Khi ChatGPT thành chuyên gia... tâm lý: Biết lắng nghe, biết động viên, không phán xét và luôn có mặt lúc bạn cần
Liệu các bác sĩ ngành tâm lý hay chuyên gia trong ngành có lo lắng thất nghiệp vì điều này?
- 17-04-2023Bác sĩ Mỹ sửng sốt khi phiên bản mới nhất của ChatGPT chẩn đoán 'giỏi hơn nhiều bác sĩ', phát hiện được cả bệnh hiếm gặp chỉ sau vài giây
- 16-04-2023Chuyện lạ có thật: Nhờ ChatGPT làm hộ công việc, tôi đã được nghỉ hẳn một ngày trong tuần như thế nào?
- 28-02-2023Mặt trái từ "chatbot thảo mai" ChatGPT: Tạo ra hệ lụy giống TikTok, đào thải những nhân sự "làm việc như cái máy"
Theo hãng tin Bloomberg, anh Milo Van Slyck là một người chuyển giới ở South Carolina và đang phải điều trị tâm lý. Tuy nhiên khi người đàn ông này bỏ lỡ một cuộc hẹn với chuyên gia tâm lý đầu tháng 4/2023, anh đã quyết định thử tâm sự với ... ChatGPT.
Thật đáng ngạc nhiên, anh Van Slyck cho biết bản thân cảm thấy khá dễ chịu khi bày tỏ những vấn đề cá nhân với một chatbot như vậy. Người đàn ông này kể cho sản phẩm của OpenAI hầu như mọi thứ, từ nỗi sợ của mình đến cuộc khủng hoảng tâm lý sau khi làm phẫu thuật chuyển giới, nhất là việc này lại là điểm gây tranh cãi ở nhiều quốc gia.
Thậm chí anh Van Slyck còn nói về cuộc cãi vã với cha mẹ mình khi họ chẳng hề ủng hộ quyết định chuyển giới của con trai.
“Khi bạn đến thăm cha mẹ mình vào lần tới, hãy chú ý ưu tiên đến sức khỏe và nhu cầu của bản thân trước tiên. Hãy xem xét bạn cần những gì để có thể cảm thấy thoải mái, an toàn trước sự hiện diện của cha mẹ. Việc đặt giới hạn thời gian dành cho cha mẹ mình là điều hoàn toàn bình thường, cũng như câu chuyện có thể đi xa được đến đâu hay họ sẽ nhận định thế nào về giới tính của bạn”, ChatGPT trả lời Van Slyck.
Thế rồi kể từ đó, Van Slyck bắt đầu có thói quen trút bầu tâm sự với ChatGPT, coi đây trở thành nơi giải tỏa cảm xúc khi chatbot này có những phản hồi rất hợp lý.
Trên thực tế, anh Van Slyck cho biết bản thân thường cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho mọi người, kể cả khi nói chuyện với các chuyên gia tâm lý, nhưng lại không hề thấy điều này khi tâm sự với ChatGPT.
“Nó đưa cho bạn đúng những lời khuyên mà bạn cần từ một người bạn hay một người luôn ủng hộ bạn trong cuộc sống. Đó là những lời động viên mà bạn thực sự muốn nghe vào những lúc khó khăn nhất”, anh Van Slyck thừa nhận.
Bác sĩ chatbot?
Theo Bloomberg, vẫn còn quá sớm để nói rằng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) có thể làm được những gì, có thể thay thế được công việc của ai khi hàng triệu người vẫn đang thử nghiệm những thứ mới với ChatGPT hay những AI khác. Thậm chí liệu những thử nghiệm đó có thành công hay không, có kéo dài thành một cuộc cách mạng hay không cũng là điều nghi vấn.
Trong khi nhiều người dùng chúng để tìm kiếm thông tin trên Internet, làm bài tập về nhà, viết code chương trình hay đặt chỗ cho nhà hàng thì những người như Van Slyck lại dùng ChatGPT làm nơi điều trị tâm lý.
Trên thực tế, ý tưởng dùng chatbot làm bác sĩ điều trị tâm lý hoặc tương tự không phải là mới. Vào thập niên 1960, một chatbot mang tên Eliza đã được giáo sư Joseph Weizenbaum của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) phát triển với mục đích điều trị tâm lý.
Sau này, hàng loạt sản phẩm như Woebot, Wysa cũng đã được ra đời để nhắm đến sức khỏe tinh thần người bệnh.
Ưu điểm của những chatbot này là chúng không bao giờ biết mệt mỏi và giá thành, chi phí cho buổi điều trị rất rẻ. Người bệnh sẽ không lo việc bị giới hạn thời gian tâm sự hay thông tin của mình bị đem đi kể lể, nghiên cứu hay so sánh.
