MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khát vọng của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về một Việt Nam "đầy tiềm năng nhưng chưa bao giờ đạt hết kỳ vọng"

“Nếu không có sự phát triển nhanh, liên tục thì Việt Nam khó lòng tham gia sân chơi hội nhập và còn có thể bị thua trên sân nhà”, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng bộc bạch.

Trong một buổi họp đầu năm 2017, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những phút trải lòng thẳng thắn, nhìn lại những gì đã có và phải có trong năm mới.

“Điều cần thiết và quan trọng cốt lõi là chúng ta phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chúng ta phải tận dụng thời gian, chắt chiu từng cơ hội...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bài phát biểu của ông cũng nói nhiều về ước mơ và khát vọng trong tương lai.

“Việt Nam khát vọng trở thành một xã hội phát triển đổi mới, văn minh, thịnh vượng, hiện đại,... đây cũng chính là khát vọng lớn nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam vẫn đang “chạy sau” các nước ở trong khu vực trên nhiều khía cạnh dù không còn là một quốc gia nghèo, chậm phát triển. Do đó, chặng đường để trở thành quốc gia giàu mạnh còn rất dài.

“Nếu phải mất 25 năm nữa đổi mới để đạt tư cách đang phát triển ở mức thu nhập trung bình thấp thì trở thành 1 nước thu nhập trung bình cao và phát triển thì chúng ta phải mất nhiều hơn thế, khoảng 30 – 50 năm nữa. Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách thời gian này. Thời gian là vàng nhưng cũng là kẻ thù. Thời gian không chờ đợi, thời gian trôi đi đồng nghĩa với cơ hội trôi đi. Tận dụng thời gian cũng có nghĩa là tận dụng được cơ hội”, Bộ trưởng nói.

Ông cũng đặt câu hỏi về tầm nhìn chiến lược Việt Nam trong những năm tới. Bởi lẽ, đối với quốc gia hay cá nhân, nếu không xác định được đích đến thì sẽ khó lòng “đi nhanh” được.

Nói về năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Dũng cho biết bối cảnh quốc tế đang diễn biến phức tạp và khó lường, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam.

“Cục diện quốc tế sẽ có nhiều sự thay đổi cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 buộc chúng ta phải nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội và tạo ra những cơ hội mới”, Bộ trưởng nhận định.

Song song với đó, Bộ trưởng nhấn mạnh vào việc phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước để đứng vững trước sự thay đổi của thế giới.

Bởi lẽ, thực tế cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu kém cả về chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động. Đó là vì những thay đổi từ thế chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở “tầm cao mà chưa đi vào cuộc sống, chưa đi sâu xuống cấp dưới, chạm vào từng doanh nghiệp”. Hay những vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, đất đai, thủ tục hành chính vẫn khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phiền hà.

“Liệu chúng ta có dám thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế đang còn yếu kém trong bảng xếp hạng của thế giới? Một nền kinh tế đầy tiềm năng nhưng chưa bao giờ đạt hết kỳ vọng? Liệu chúng ta có dám vượt qua tư duy thường thường bậc trung?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Và chính ông cũng tự trả lời câu hỏi đó “Phải tự đổi mới, xây dựng khát vọng vươn lên, phải hành động quyết liệt để cống hiến cho đất nước”.

Trong năm 2017, để thực hiện được những khát vọng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh sẽ lấy gốc rễ là con người, mỗi cá nhân phải có khát vọng vươn lên, đổi mới trưởng thành và Bộ sẽ không có chỗ cho những ai trì trệ, quan liêu, chậm đổi mới...

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên