Khánh Hòa: Đề xuất gần 500 ha làm Sân bay Vân Phong
(NLĐO)- UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất 3 phương án xây dựng Sân bay Vân Phong tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh trên đất quy hoạch khoảng hơn 497 ha.
- 16-07-2024Khu vực nào có giao dịch đất nền sôi động, nhà đầu tư đang đổ xô đi "săn"?
- 16-07-2024Đất nền ven Hà Nội có dấu hiệu "sốt" cục bộ, giá tăng từ 10-20%, xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi "săn"
- 15-07-2024Từ 1/8, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực, chuyên gia nói: "Có thể giá bất động sản sẽ tăng lên"
Ngày 16-7, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa xác nhận tỉnh này đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam về Đề án quy hoạch Cảng hàng không Vân Phong (Sân bay Vân Phong) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, vị trí Sân bay Vân Phong được nghiên cứu tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (khu vực Bắc Vân Phong), tỉnh Khánh Hòa. Khu vực thực hiện dự án cách TP Nha Trang khoảng 65 km, cách Sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 101 km về phía Nam và cách Sân bay Tuy Hòa khoảng 49 km về phía bắc.
Tổng diện tích đất quy hoạch Sân Vân Phong hơn 497 ha. Khu vực dự kiến làm sân bay nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, không có dân cư, rừng bảo hộ, rừng ngập mặn, di tích lịch sử và không có quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, tránh bão.
Do đó, việc triển khai xây dựng thuận lợi cho khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng; không ảnh hưởng đến nhà dân và các công trình hiện hữu.
Theo tờ trình, giai đoạn đầu, Sân bay Vân Phong sẽ được đầu tư quy mô công suất là 1,5 triệu hành khách/năm, theo tiêu chuẩn thiết kế ICAO cấp 4E và sân bay quân sự cấp I. Đường cất hạ cánh trục Đông Bắc - Tây Nam dài 3.050 m, cao trình sân bay dự kiến +5 m. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2029.
Với quy mô đề xuất như trên, sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng Sân bay Vân Phong giai đoạn đầu khoảng 7.892 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất 3 phương án đầu tư Sân bay Vân Phong theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Cụ thể, phương án 1, nhà nước thực hiện hỗ trợ di dời; nhà đầu tư PPP đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Phương án 2, nhà đầu tư PPP đầu tư một số công trình thiết yếu, gồm nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay, hạ tầng giao thông. Nguồn ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) đầu tư các hạng mục còn lại, gồm san nền sân bay; xây dựng đường cất hạ cánh và hệ thống đường lăn; xây dựng các công trình đảm bảo hoạt động bay.
Phương án 3, nguồn ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) thực hiện hỗ trợ di dời; đầu tư các công trình đảm bảo hoạt động bay; hỗ trợ một phần việc san nền khu bay. Nhà đầu tư PPP đầu tư các hạng mục còn lại, gồm san nền khu hàng không dân dụng; xây dựng khu bay, khu hàng không dân dụng; hệ thống giao thông kết nối.
Trong đó, phần vốn ngân sách nhà nước được đề xuất hỗ trợ khoảng 2.150 tỉ đồng (chiếm 27,2%) thực hiện dự án đầu tư các công trình đảm bảo hoạt động bay; hỗ trợ một phần công tác san nền khu bay.
Phần vốn đầu tư BOT khoảng 5.742 tỉ đồng (chiếm 72,8%) bao gồm phần vốn chủ sở hữu và phần vốn vay thương mại do nhà đầu tư huy động. Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 47 năm.
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 318/QĐ-TTg năm 2023, có nội dung “Nghiên cứu định hướng khu vực xây dựng cảng hàng không gắn với phát triển Khu kinh tế Vân phong và phát triển kinh tế - xã hội (vốn đầu tư ngoài ngân sách)"
Người lao động