‘Khai tử’ 4 tỉ hóa đơn giấy: Được không?
Muốn áp dụng hóa đơn điện tử thành công cần tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”.
- 28-10-2017Đề xuất lùi thời hạn áp dụng hóa đơn điện tử
- 08-10-2017Đắn đo với hóa đơn điện tử
- 06-10-2017Áp dụng đại trà hóa đơn điện tử từ năm 2018: Lo nhiều bất cập
Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính cho rằng doanh nghiệp (DN) sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn, như vậy với số lượng khoảng 4 tỉ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến 4.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), số tiền mà DN có thể tiết kiệm được trên 1.000 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, rất nhiều DN lại băn khoăn về việc áp dụng HĐĐT.
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi vấn đề này với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng
. Phóng viên: Là một người sát sao, đồng hành với DN, ông đánh giá thế nào về việc sử dụng HĐĐT thay hóa đơn giấy?
+ Ông Đậu Anh Tuấn: Không chỉ tốn kém chi phí mua hay in hóa đơn giấy, việc sử dụng hóa đơn giấy hiện nay có ít nhất bốn thủ tục hành chính cần tuân thủ. Chẳng hạn như đăng ký mua hay tự in, phải khai báo sử dụng hóa đơn, mất hóa đơn phải thông báo… Nếu có HĐĐT thì những thủ tục hành chính đó sẽ giảm đi. Đặc biệt HĐĐT với những thủ tục đăng ký gọn nhẹ sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho DN.
Sử dụng hóa đơn giấy còn phải chi phí cho công tác lưu trữ, nhân sự quản lý, rủi ro khi gặp hóa đơn giả… nhưng với HĐĐT thì DN có thể giảm thiểu chi phí và rủi ro kể trên.
. Những ưu điểm của việc áp dụng HĐĐT đã được kiểm chứng trên thực tế hay mới chỉ là lý thuyết, thưa ông?
+ Nhiều tập đoàn lớn đã áp dụng HĐĐT. Ngay cả những DN như Grab, Uber… với mỗi cuốc taxi giá trị giao dịch nhỏ vẫn có HĐĐT. Đây là lợi ích rất lớn cho DN.
Tôi cho rằng HĐĐT nếu áp dụng tốt thì việc khấu trừ thuế VAT cũng sẽ rất đơn giản, giảm thiểu được đầu tư nhân lực, nhân sự cho công tác này trong thời gian tới. Đồng thời cộng đồng kinh doanh sẽ phát triển lành mạnh hơn, bình đẳng hơn.
Nhiều DN như Grab, Uber… đã áp dụng hóa đơn điện tử với từng giao dịch nhỏ. Ảnh: HTD
Lo bị kiểm tra, nghẽn mạng…
. Tại các hội thảo gần đây, cộng đồng DN vẫn bày tỏ nhiều lo ngại về HĐĐT?
+ Đúng là như vậy. Điều mà DN lo ngại nhất là khi triển khai chủ trương này là việc áp dụng công nghệ thông tin liệu có phù hợp hay không, nhất là đã có tình trạng nghẽn mạng khi DN kê khai thuế điện tử.
Thứ hai là nếu kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau không tốt, rời rạc kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” thì thiệt hại trực tiếp là DN. Ví dụ khi đang lưu thông hàng hóa trên đường, nhiều cơ quan như hải quan, biên phòng, công an, thuế… vẫn yêu cầu hóa đơn giấy như bằng chứng hợp pháp của lô hàng. Tức mỗi cơ quan yêu cầu một hình thức hóa đơn khác nhau sẽ gây khó cho DN.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Trí Nguyễn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế thuộc Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng trong một thời gian dài dùng hóa đơn giấy cho thấy khâu quản lý gặp rất nhiều khó khăn, gây rủi ro cao cho DN. Phổ biến nhất là tình trạng mua bán hóa đơn, xuất hóa đơn khống, phát hành và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Do vậy, việc bỏ hóa đơn giấy sẽ giúp giảm nhiều chi phí phát hành và sử dụng hóa đơn, giảm thiệt hại cho DN. Tuy nhiên, bất cập khi áp dụng HĐĐT là hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống mạng Internet chưa được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Vì vậy, việc triển khai HĐĐT cần đồng bộ tới các cơ quan, ban, ngành, thông tin tới các địa phương để tạo thuận lợi cho DN. Hơn nữa, nhiều DN cho rằng mỗi DN có đặc thù riêng nên không thể bắt buộc áp dụng đồng loạt ngay HĐĐT.
Cộng đồng DN cũng lo lắng về lộ trình áp dụng. Vì theo phương án ngành thuế đưa ra thì từ ngày 1-1-2018 áp dụng ngay đối với các DN lớn, nguy cơ rủi ro cao; từ ngày 1-7-2018 áp dụng với các DN còn lại thì liệu có quá gấp hay không khi từ nay đến đó thời gian không còn dài.
. Thưa ông, còn một vấn đề khiến nhiều DN e ngại khi áp dụng HĐĐT là chi phí cao. Thậm chí có DN cho hay nếu áp dụng HĐĐT sẽ tốn đến 300 triệu đồng mỗi năm?
+ Đúng là không ít DN phàn nàn về việc chi trả chi phí số hiện nay còn quá cao. Do đó, chúng tôi mong các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến HĐĐT cần áp dụng công nghệ tốt nhất nhưng không độc quyền mà nên có sự cạnh tranh lành mạnh để cung cấp cho DN dịch vụ tốt với chi phí hợp lý.
. Vậy theo ông, điều cần thiết nhất để phát huy tác dụng của HĐĐT là gì?
+ Tôi nghĩ phải có nỗ lực từ cả Nhà nước và DN. Ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng trong đó có HĐĐT là xu hướng không thể đảo ngược được. Con số 99% DN đã kê khai thuế qua mạng là một minh chứng. Hơn nữa, nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến hiện nay không cần tới 10 giây là có thể hoàn thành giao dịch.
Nhưng cần lưu ý rằng phần lớn DN Việt Nam hiện nay là nhỏ và siêu nhỏ, doanh thu vài tỉ đồng một năm. Để không tạo thêm gánh nặng cho họ khi sử dụng HĐĐT, chúng tôi mong có những gói dịch vụ phù hợp, đa dạng cho các đối tượng khác nhau. Đồng thời ngành thuế cần dự trù hết các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình áp dụng để tránh gây thiệt hại cho cộng đồng DN.
. Xin cám ơn ông.
“Chúng tôi rất thận trọng vì tác động lớn”
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, cho hay số lượng DN sử dụng HĐĐT tăng lên theo từng năm. Nếu như đến hết năm 2016 mới có khoảng 700-800 DN sử dụng HĐĐT thì đến hết tháng 6-2017 đã có khoảng 2.700 DN với 300 triệu HĐĐT được ghi nhận. Lộ trình tiếp theo là phải đưa HĐĐT phủ sóng rộng hơn tiến tới thay thế hóa đơn giấy.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đại Trí cho hay cơ quan này đã cân nhắc và trình Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ về việc lùi thời gian áp dụng HĐĐT, có thể đến giữa năm 2019 thay vì ngay từ đầu năm 2018.
“Qua ý kiến của DN, chúng tôi sẽ có điều chỉnh cho phù hợp hơn. Khi đưa ra một thay đổi mà nó tác động lớn đến toàn xã hội thì chúng tôi phải rất nghiêm túc, rất thận trọng, không gây xáo trộn DN” - ông Trí giải thích.
Pháp luật TPHCM