Khách mất tiền tỷ, ngân hàng phủi trách nhiệm là vô lý
Trong nhiều vụ bốc hơi tiền tỷ, nhân viên "rút ruột" tài khoản của khách, ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng, không thể phủi tay, luật sư Trương Thanh Đức nói với Góc nhìn thẳng.
- 03-10-2016Hàng loạt vụ mất tiền tỷ sổ tiết kiệm: Ngân hàng không thể phủi tay
- 30-09-2016Người dân rất dễ bị mất tiền trong thẻ tín dụng do tính năng thanh toán qua mạng
- 28-09-2016Mất tiền ngân hàng là do OTP đã lỗi thời?
- 28-09-2016Nữ nhân viên ngân hàng Eximbank rút ruột gần 50 tỷ đồng thế nào?
Gần đây, nhiều vụ việc bốc hơi tiền tỷ trong tài khoản ngân hàng hay trong các sổ tiết kiệm đã khiến cho người dân cảm thấy hoang mang và lo ngại. Có nhiều trường hợp khách hàng bị chính nhân viên ngân hàng lừa đảo, hay bị hacker ăn cắp mật khẩu trong tài khoản điện tử của mình.
Sau các vụ việc xảy ra, ngân hàng thường đổ lỗi cho nhân viên hay cho chính các khách hàng gửi tiền.
Liệu quy trình giao dịch trong ngân hàng đã đủ chặt chẽ, đủ để đảm bảo an toàn và phòng ngừa mọi rủi ro hay chưa?
Chúng tôi có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng.
Thưa ông, gửi tiền tiết kiệm hay gửi tiền trong ngân hàng được cho là rất an toàn, tuy nhiên hiện nay, rất nhiều vụ việc bốc hơi tiền tỷ đã xảy ra khiến cho người dân đang mất niềm tin vào ngân hàng. Ông đánh giá ra sao về tình trạng mất an toàn như vậy khi gửi tiền vào ngân hàng hiện nay.
Luật sư Trương Thanh Đức: Đúng là vừa rồi xảy ra rất nhiều vụ việc mất tiền đồng loạt xảy ra với nhiều khách hàng, nhiều ngân hàng. Nhưng nói cho cùng, với số lượng giao dịch rất nhiều như hiện nay, kể cả số tiền lẫn số lượng khách hàng, lượt giao dịch thì việc xảy ra một số sai sót đối với những vụ việc như thế cũng không phải là quá nhiều.
Có thể khẳng định, việc gửi tiền ngân hàng vẫn là kênh an toàn nhất.
Chỉ có điều là do những lý do về luật pháp có vấn đề về quy trình, quy chế, nhất là nhân viên của ngân hàng có những sai trái dẫn đến việc mất tiền của khách hàng và không ngoại trừ khách hàng cũng có những lỗi nhất định, kết hợp nhiều yếu tố như thế, mỗi nơi sai một tí nên nó dẫn đến hậu quả mất tiền của khách hàng như vừa qua.
Ông có thể cho biết thêm những nguyên nhân chủ quan từ phía con người, cụ thể từ chính các nhân viên ngân hàng hay từ các khách hàng ở đây là gì?
Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi nghĩ ở đây có hai nguyên nhân. Thứ nhất, từ phía nhân viên ngân hàng, họ đã quá linh hoạt, dễ dãi, sai quy trình, quy chế, sai nguyên tắc.
Thứ hai, về phía khách hàng, họ cũng thường có những lỗi nhất định, vì khách hàng cả nể, vì dễ dãi, vì tin quá vào những nhân viên ngân hàng, cho nên đã làm những việc dẫn đến rủi ro cho mình. Chẳng hạn như khách kí giấy tờ khống, kí giấy trắng, hay là chấp nhận những giao dịch dễ dãi, thậm chí còn yêu cầu ngân hàng thực hiện cho mình khi mà không đủ các điều kiện.
Đó chính là lý do có thể tội phạm hay các cán bộ biến chất, có ý đồ lừa đảo, gian lận lợi dụng. Và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc mất tiền của khách hàng.
Lỗi của khách hàng ít khi là nguyên nhân quyết định dẫn đến mất tiền, thường nó phải cộng thêm với yếu tố của ngân hàng mà cụ thể là các nhân viên ngân hàng.
Nếu nhân viên ngân hàng làm đúng quy trình, quy định và nguyên tắc thì việc mất tiền sẽ không xảy ra, hoặc nếu có xảy ra mất tiền thì rất ít, không phổ biến, không nhiều như vừa rồi.
Trong tất cả các vụ mất tiền vừa qua, tôi đều thấy yếu tố có sơ suất của hệ thống ngân hàng, hệ thống bảo mật, hệ thống công nghệ, quy trình, quy chế của ngân hàng hoặc là có sự sai trái ít hay nhiều của cán bộ ngân hàng.
Theo ông, cần phải có những biện pháp như thế nào để phòng ngừa những rủi ro tương tự như vậy xảy ra?
Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng, bản thân quy định của các ngân hàng thương mại về cơ bản là tương đối chặt chẽ, đầy đủ, yêu cầu rất là cao. Cái sai, cái vi phạm chủ yếu là do cán bộ làm không đúng quy trình, quy chế hoặc do kiểm tra giám sát, phối hợp không tốt.
