Khẩu trang trở thành mặt hàng thiết yếu trong đại dịch, công ty mẹ của Diana đẩy mạnh khai thác thị trường tăng trưởng gấp 5 trong năm ngoái, dung lượng hơn 70 tỷ USD
Tập đoàn chăm sóc cá nhân Nhật Bản Unicharm sẽ tăng gấp đôi xuất khẩu khẩu trang vào năm 2023 để đáp ứng nhu cầu của người châu Á về các sản phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm mang nhãn "Made in Japan".
Công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang sang các thị trường châu Á như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Các sản phẩm cũng sẽ được bán tại thị trường Ả Rập Saudi có thu nhập cao. Unicharm sẽ tận dụng các kênh bán hàng có sẵn đối với sản phẩm tã giấy.
Hai thương hiệu khẩu trang nổi tiếng của Unicharm là Cho-Kaiteki và Cho-Rittai. Công ty đã sản xuất 1,3 tỷ sản phẩm vào năm ngoái, hầu hết tại Nhật Bản. Khoảng 10% lượng sản phẩm được bán tại các thị trường nước ngoài.
Các tính năng thân thiện với người dùng của sản phẩm khẩu trang Unicharm giúp công ty Nhật cạnh tranh với khẩu trang Trung Quốc đang phổ biến tại các thị trường nước ngoài.
Khẩu trang của Unicharm được bán với giá cao gấp 5 lần giá trung bình tại các thị trường châu Á. Công ty chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng có thu nhập từ trung bình đến cao tại khu vực thành thị.
Unicharm đạt doanh thu 6,6 tỷ USD năm ngoái, khoảng 60% đến từ nước ngoài. Công ty vận hành các nhà máy tại Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ…
Tại Indonesia, Unicharm chiếm thị phần dẫn đầu với các sản phẩm tã trẻ em, tã người lớn và sản phẩm vệ sinh phụ nữ.
Unicharm đã tìm cách tiếp thị sản phẩm khẩu trang của mình ra nước ngoài như một giải pháp chống ô nhiễm không khí. Giờ đây, người tiêu dùng đeo khẩu trang như một nhu cầu hàng ngày do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm ngoái, Unicharm đã ưu tiên cung cấp khẩu trang cho thị trường Nhật Bản khi nguồn cung khan hiếm. Khi vấn đề được cải thiện, công ty sẽ bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu.
Unicharm từng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ Trung Quốc với các sản phẩm chính của mình. Tuy nhiên, lần này công ty Nhật hướng đến các sản phẩm giá trị gia tăng cao, phù hợp với mức thu nhập đang tăng lên của thị trường châu Á.
Đại dịch thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về khẩu trang. Theo Euromonitor, thị trường toàn cầu đối với sản phẩm này đã tăng gấp 3 trong năm 2020. Riêng tại Đông Nam Á, nhu cầu tăng gấp 5 lần.
Trong suốt giai đoạn này, Trung Quốc đã và đang chiếm ưu thế. Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, xuất khẩu khẩu trang toàn cầu đã tăng gấp 5 lần trong năm ngoái lên 72,6 tỷ USD. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng gấp 9 lần và tỷ trọng trong tổng kim ngạch toàn cầu tăng từ 39% lên 74%.
Tại Việt Nam, Unicharm mua lại 95% cổ phần Diana năm 2011 với mức giá trên 120 triệu USD. Diana hiện là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu Việt Nam với các sản phẩm tã, bỉm và sản phẩm vệ sinh phụ nữ. Năm ngoái, công ty đạt doanh thu 7.700 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1.200 tỷ đồng.