Khánh Hoà được quyết định chủ trương đầu tư sân bay, bến cảng
Quốc hội cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt.
- 16-06-2022Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới năm 2036, xếp trên Thái Lan, Singapore và nhiều nước châu Âu dựa trên cơ sở nào?
- 16-06-2022Không phải Đồng bằng sông Hồng hay Đông Nam Bộ, đây mới là khu vực chi cho y tế nhiều nhất
- 16-06-2022Ồ ạt rút BHXH một lần: Quá ít lựa chọn cho người lao động
Sáng 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu tác động
Nghị quyết quy định, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, Khánh Hoà được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Về quản lý quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Cũng theo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân Tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. “Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển mục đích sử dụng”, Nghị quyết nêu rõ.
Về Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm : Đối với dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và có quy mô từ 300 ha trở lên, căn cứ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, Hội đồng nhân dân Tỉnh ban hành danh mục các dự án được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản này.
“Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, Nghị quyết quy định.
Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Nghị quyết quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên;
Cũng theo Nghị quyết, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lấy ý kiến bộ ngành liên quan
Về chính sách ưu đãi, nhà đầu tư chiến lược được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược có các nghĩa vụ ứng trước kinh phí cho Nhà nước để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; ứng trước kinh phí tối thiểu 200 tỷ đồng cho Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong Khu kinh tế Vân Phong trong thời hạn 1 năm kể từ ngày dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nghị quyết cũng cho phép Ủy ban nhân dân Tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I của nhà đầu tư chiến lược.
“Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại khoản này được thực hiện như trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân Tỉnh lấy ý kiến Bộ, ngành có liên quan và quyết định theo thẩm quyền”, Nghị quyết nêu.
Tiền phong