MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách quốc tế đến Ninh Bình tăng trưởng ấn tượng

Theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong 3 tháng đầu năm 2024, tỉnh đón 3,9 triệu lượt khách, trong đó có gần 340.000 lượt khách quốc tế, tăng ấn tượng nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 52% chỉ tiêu đề ra của cả năm 2024.

Khách quốc tế đến Ninh Bình tăng trưởng ấn tượng- Ảnh 1.

Du khách thăm quan khu du lịch Tam Cốc dịp nghỉ lễ.

Trong đó, khách quốc tế đến Ninh Bình đạt 37,7% kế hoạch 2024, tăng gần 141% so với cùng kỳ 2023, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa chịu ảnh hưởng của COVID-19. Doanh thu du lịch 3 tháng đầu năm 2024 đạt 3.660 tỷ đồng, đạt 44,36% so với kế hoạch 2024, tăng gần 46% so với cùng kỳ 2023.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về du lịch, ngành Du lịch tỉnh tập trung vào nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, Kết luận 07-KL/TU về bảo tồn Di sản thế giới Tràng An gắn với phát triển du lịch, kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2023-2030. Theo đó, vai trò của các ngành, địa phương là rất quan trọng. Các địa phương cần chủ động triển khai biện pháp, giải pháp quản lý, khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn hóa, văn minh trên địa bàn.

Tỉnh Ninh Bình tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch như: Tràng An, Bái Đính, Kênh Gà, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, Công viên Văn hóa Tràng An... làm cơ sở thu hút đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng. Tỉnh đầu tư xây dựng tuyến du lịch đường thủy kết nối thành phố Ninh Bình với Tràng An và Cố đô Hoa Lư; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới theo hướng gắn với công nghiệp văn hóa (phim trường, phục dựng kinh thành Hoa Lư…). Địa phương khuyến khích các nhà đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm tại các địa bàn du lịch trọng điểm; các dự án đầu tư xây dựng khách sạn từ 4 - 5 sao (đặc biệt là khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp), hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch. Đồng thời, phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa, tâm linh, thể thao, nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, du lịch nông nghiệp, các sản phẩm du lịch về đêm.

Khách quốc tế đến Ninh Bình tăng trưởng ấn tượng- Ảnh 2.

Du khách thăm quan khu du lịch sinh thái Tràng An dịp nghỉ lễ.

Ninh Bình quan tâm bảo tồn và khai thác các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch; ưu tiên triển khai nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề cử trình UNESCO công nhận di tích Núi Non Nước là Di sản tư liệu của nhân loại; nghiên cứu xây dựng đề cử Di tích Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm là Di sản thế giới. Tỉnh tăng cường phát triển thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Du lịch; tập trung, ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số du lịch để kết nối, nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch và phục vụ quản lý. Ninh Bình tiếp tục xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để kết nối hạ tầng dịch vụ du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch...

Theo Đức Phương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên