Khách ngoại vào Đà Nẵng du lịch trá hình
Công tác quản lý lao động người nước ngoài tại TP Đà Nẵng đang hết sức phức tạp.
Ngày 12-9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP. Tại đây, bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, cho hay trên địa bàn TP hiện có 735 đơn vị, doanh nghiệp (DN) sử dụng lao động nước ngoài với gần 2.000 người.
Theo bà Linh, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó rất nhiều trường hợp nhập cảnh sai với mục đích của thị thực (visa). Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các ngành vẫn chưa thực sự chặt chẽ, khó phát hiện các sai phạm về mục đích của người nước ngoài khi vào Việt Nam. “Khi có sự cố xảy ra thì việc xử lý còn gặp khó khăn và lúng túng” - bà Linh thừa nhận.
Chung quan điểm, đại diện Công an TP Đà Nẵng cho biết một số cá nhân, tổ chức người nước ngoài đến Đà Nẵng với mục đích câu kết với người Việt Nam để điều hành các tour du lịch, hướng dẫn viên du lịch hoạt động trái phép. Sáu tháng đầu năm, Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với công an các địa phương, Sở Du lịch TP xử lý 23 trường hợp vi phạm nói trên.
TP Đà Nẵng đang bùng nổ các tour du lịch giá rẻ 0 đồng cũng như sự lộng hành của hướng dẫn viên chui người Trung Quốc. Ảnh: TA
“Cạnh đó còn có một số người nước ngoài đầu tư, kinh doanh thông qua việc thành lập các công ty rồi cho người Việt đứng tên để hợp thức hóa hoạt động” - vị đại diện Công an TP Đà Nẵng thông tin.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng công tác quản lý lao động người nước ngoài thì cơ bản TP đã làm được. Còn việc quản lý người nước ngoài vào TP du lịch trá hình để tham gia thị trường lao động thì còn có vấn đề. Ông nhấn mạnh: “Quan trọng nhất bây giờ là phải quản lý cho được người nước ngoài vừa tham gia góp vốn vừa tham gia thị trường lao động. Tour 0 đồng nó cũng nằm ở chỗ này đây. Đề nghị Sở KH&ĐT sớm có văn bản báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng để báo cáo với HĐND, Đoàn ĐBQH có kiến nghị với trung ương về vấn đề này”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói rằng điều đau buồn, bất cập của TP hiện nay là mặc dù ngành du lịch có tăng trưởng rất tốt nhưng tỉ lệ hướng dẫn viên người Việt thất nghiệp lại đang tăng lên (nhiều công ty du lịch Việt Nam chỉ đứng tên, còn đứng sau thao túng hoạt động là những ông chủ người Trung Quốc và những công ty này thuê hướng dẫn viên Trung Quốc bất hợp pháp khiến hướng dẫn viên trong nước thất nghiệp hàng loạt - PV). “Cái này thì giải quyết thế nào? Hay là chúng ta biết và chỉ nói như vậy? Cơ quan nào phải thể hiện chứ” - Bí thư Nghĩa nói.
Nhắc lại buổi làm việc của UBND TP Đà Nẵng với các công ty du lịch mới đây, ông Nghĩa cho rằng các DN cũng đang bức xúc về tình trạng trên. “Tôi đề nghị ủy ban sớm có báo cáo về việc này. Chúng ta phải cương quyết làm thôi. Không có lý do gì mà du lịch tăng, nhất là khách nước ngoài nhưng vẫn nghe ca cẩm về tình trạng thất nghiệp của hướng dẫn viên. Đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc, chúng ta cứ tưởng là thiếu nhưng cuối cùng lại vẫn thất nghiệp” - bí thư lưu ý.
Chỉ cần góp 5 triệu là thành chủ DN
Đại diện Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho hay công tác quản lý lao động người nước ngoài đang hết sức phức tạp. Một người nước ngoài chỉ cần góp vốn khoảng 5 triệu đồng là đương nhiên trở thành nhà đầu tư, chủ DN. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn TP.
"Sở cũng đã ý thức rất rõ việc này nhưng Luật Đầu tư quy định như vậy. Cho nên khó có thể ràng buộc họ mà chỉ hạn chế phần nào thời gian cấp phép. Chúng tôi đề nghị Sở LĐ-TB&XH có kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH để xem xét, đưa ra quy định về mức góp vốn tối thiểu đối với người nước ngoài" - vị này cho hay.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh