Khánh Hòa: Phấn đấu đưa hai huyện miền núi ra khỏi danh sách huyện nghèo
Khu vực dưới chân đèo Khánh Lê, huyện Khánh Vĩnh vẫn còn nhiều đồi núi đất đá, không thể trồng được cây rừng, trở thành khu vực rừng nghèo, đất trống khiến tỉ lệ phủ xanh của rừng thấp (ảnh tư liệu, minh họa).
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa đã được quan tâm, đầu tư các nguồn lực để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần đem lại nhiều kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo.
- 20-12-2022Nhà sáng lập VinFuture tại lễ trao giải mùa 2
- 20-12-2022Những điều đặc biệt mà người sắp trở thành Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới đã làm cho Việt Nam
Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm đưa hai huyện thoát khỏi huyện nghèo 30a đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị và ý thức của người dân.
Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao
Giai đoạn 2021 - 2025, tại tỉnh Khánh Hòa có 3 dân tộc Raglai, Ê đê, Cơ ho (T’rin) gặp nhiều khó khăn; 28 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện tốt công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng, điện - đường - trường - trạm ở các xã miền núi được xây dựng khang trang, đáp ứng điều kiện cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn do phong tục, tập quán sản xuất của đồng bào còn lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tuy có giảm nhưng nguy cơ tái nghèo còn cao. Hiện nay, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 là 8.922 hộ, chiếm 69,3% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh của tỉnh có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình đồi núi rộng lớn, dân cư thưa thớt, sinh sống không tập trung. Huyện Khánh Sơn có điều kiện địa lý, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển cây ăn trái đặc trưng như sầu riêng, mía tím, chôm chôm, bưởi da xanh song còn nhiều hạn chế. Từ năm 2017, diện tích cây sầu riêng được người dân phát triển mạnh trên địa bàn. Sầu riêng Khánh Sơn có giá trị riêng, cơm vàng, hạt lép, được đánh giá ngon đặc biệt, thu hút người tiêu dùng. Từ đây, loại cây này được giới thiệu trong lễ hội trái cây, triển lãm, hội chợ của địa phương và đem lại lợi ích kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, cây sầu riêng Khánh Sơn vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế vốn có. Tháng 9/2022, huyện được cấp 2 mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đây là tín hiệu đáng mừng của địa phương nhưng việc vận chuyển vẫn là bài toán khó.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh chỉ có một con đường tỉnh lộ 9 lên huyện Khánh Sơn. Do đó khi con đường này gặp sự cố (như bị sạt lở), việc vận chuyển sẽ gặp khó khăn. Mới đây, HĐND tỉnh khóa VII đã ra Nghị quyết thống nhất chủ trương thực hiện và cam kết phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án Đường liên vùng kết nối 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Con đường được đưa vào sử dụng sẽ góp phần để huyện miền núi Khánh Sơn phát triển bền vững.
Huyện miền núi Khánh Vĩnh (cách trung tâm thành phố Nha Trang 30 km về phía Tây) có địa hình đồi núi nhưng giao thông tương đối thuận lợi để thông thương giữa các xã trong huyện, giữa huyện với đơn vị khác trong tỉnh và giao thương trực tiếp với tỉnh Lâm Đồng. Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, Khánh Vĩnh có thuận lợi về giao thông nhưng đời sống và ý thức của người dân chưa cao, vẫn còn tâm lý chủ quan, ỷ lại. Để địa phương phát huy tiềm năng sẵn có, đội ngũ cán bộ cần có cách làm chủ động, sát thực tế.
Đưa hai huyện miền núi thoát khỏi huyện nghèo 30a
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo 30a, nâng mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số tiệm cận với các vùng khác. Để làm được điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo hai huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xây dựng các kênh tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định để người dân thoát nghèo bền vững.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao trình độ cho người dân. Khi có trình độ, bà con dễ dàng tiếp thu, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm chủ cuộc sống, giúp cho địa phương thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…
Hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh vẫn là 2 huyện nghèo 30a (giai đoạn 2021 - 2030) nên được hưởng những cơ chế, chính sách đặc thù. Thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển tỉnh Khánh Hòa, Hội đồng nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành hỗ trợ hai huyện này. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ cho hai huyện trong phòng, chống thiên tai và thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế miền núi.
Ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn cho biết, huyện đã rà soát và kiến nghị đầu tư xây 6 công trình thuộc lĩnh vực (nông nghiệp, thủy lợi, giáo dục - đào tạo, y tế), 3 công trình giao thông... Địa phương đề xuất hỗ trợ kinh phí hơn 29,6 tỷ đồng xây mới 742 căn nhà và hơn 15,1 tỷ đồng để giúp sửa chữa 759 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương; hỗ trợ 12,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất cho người dân.
Huyện Khánh Vĩnh cũng đề xuất thực hiện 10 công trình khắc phục hậu quả thiên tai với tổng nhu cầu vốn hơn 90 tỷ đồng; 73 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số, tổng nhu cầu vốn hơn 199 tỷ đồng; 6 công trình hệ thống nước sạch, tổng nhu cầu vốn 35,5 tỷ đồng; 2 công trình thiết chế văn hóa, tổng nhu cầu vốn khoảng 44 tỷ đồng…
Báo Tin tức