Tuy nhiên nhược điểm là hiện nay phần lớn người dùng thường thử nghiệm với ChatGPT của Microsoft hoặc Bard của Google, vốn là những chatbot không được thiết kế chuyên dụng cho mảng điều trị tâm lý. Chúng thường dựa trên những câu trả lời mang tính thao túng tâm lý, có sức thuyết phục cao ở trên Internet hơn là tuân theo những bước điều trị bài bản.
Thậm chí, việc không được lập trình theo các nguyên tắc, lý thuyết điều trị cũng như đạo đức, văn hóa càng khiến các chatbot này trở nên nguy hiểm hơn với các lời khuyên không chính xác nhưng vẫn thuyết phục được người nghe.
Một yếu điểm nữa là các chatbot này không lưu lại hồ sơ bệnh án, không theo dõi tiến trình của người bệnh để tiến hành các bước điều trị mà chỉ đơn giản là nói những mẫu câu mà mọi người muốn nghe.
“Nếu ai đó có vấn đề về tâm lý thì chatbot chưa sẵn sàng để trở thành chuyên gia tư vấn cho họ được đâu. Việc trút bầu tâm sự với chúng là khá nguy hiểm”, giáo sư tâm lý Stephen Ilardi của trường đại học Kansar cảnh báo khi mô tả ChatGPT chỉ giống như một thủ thuật mà không phải giải pháp, đồng thời khuyên các người bệnh nên tìm đến những trung tâm y tế uy tín.
Tiềm năng mới
Khi anh Van Slyck nói chuyện với ChatGPT, chatbot này cũng thi thoảng cảnh báo nó không phải chuyên gia tâm lý. Thậm chí khi Van Slyck nói về một bài đăng mô tả việc nói chuyện với ChatGPT có hiệu quả hơn cả gặp bác sĩ tâm lý thì chatbot này thẳng thừng trả lời: “Xin được nhấn mạnh rằng nguồn lực online rất phong phú nhưng không thể thay thế được các chuyên gia con người nếu bạn đang tìm kiếm sự trợ giúp cho các chứng bệnh tâm lý. Tuy nhiên nếu bạn có câu hỏi đặc biệt nào hay có sự quan tâm nào cần tôi cung cấp thông tin thì tôi vẫn sẽ làm hết sức có thể để giúp bạn.”
Với Van Slyck, anh cho biết mình vẫn sẽ tiếp tục các buổi trị liệu với bác sĩ tâm lý sau nhiều năm điều trị nhưng đồng thời vẫn sẽ nói chuyện với ChatGPT. Tất nhiên bất cứ lời khuyên nào từ chatbot này cũng sẽ được anh tham khảo ý kiến chuyên gia sau đó.
“Cho tới thời điểm hiện tại thì những lời khuyên của nó vẫn khá hợp lý và được nhiều chuyên gia phản hồi tích cực”, anh Van Slyck cho biết.
Giáo sư Ilardi của trường đại học Kansar cho rằng dù không thay thế được bác sĩ tâm lý nhưng chatbot có thể hỗ trợ ngành này trong bối cảnh đang cầu vượt quá cung. Việc rất nhiều yêu cầu trợ giúp tâm lý không được đáp lại, nhất là trong bối cảnh hậu đại dịch khi nhiều người gặp vấn đề về cảm xúc, gia đình, công việc khiến chatbot trở thành một công cụ ra đời đúng thời điểm.
Tuy vậy, chuyên gia Margaret Mitchell của hãng phát triển AI Hugging Face cảnh báo nếu quá dựa dẫm vào chatbot thì sẽ đến lúc người bệnh chịu tổn thương vì nhận ra chúng chỉ là người máy, trả lời theo thuật toán chứ không thực sự quan tâm đến người bệnh. Thậm chí khi những lời khuyên của chatbot gây tác hại, sự phản ứng ngược lại cho lòng tin tưởng của người bệnh trước đó sẽ rất dữ dội.
“Kể cả khi đó là một công nghệ tiên tiến, hữu ích thì cũng chưa chắc lời khuyên của nó đã đi đúng hướng”, chuyên gia Mitchell nhận định.
Mặc dù vậy, CEO Emad Mostaque của Stability AI nhận định chatbot tuy không thể thay thế được bác sĩ tâm lý nhưng cũng trợ giúp được rất nhiều cho những người muốn trút bầu tâm sự mà không có ai chịu lắng nghe.
“Thật không may là chúng ta không đủ chuyên gia tâm lý để lắng nghe tất cả những nhu cầu tâm sự”, ông Mostaque nói.
*Nguồn: Bloomberg
Nhịp sống thị trường