MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách hàng làm sao để nhận diện được ngân hàng áp dụng Basel II?

21-11-2016 - 07:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Basel II đang được 10 ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng thí điểm tại Việt Nam kể từ tháng 2/2016. Khi tuân thủ tốt, các ngân hàng sẽ có khả năng đánh giá hiệu quả hơn về rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường mà các ngân hàng gặp phải thông qua hệ số an toàn vốn (CAR).

Với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng, các NHTM sớm hay muộn cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Basel II dựa trên 3 trụ cột chính, chứ không chỉ là 10 NHTM đang thí điểm thực hiện.

Cụ thể hơn, trụ cột về vốn tối thiểu trong Basel II yêu cầu các NHTM phải duy trì hệ số CAR tối thiểu là 8% (tỷ lệ này giữ nguyên trong Basel III). Công thức tính CAR đã được bổ sung vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường, ngoài vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng như quy định hiện hành tại Thông tư 36/2014 và Thông tư 06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong khi đó, hai trụ cột còn lại đóng vai trò trong việc thiết lập quy trình rà soát và duy trì mức vốn; công khai và minh bạch hóa các thông tin liên quan.

Trong đó, rủi ro thị trường là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán và giá hàng hóa trên thị trường. Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ không đầy đủ hoặc có sai sót, do con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yếu tố bên ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với ngân hàng.

Do đó, nếu tính thêm 2 phần rủi ro này, ước tính sẽ chiếm trung bình khoảng 1,5-2% hệ số CAR, nghĩa là với những ngân hàng có tỷ lệ CAR hiện tại 9% sẽ giảm còn khoảng từ 7- 7,5%. Trong khi với Basel I, ngân hàng tập trung về rủi ro tín dụng và yêu cầu vốn tối thiểu. Nhưng với Basel II, các ngân hàng phải quản trị rủi ro theo 3 trụ cột, đó là yêu cầu về vốn tối thiểu; quy trình rà soát, giám sát; kỷ luật thị trường và công bố thông tin.

Ngân hàng sẽ gia tăng chuẩn mực quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế

NHNN đã công bố Dự thảo Thông tư lần thứ 4 quy định về chỉ số CAR đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm mục tiêu đưa việc quản trị rủi ro cũng như an toàn vốn theo Basel II dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2017 đối với Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, ACB, VIB, VPBank, Maritime Bank, Sacombank và từ ngày 1/1/2019 đối với tất cả ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Dự thảo Thông tư yêu cầu các ngân hàng sử dụng một phần vốn tự có để phòng ngừa rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động, thay vì trước đây NHNN chỉ yêu cầu bù đắp cho rủi ro tín dụng. Cấu phần tín dụng cũng sẽ theo hướng chặt chẽ hơn, tính đến đặc thù rủi ro của từng sản phẩm vay và khách hàng vay. Điều này sẽ khiến mức vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng cao hơn. Đây cũng là yếu tố khiến hệ số CAR trong ngân hàng giảm đi và những ngân hàng có CAR xung quanh 9% sẽ phải tính đến phương án cải thiện để đảm bảo an toàn hoạt động.

Cách tính chỉ số CAR mới giúp các ngân hàng nhìn lại mức tăng trưởng tín dụng như thế nào phù hợp hơn với sức mạnh vốn, cho nên để đảm bảo mức lợi nhuận, ngân hàng sẽ chuyển dần sang các mảng dịch vụ khác nhiều hơn nữa. Tất nhiên, điều này có ảnh hưởng đến vốn vì liên quan đến rủi ro hoạt động thì khi tăng lợi nhuận từ các hoạt động khác đương nhiên bị tính vốn liên quan đến rủi ro hoạt động, nhưng thường sẽ vẫn ít hơn phần rủi ro tín dụng từ việc tăng trưởng tín dụng.

Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế, hệ số CAR tăng từ 7% lên 8% thì xác suất trung bình xảy ra khủng hoảng ngân hàng giảm đi khoảng 25 - 30%. Do vậy, việc áp dụng Basel II đã đưa ra chuẩn mực mới cho hoạt động quản trị rủi ro của các NHTM theo hướng lượng hóa từng loại rủi ro mà ngân hàng gặp phải và nhu cầu vốn để bù đắp những rủi ro đó.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về mối quan hệ nhân quả của việc nợ xấu tăng cao và tỷ lệ CAR suy giảm. Khi chất lượng tài sản giảm sút, chi phí dự phòng tăng cao sẽ “ăn mòn” vào lợi nhuận của ngân hàng, làm suy giảm mức vốn và sức khỏe tài chính, được đo bằng chính tỷ lệ CAR. Do đó, chừng nào các ngân hàng còn “giấu giếm” con số nợ xấu và không tuân thủ các quy định về trích lập dự phòng, chừng đó tỷ lệ CAR còn bị thổi phồng và không phản ánh chính xác mức độ an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam.

