“Khẩu vị ưa thích” của giới đầu tư địa ốc sau Tết
Niềm tin lớn hơn vào thị trường cũng khiến nhiều nhà đầu tư trở lại với các lĩnh vực bị tụt hậu do đại dịch như khách sạn, văn phòng và bán lẻ, nhất là các dự án đang gặp khó khăn về tài chính.
Theo JLL Việt Nam, thị trường vốn bất động sản trên toàn cầu đang bước vào giai đoạn hồi phục và tâm lý nhà đầu tư đã chuyển dần từ thận trọng sang lạc quan khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên và các nước giảm bớt việc đóng cửa hoàn toàn. Trong ba quý đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư vào bất động sản trên toàn cầu đạt 757 tỉ USD, mức cao nhất so với cùng kỳ các năm trước và tăng hơn 4% so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2019.
Lạm phát cao và kinh tế suy thoái đã khiến các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức dồn vốn sang kênh trú ẩn an toàn là bất động sản, bởi loại tài sản này vừa có thể tạo ra doanh thu tăng theo tốc độ lạm phát, vừa có thể bảo lưu giá trị của đồng tiền trong dài hạn.
Theo đơn vị này, về mặt loại hình, nhà ở tiếp tục là lựa chọn ưa thích của các tổ chức đầu tư và thể chế tài chính muốn chuyển dịch danh mục để tránh rủi ro từ các bất động sản truyền thống. Trong khi đó, bất động sản thương mại chứng kiến sự nổi lên của những ngôi sao sáng như hậu cần, kho vận và trung tâm dữ liệu do các nhu cầu của đại dịch và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Niềm tin lớn hơn vào thị trường cũng khiến nhiều nhà đầu tư trở lại với các lĩnh vực bị tụt hậu do đại dịch như khách sạn, văn phòng và bán lẻ, nhất là các dự án đang gặp khó khăn về tài chính. Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra mạnh mẽ với các dự án trên là cơ hội để các nhà phát triển có năng lực chuyên môn, kỹ năng quản trị và kỷ luật tài chính giành được thị phần lớn hơn và phát triển tốt hơn sau đại dịch.
Đáng chú ý, các thị trường mới nổi tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng về trung tâm dữ liệu, kho vận và khoa học đời sống đang thu hút các nhà đầu tư trên toàn cầu. Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, làm thay đổi thói quen mua hàng trực tiếp của người tiêu dùng và tăng cường mở rộng hệ thống kho bãi trên toàn khu vực. Đồng thời, Covid-19 cũng thúc đẩy quá trình xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực y tế và sức khỏe tại châu Á. Dù rằng sẽ cần thêm thời gian để đáp ứng các tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng và vận hành các bất động sản đặc thù kể trên, nhu cầu về nguồn cung cao là nền tảng chính để châu Á duy trì vị thế vững chắc trên bản đồ đầu tư trong năm vừa qua và những năm sắp tới.
Bên cạnh đó, theo các đơn vị nghiên cứu, quy trình và mô hình của ngành bất động sản cũng đã thay đổi mạnh mẽ trong năm 2021 để thích nghi với tình hình mới, cả về mặt đầu tư, tiếp thị, kinh doanh và vận hành. Điển hình là thị trường văn phòng, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch trong suốt hai năm qua. Dù năm 2021 chưa phải là một năm thành công của thị trường này, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của mô hình văn phòng linh hoạt đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi đầu tiên. Văn phòng linh hoạt là câu trả lời hoàn hảo cho xu hướng làm việc kết hợp (vài ngày trong tuần, vài ngày tại nhà) mà nhiều doanh nghiệp và người lao động đang theo đuổi để phù hợp với đại dịch.
"Khẩu vị ưa thích" của nhà đầu tư còn nằm ở phân khúc đất nền, nhất là các dự án gắn với các dự án quy hoạch công bố mới hoặc nơi tăng tốc phát triển hạ tầng. Theo thông lệ, đất nền sẽ luôn nóng ở nơi vừa và sắp công bố quy hoạch hoặc triển khai dự án phát triển hạ tầng mới. Những nơi này thường có sốt nhanh cả về cầu và về giá, song không ổn định và dễ mang lại rủi ro cho nhà đầu tư chậm chân. Tuy nhiên, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.
Các dự án căn hộ chung cư có không gian làm việc đủ sáng và thoáng khí, thiết kế bền vững nhằm tiết kiệm năng lượng cũng được các nhà đầu tư quan tâm, khi mô hình làm việc tại nhà tiếp tục kéo dài sau dịch.
Về trung hạn, sự quan tâm của nhà đầu tư sẽ dành nhiều hơn cho các sản phẩm bất động sản nhà ở đáp ứng nhu cầu "đô thị trong đô thị" hay "bất động sản tích hợp" môi trường sống xanh, lành mạnh và những khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nằm gần các dự án hạ tầng trọng điểm, nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng sống ngày càng cao của người dân, cũng như từ yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong quản lý Nhà nước.
Phân khúc các bất động sản nghỉ dưỡng, đô thị ven đô và ven biển từng bước được "hâm nóng" cùng nhịp độ hồi phục trở lại của ngành du lịch cũng là phân khúc được giới đầu tư quan tâm trong thời gian tới. Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS sẽ có thêm nhu cầu về các bất động sản nghỉ dưỡng, đô thị ven đô và ven biển. Hơn nữa, thay vì các nhà nghỉ dưỡng đơn lẻ, tự phát như vừa qua, trên thị trường đang và sẽ ghi nhận đậm dần xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ hướng ra biển, mà sẽ lan tỏa tới những vùng rừng núi và ven đô có lợi thế, có khả năng khai thác kinh doanh tốt, nhất là vào những dự án phát triển du lịch có quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại về hạ tầng, đa dạng về chức năng, bảo đảm cung ứng dịch vụ đồng bộ.