Còn lỗ hổng lớn nhất bây giờ lại là quy định pháp luật. Theo như quy định của Ngân hàng Nhà nước hiện hành, đối với tài khoản tiền gửi nói chúng, tiền gửi tiết kiệm nói riêng của khách hàng, nếu như khách hàng chỉ cần ngồi ở nhà, ở đâu đó mà kí một cái ủy nhiệm chi gửi lên ngân hàng, không cần xuất hiện mặt khách hàng, không cần chứng minh nhân dân thì vẫn rút được tiền. Nhưng quan trọng là, người đến rút tiền có thể là bất kỳ ai.
Ngân hàng cũng có quyền cho thực hiện chi trả, cho rút tiền. Chính lỗ hổng đó rất là nguy hiểm, rất dễ dẫn đến rủi ro mất tiền của khách hàng. Thế nhưng bên cạnh đó, các ngân hàng đều quy định phải có khách hàng đến trực tiếp, phải xuất trình gchứng minh nhân dân, phải kiểm tra đúng là chủ tài khoản hay không mới cho giao dịch. Cho nên những vụ việc vừa rồi, nếu theo quy định pháp luật, các ngân hàng có thể là đúng, nhưng nếu theo quy định nội bộ, quy trình của ngân hàng thường đều có sai sót ở các mức độ khác nhau.
Sau những vụ việc bốc hơi tiền tỷ xảy ra thì ngân hàng vẫn có xu hướng đổ lỗi cho một mình các nhân viên làm sai mà không thể hiện trách nhiệm của mình đối với khách hàng. Vậy thì ông thấy những điều đó có thỏa đáng không?
Luật sư Trương Thanh Đức: Nếu mà xảy ra cái mất tiền, vi phạm nào đó thì chắc chắn ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm rồi. Kể cả nhân viên sai, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của nhân viên chứ không thể nào lại đổ cho trách nhiệm của cá nhân nhân viên với khách hàng được.
Bây giờ nó đang có một trình trạng hơi nghịch lý, vô lý thậm chí là một số vụ án lớn, cũng diễn ra tình trạng là đổ trách nhiệm cho cá nhân cán bộ lừa đảo hay gian lận, hay vi phạm, còn ngân hàng thì phủi tay, điều đó là không đúng với nguyên lý của pháp luật, với đòi hỏi thực tế và không đúng với lòng tin mà khách hàng gửi gắm vào ngân hàng.
Vậy còn trong phạm vi quản lý chức năng của ngân hàng Nhà nước, thì ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm gì không?
Luật sư Trương Thanh Đức: Đương nhiên, việc đó trực tiếp Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm ban hành cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát và đảm bảo tuân thủ, an toàn của hệ thống ngân hàng, đó là chức năng nhiệm vụ của ngân hàng Nhà nước.
Nếu có thiếu sót, có vi phạm như thế thì phải xem lại luật pháp, chính sách, quy định crua ngân hàng Nhà nước có sưo hở thiếu xót gì không. Thứ hai là khâu kiểm tra, thanh tra việc giám sát tuân thủ những điều kiện, yêu cầu về an toàn.
Trong việc này tôi nghĩ có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước phải có những biện pháp, kịp thời chấn chỉnh, xử lý, tránh tình trạng sẽ tái diễn nhiều, khiến khách hàng sẽ không tin cậy, không gửi tiền và không gửi tiền vào ngân hàng thì đó là điều rất đáng tiếc.
Cảm ơn ông!
Nhiều vụ bốc hơi tiền tỷ tài khoản ngân hàng đã xảy ra:
Tháng 2/2015:
- Sổ tiết kiệm 400.000 USD gửi Agribank của khách hàng tên Nghị bị phát hiện đem cầm cố thế chấp, đến nay chưa giải quyết xong.
- Vụ việc liên quan ông Nguyễn Lê Kiều Quang - nguyên Giám đốc phòng giao dịch Agribank Hòa Hưng, chi nhánh Mạc Thị Bưởi (Tp HCM) tham ô tài sản, đang bị truy nã
Tháng 8/2016:
- Khách hàng Hoàng Thị Na Hương (Hà Nội) bị rút mất 500 triệu trong tài khoản Vietcombank
- Nguyên nhân được cho là do tài khoản của khách đã bị hacker trộm mật khẩu
Tháng 9/2016:
- 6 khách hàng VIP của Eximbank bị rút ruột tài khoản 48 tỷ đồng mà không biết
- Vụ việc do Nguyễn Thị Lam làm cán bộ kiểm ngân Phòng giao dịch Eximbank, chi nhánh thành phố Vinh, huyện Đô Lương (Nghệ An) là thủ phạm.
- Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây hậu quả nghiêm trọng
Nguyên nhân chủ yếu do:
- Do cán bộ ngân hàng lừa đảo
- Khách chủ quan, ký khống giấy tờ
- Khách không tự trực tiêp thực hiện giao dịch tại ngân hàng mà nhờ cán bộ ngân hàng làm
- Bị hack tài khoản điện tử
Vietnamnet