ô tô này đã tăng gần 14%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ chủ yếu được hỗ trợ bởi sự đón nhận của thị trường với những dòng xe của Toyota và Lexus, đặc biệt liên quan đến mẫu RAV4 và Altis.

Vốn hóa thị trường của công ty thuộc sở hữu nhà nước Kwweichow Moutai – công ty sản xuất rượu truyền thống đã tăng 90% và trở thành  công ty 200 tỷ USD. Keichow Moutai được biết rộng rãi như một công ty có lãi nhất trong số những công ty niêm yết tại Trung Quốc với biên lợi nhuận đạt 91,5% trong suốt 9 tháng của năm 2019. Daiwa Capital Market hiện vẫn duy trì đà tăng mạnh mặc dù cổ phiếu đã giao dịch ở mức gần cao nhất mọi thời đại. Các chuyên gia phân tích dự đoán rằng "nhu cầu với những phân khúc cao cấp vẫn duy trì mạnh".

Nhà sản xuất máy xây dựng Sany Heavy Industry đã chứng kiến cổ phiếu tăng 96% nhờ vào lực đẩy mạnh từ sáng kiến "1 vành đai 1 con đường". Sự mở rộng ra toàn cầu của công ty này đã đẩy vốn hóa thị trường công ty lên mức 18,6 tỷ USD tính tới 20/6, bám sát với hãng Komatsu của Nhật Bản.

Xếp hạng vốn hóa thị trường toàn cầu hiện đang được thống trị bởi các công ty Mỹ và Trung Quốc. Công ty vốn hóa lớn nhất Ấn Độ đứng ở vị trí 66. Reliance Industries – một ông trùm dầu mỏ, hóa dầu và viễn thông chứng kiến cổ phiếu tăng 40% lên mức 143 tỷ USD. Cổ phiếu của họ đã tăng mạnh vào tháng 8 khi cam kết sẽ giảm nợ xuống còn 0 trong 18 tháng và tiến tới kết hoạch bán cổ phần mảng hóa dầu cho Saudi Aramco.

Kết thúc năm 2019 đầy ngọt ngào của Alibaba: Lần đầu tiên trở thành công ty vốn hóa lớn nhất châu Á, giá trị thị trường vượt ngưỡng 570 tỷ USD - Ảnh 3.

Đối lập với đó, nhà sản xuất ô tô Ấn Độ chứng kiến sự sụt giảm mạnh do nhiều yếu tố như mức bảo hiểm ô tô cao hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn. Mahindra & Mahindra chứng kiến cổ phiếu giảm 35%, con số tương tự của Maruti Suzuki Ấn Độ là 5% và Tata là 2%.

"Trên một phương diện nào đó, Mahindra đã chạm tới mức tồi tệ. Họ đã mất thị trường ở các thành phố lớn và cả vùng nông thôn nữa. Tôi không thấy khả năng có thể hồi phục nào của Mahindra vào năm 2020".

Các hãng hàng không Đông Nam Á cũng là một trong những công ty mất mát lớn nhất trong năm nay. Các nhà đầu tư đã quay lưng lại với Thai Airway International vào tháng 10 khi chủ tịch Dumeth Damrongchaithai đề cập rằng hãng hàng không quốc gia đang thua lỗ nặng và có thể phải đóng cửa. Sumeth sau đó giải thích rằng hãng hàng không này không phải đang rơi vào tình cảnh sắp không thể trả được nợ đến nơi nhưng họ thất bại trong việc thuyết phục các nhà đầu tư. Thai Airway đã chứng kiến vốn hóa giảm 38% trong năm nay.

Giá trị của AirAsia cũng giảm 42% khi giá nhiên liệu tăng và các yếu tố khác khiến lợi nhuận họ giảm mạnh. Các nhà đầu tư cũng lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các hãng giá rẻ đặt biệt là tại Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ.

Tại Hàn Quốc, sự gia tăng của các dịch vụ internet đã tạo ra thách thức lớn cho cá hãng bán lẻ truyền thống. Các nhà bán lẻ lớn nhất cả nước như E-mart và Lotte Shopping đều chứng kiến vốn hóa thị trường giảm 30 và 37%. Họ đang gặp khó trong việc cạnh tranh với công ty giao đồ ăn Coupang.

Nhìn về tương lai, các chuyên gia phân tích lạc quan về chứng khoán châu Á trong năm 2020. "Chúng tôi có một tầm nhìn tốt với thị trường vốn trong năm 2020. Nếu suy thoái không còn, bạn sẽ chứng kiến dòng tiền chuyển từ thị trường trái phiếu sang thị trường vốn".

Trong một thông báo phát hành vào ngày 18/12, Ronald Chan – Giám đốc đầu tư tại quỹ Manulife Investment viết: "Sự kết hợp của sự yếu đi của đồng USD, lãi suất thấp và cơ sở hạ tầng công nghệ châu Á đang cải thiện cùng với chi tiêu tiêu dùng tăng cao sẽ cung cấp lợi nhuận tốt hơn tại châu Á so với các thị trường đã phát triển".


Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ

Trở lên trên