Cách nào để nhận ra ngân hàng đang áp dụng Basel II?

Có nhiều cách thức để khách hàng nhận biết là ngân hàng nào tại Việt Nam đang áp dụng quản trị rủi ro và tuân thủ chỉ số CAR theo chuẩn Basel II. Cách thức chính thống và phổ biến nhất hiện nay là khách hàng theo dõi các thông tin được NHNN công bố trên các phương tiện truyền thông về việc áp dụng chuẩn Basel II của các ngân hàng.

Ngoài ra, khách hàng còn có thể đọc các thông tin về việc áp dụng Basel II trên các Báo cáo tài chính đã được kiểm toán định kỳ hàng quý của các NHTM trên các trang web của các ngân hàng này hay nhận thông tin từ bạn bè, người thân, khách hàng. Tuy nhiên, các thông tin thứ cấp thường là thiếu tính chính xác. Cho nên, ngoài thông tin từ phía NHNN công bố thì cách tốt hơn là khách hàng nên đọc thông tin từ các Báo cáo do ngân hàng chính thức đưa ra. Trong đó, ngân hàng sẽ công khai một cách chi tiết tiến trình triển khai Basel II tại ngân hàng đang đến đâu dựa vào 3 trụ cột chính như đã đề cập ở trên.

Cụ thể, các ngân hàng phải công khai quá trình nghiên cứu xây dựng phương pháp quản lý rủi ro tích hợp, khẩu vị rủi ro toàn hàng, khung quản lý vốn nội bộ (ICAAP), xây dựng hệ thống, công cụ tính vốn theo chuẩn mực quốc tế, dự án tính toán tài sản chịu rủi ro (RWA), dự án xây dựng kho dữ liệu rủi ro và nhóm dự án công nghệ thông tin. Trong đó, một trong những yếu tố cơ bản để có thể thực hiện thành công Basel II là ngân hàng cần phải có cơ sở dữ liệu tốt và đầy đủ. Từ trước đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu của các NHTM trong nước nói chung được lưu trữ và quản lý chưa hoàn toàn theo các chuẩn mực quốc tế và chưa chú trọng để phục vụ công tác quản trị rủi ro. Trong khi đó yêu cầu để triển khai Basel II đòi hỏi rất khắt khe về cơ sở dữ liệu và công tác quản trị dữ liệu.

…có dễ với khách hàng để nhận biết?

Việc áp dụng Basel II sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho ngân hàng áp dụng không chỉ tăng cường quản trị rủi ro hoạt động kinh doanh ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế, đánh giá toàn diện hoạt động của ngân hàng, hoạch định kinh doanh theo khẩu vị rủi ro, phòng tránh rủi ro trong tương lai mà còn ngày càng tạo ra nhiều uy tín và niềm tin cho khách hàng, giúp khách hàng gửi tiền an toàn hơn và giúp cho người vay tiền hay thực hiện các dịch vụ ngày càng được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đối với khách hàng thông thường và ít cập nhật thông tin về tài chính ngân hàng, việc nhận biết ra ngân hàng áp dụng Basel II là vô cùng khó khăn.

Trong ba trụ cột của Basel II thì hai trụ cột là mang tính quản trị nội bộ của ngân hàng, đó là xác định chỉ số CAR và quy trình rà soát, giám sát nội bộ của chính ngân hàng đó và khách hàng rất khó để biết được nếu không thông qua trụ cột thứ ba là tiếp nhận thông tin từ các Báo cáo của ngân hàng. Nhưng không có nhiều khách hàng có thể đọc và hiểu được các nội dung từ Báo cáo tài chính của ngân hàng.

Do đó, nếu nhìn bề ngoài hình thức hay các thông tin cơ bản trên trang web của ngân hàng thì khách hàng rất khó để nhận biết là ngân hàng đã áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro mới theo Basel II hay chưa để từ đó quyết định có thực hiện giao dịch gửi tiền, vay tiền hay thực hiện các dịch vụ ngân hàng khác. Từ đó, NHNN và các ngân hàng cần có nhiều kênh thông tin hơn nữa để giúp khách hàng có được các thông tin chính xác nhất về hệ thống quản trị của các NHTM để từ đó giúp khách hàng đưa ra các quyết định phù hợp nhất.

TS. Bùi Quang Tín

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên