Khi nền kinh tế bị "Cúm": Sự khác nhau giữa cúm thường và Covid-19
Mới chỉ cách đây hơn 2 tháng, nền kinh tế thế giới vẫn đang tăng trưởng với gam sáng là chủ đạo, chiến tranh thương mại đã vơi bớt căng thẳng. Giờ đây mọi nhận định đều đã đảo ngược hoàn toàn.
- 19-03-2020Đà Nẵng với cơ hội trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Việt Nam và Đông Nam Á
- 19-03-2020Gỡ khó cho kinh tế trước Covid-19: Tắc ngay từ khâu báo cáo
- 19-03-2020Hãy quan tâm đến những kiến thức cơ bản về suy thoái kinh tế này, vì rất có thể Covid-19 sắp khiến điều đó xảy ra
-
Trong quá trình phối hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ, không có công thức chung và lời giải chắc chắn đúng. Bất kỳ phương án nào cũng đòi hỏi một mức độ quyết đoán và chấp nhận rủi ro.
-
Gói Hỗ trợ an sinh lần 2 phải được thực hiện kịp thời để nhóm người lao động bị ảnh hưởng nặng nề sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn nhất, vào lúc cần thiết nhất…
Đến nay đã có khá nhiều dự báo bi quan, thậm chí rất bi quan kho so sánh tác động kinh tế của Covid-19 còn lớn hơn nhiều khủng hoảng tài chính 2008, tác động về tâm lý còn hơn cả vụ khủng bố 11 tháng 9, chứng khoán Mỹ có phiên rơi tự do sâu nhất kể từ năm 1987 bất chấp những nỗ lực giảm lãi suất khẩn cấp tới 2 lần của FED, giá dầu chạm mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Trong một chừng mực nào đó, có thể ví nền kinh tế như cơ thể con người chúng ta. Khi cơ thể nhiễm một loại cúm thông thường, ta có thể bị sốt, đau họng, mệt mỏi toàn thân. Tuy nhiên, sau vài ngày cơ thể sẽ phục hồi, thậm chí chúng ta không cần dùng đến thuốc, mọi thứ cũng sẽ trở lại bình thường. Chúng ta cũng nghĩ về một nền kinh tế khi bị "cúm" thông thường là như vậy.
Đó là khi nền kinh tế gặp một cú sốc cung hay cầu tạm thời, tăng trưởng có thể bị giảm trong thời gian ngắn (chẳng hạn do trả đũa nhất thời về một loại thuế quan nào đó hay do không thống nhất tạm thời về sản ượng dầu khai thác của OPEC), nền kinh tế khi đó giống như gặp một loại cúm thông thường, chỉ là "hắt hơi" kinh tế vĩ mô, và nền kinh tế chỉ có một sự gián đoạn tạm thời. Sản lượng sau khi giảm trong một thời gian ngắn sẽ phục hồi, tăng trưởng trong một quý có thể thấp hơn, nhưng trong các quý tiếp theo sẽ cao hơn và thậm chí bù đắp được hoàn toàn sự giảm sút sản lượng trước đó mà không cần tới một chính sách hỗ trợ hoặc kích thích nào đó từ chính phủ hay ngân hàng trung ương. Đó chỉ là một bệnh cúm thông thường, không phải là đại dịch, không dẫn đến khủng hoảng.
Không phải cúm thông thường, COVID-19 còn là đại dịch khác thường
Thế kỷ 20 đã chứng kiến hai đại dịch "Cúm châu Á" năm 1957 và 'Cúm Hồng Kông' năm 1968. Thế kỷ 21 đã chứng kiến bốn đại dịch bùng phát: N1H1 năm 2009 (cúm gia cầm), Hội chứng suy giảm hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2012 và Ebola lên đến đỉnh điểm vào năm 2013-2014. Trên thực tế, tác động kinh tế của các đại dịch cúm là tùy thuộc vào sức khỏe và sức bền bỉ của bản thân nền kinh tế. Giống như một người khỏe mạnh bị cúm có thể chịu đựng mệt mỏi trong trong một thời gian ngắn ngủi rồi nhanh chóng trở lại bình thường, cuộc khủng hoảng kinh tế do một đại dịch có thể khắc nghiệt nhưng ngắn. Một cú sốc dạng hình chữ V đã được hy vọng khi Covid-19 phát sinh ở Vũ Hán và Trung Quốc đã đối phó với nó một cách mạnh mẽ. Thế giới đã hy vọng đây có lẽ chỉ là một vấn đề của Trung Quốc, một cú sốc kinh tế hoặc thậm chí một cuộc khủng hoảng vài tháng và sâu sắc tới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tuy có ảnh hướng lớn đến kinh tế thế giới những sẽ sớm chấm dứt.
Tuy nhiên, thời gian đã trôi qua, đến ngày 20/3, dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng tới 179 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 245.000 ca nhiễm và hơn 10.000 trường hợp tử vong. Các đại dịch trước đây có tác động khác nhau về kinh tế, nhưng chắc chắn là nhỏ hơn nhiều, số trường hợp COVID-19 đã lớn hơn 10 lần so với số trường hợp SARS, tác động về kinh tế của những lần trước cũng là nhỏ hơn nhiều. Nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo vẫn còn sớm khi muốn đánh giá đầy đủ tác động của đại dịch lần này về sức khỏe cũng như về kinh tế, khi còn có quá nhiều sự không chắc chắn về tương lai lan truyền của dịch bệnh. Nhưng một điều khá rõ ràng là cho đến nay, rõ ràng cú sốc Covid-19 có thể sẽ gây ra cuộc khủng hoảng khác trước nhiều, kéo dài hơn dự kiến và có thể để lại vết sẹo sâu và lớn hơn nhiều so với các đại dịch lần trước.
Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh dịch đã bao gồm G7 cộng với Trung Quốc. Với Iran là trường hợp ngoại lệ, còn mức độ tương đồng trong danh sách mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 với mười nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như là trùng nhau. Trong khi Trung Quốc là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong 2 tháng vừa rồi, thì vài ngày qua thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân của dịch bệnh đối với các nền kinh tế G7.
Các chính khách lớn trên thế giới đã đặt hy vọng COVID-19 sẽ diễn ra 2-3 tháng và sau đó sẽ là quá trình phục hồi từ Trung Quốc. Nhưng điều đó đang trở nên ngày càng xa vời. Ngày càng có nhiều dấu hiệu và khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu và kéo dài, những gì xảy ra với các thị trường chứng khoán lớn và giá dầu đã cho thấy các tín hiệu đó. Mặc dù các tác động đến tăng trưởng toàn cầu và khu vực là chưa chắc chắn, nhưng một số ước tính ban đầu cho thấy những tác động là rất lớn. Một trong những kịch bản xấu nhất của đại dịch toàn cầu do Warwick McKibbin và Roshen Fernando đưa ra là: tổn thất GDP trung bình là 6,7%, với mức giảm 8,4% cho cả Mỹ và khu vực đồng euro.
Một cú sốc kinh tế toàn cầu?
Như được biết đến bây giờ, virus này cực kỳ dễ lây lan nhưng không đặc biệt gây tử vong. Do đó, các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, phong tỏa, dập dịch đang được áp dụng đã gây ra sự gián đoạn quá trình làm việc, những hạn chế trong các sự kiện đông người, ngừng nhập cảnh, ngừng chuyến bay đối với một số nước đang là một cú sốc tiêu cực lớn. Phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, như ở Trung Quốc, Ý và một số nước là một trong những biện pháp cực đoan nhất và có thể khiến sản xuất và tiêu thụ gần như tê liệt, và tất nhiên các biện pháp cực đoan như vậy chỉ có thể áp dụng ở một số khu vực nhất định và sẽ khó duy trì trong một thời gian dài.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng có thể trở nên lớn hơn và mở rộng hơn so với hiện tại. Ví dụ là khủng hoảng container. Trung Quốc đã trở thành một nguồn cầu chính trong nền kinh tế thế giới và nhiều ngành công nghiệp cốt lõi của châu Âu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nguồn cầu này đã sụp đổ trong những tuần qua. Dịch bệnh bùng phát trong hơn 3 tháng qua khiến việc dỡ hàng bị trì hoãn, khiến nhiều container đang bị mắc kẹt, đẩy chi phí vận chuyển cao hơn. Virus corona thực sự đã gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng. Không nghi ngờ gì nữa, thiệt hại đầu tiên và quá lớn đang diễn ra với ngành vận tải và du lịch, khách sạn. Hàng không thiệt hại nặng nề vì dịch Covid-19, sản lượng điều hành bay giảm gần 50%. Các nhà hàng, nơi vui chơi, giải trí bị đóng cửa làm tê liệt các ngành dịch vụ.
Để đương đầu với dịch bệnh lây lan, nhiều nước đang áp dụng các biện pháp "giãn cách xã hội", không tụ tập nhóm nhiều người, tránh đi lại, không đến các quán bar, nhà hàng, các quầy thực phẩm công cộng hay các phòng gym, nhằm hạn chế nguy cơ phơi nhiễm vi rút giữa những người ở gần nhau trong phạm vi dưới 2 mét. Tâm lý hoảng loạn đã xuất hiện, nhiều người đã vơ vét, tích trữ thực phẩm, khẩu trang, giấy vệ sinh, ở nhiều siêu thị các kệ hàng bị trổng rỗng, …
Một số hiệu ứng có thể kéo dài hơn. Đó là liệu sự xuất hiện của Covid-19 có thay đổi quan điểm về tự do thương mại không? Sự gián đoạn đang gặp phải ngụ ý rằng toàn cầu hóa và hội nhập có thể gặp rủi ro từ những cú sốc dịch bệnh như vậy. Các doanh nghiệp có thể sẽ tính đến bài học là chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị phá vỡ đột ngột do một cú sốc dịch bệnh. Để tránh việc bị phụ thuộc vào các quốc gia khác đặc biệt là Trung Quốc, và giảm áp lực để có nguồn cung an toàn và ổn định hơn, các quốc gia như Mỹ sẽ càng đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc và xu hướng nội địa hóa. Kết quả là kinh tế toàn cầu sẽ bước đi chậm lại.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lại cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu đã vững vàng hơn rất nhiều sau những lần bị ảnh hưởng bởi thương chiến, suy thoái, thậm chí là cả thiên tai, thảm họa. Ví dụ, sau thảm họa sóng thần Fukushima năm 2011, nhiều công ty đa quốc gia đã tìm cách đối phó tốt hơn khi gặp phải các mối đe dọa khác đối với sản xuất thông qua đa dạng hóa các địa điểm sản xuất. Do vậy, nhiều lập luận cho rằng, thương chiến và coronavirus đã tạo ra một động lực để mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu đến nhiều quốc gia hơn và chủ nghĩa toàn cầu hoàn toàn có khả năng tiếp tục và phát triển mạnh hơn nữa sau Covid- 19.
Chính sách ứng phó của Việt Nam?
Chính sách ứng phó của Việt nam là gì và kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam trong và sau dịch Covid-19?
Có thể khẳng định rằng Việt nam đã khá thành công trong việc kiểm soát sự lây nhiễm của virut corona ngay từ đầu với các biện pháp quyết liệt, kịp thời và đồng hành là ý thức trách nhiệm cộng đồng cao của người dân. Ngày 22 tháng 1 xuất hiện bệnh nhân đầu tiên và số lượng đến ngày 6 tháng 3, tức là sau 44 ngày, con số nhiễm bệnh chỉ dừng lại ở 16 ca. Từ ngày 7 tháng 3 đến nay, khi dịch bệnh tràn sang châu Âu, số ca mắc tăng lên con số 85 trong 13 ngày qua - sự gia tăng trong phạm vi cấp số cộng.
"Đỉnh dịch" đã được làm phẳng khá thành công cho đến nay ở Việt Nam. Ngay từ đầu, Chính phủ và Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt và kịp thời, không chỉ nỗ lực đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân, mà trong bối cảnh chiến đấu với dịch bệnh "phải nỗ lực gấp 2, gấp 3" để duy trì tới mức cao nhất ổn định kinh tế-xã hội. Chỉ tính riêng ngân sách Trung ương, trong 2 tháng đầu năm đã trích hơn 500 tỷ đồng dự phòng năm 2020 bổ sung triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Thủ tướng cũng đã yêu cầu miễn hoàn toàn chi phí khám, chữa bệnh người nhiễm Covid-19 và kêu gọi các địa phương trích một phần ngân sách địa phương để hỗ trợ chi trả chi phí tiền ăn đối với các trường hợp bị cách ly y tế. Thông điệp rất rõ của Chính phủ là chống dịch là để trước hết chăm lo sức khỏe cho người dân, đồng thời cũng là góp phần đảm bảo an toàn và an ninh xã hội, góp phần nỗ lực ổn định và duy trì các hoạt động kinh tế trong dịch.
Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó dịch bệnh. Chỉ thị số 11 của Thủ tướng vào đầu tháng 3/2020 cho thấy sự hợp tác giữa tổ chức tín dụng và Chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu các tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Nhiều ngân hàng thương mại đã cam kết đưa ra gói tín dụng 250.000 tỷ đồng với điều kiện ưu đãi đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã hạ lãi suất, một hành động giống như các Ngân hàng Trung ương các nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất một số giải pháp cho những doanh nghiệp đang chịu thiệt hại như miễn thuế, phí và gia hạn thời hạn thanh toán thuế và tiền thuê đất. Tổng giá trị gói kích thích tài khóa này ước khoảng 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là Covid-19 là một cú sốc gây ra một sự dừng lại đột ngột trong sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ, mà chính sách tiền tệ có thể có tác dụng rất ít để bù đắp. Rõ ràng là, chính sách tiền tệ sẽ không khiến khách du lịch quay trở lại máy bay, người mua hàng quay trở lại trung tâm thương mại trong chừng mực là mối quan tâm của họ về an toàn được đặt lên hàng đầu. Việc cắt giảm lãi suất cũng có thể tiềm ẩn làm tổn thương lạm phát trong bối cảnh lạm phát những tháng đầu năm của ta đang khá cao.
Đa số các nhà kinh tế đều khuyến nghị chính sách tài khóa sẽ là công cụ tốt hơn trong kịch bản này, do các biện pháp tài khóa có thể nhanh chóng được triển khai nhằm trợ giúp có mục tiêu cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi việc kiểm dịch và sụt giảm thu nhập. Cần thực thi ngay, không chậm trễ việc giãn thuế và giảm thuế đối với các doangh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trên thực tế, các chính sách của chúng ta đang thực thi là rất đúng hướng: tập trung ưu tiên ngân sách để phát hiện, cách lý, ngăn chặn và điều trị. Cần giữ vững niềm niềm tin của công chúng trong việc minh bạch và chính xác của các báo cáo tình hình diễn biến dịch và các khuyến nghị cần thiết. Và như Thủ tướng đã nói: chúng ta có đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm và ý chí để chiến thắng Covid-19.
Về các kịch bản kinh tế trong và sau đại dịch. Trước hết, cần xây dựng mới các kịch bản kinh tế với các số liệu cập nhật, toàn diện, chính xác và đầy đủ nhất để đánh giá đúng tình hình. Cần "gỡ khó vì hiện tại đang tắc ngay từ khâu báo cáo", khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có văn bản hỏa tốc gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc báo cáo tình hình, tác động của dịch Covid-19 tới mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thuộc lĩnh vực phụ trách.
Từ kịch bản gần đây nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay tình hình đã thay đổi quá nhiều, dịch bệnh diễn biến quá nhanh và tác động kinh tế của nó đã thay đổi hàng ngày. Kịch bản đã được xây dựng khi các đối tác đầu tư và thương mại trong tốp lớn nhất của Việt nam từ Mỹ, châu Âu chưa bị đại dịch tràn đến như hiện nay. Chúng ta đang chờ số liệu kinh tế của quý 1/2020 để nhận diện rõ hơn tác động kinh tế của đại dịch, từ đó có được các kịch bản đầy đủ và toàn diện nhất, tính đến tất cả các tình huống, đề ra các giải pháp đúng và trúng liên quan đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô, tình hình ngân sách, thuế phí, giải ngân đầu tư công, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp , an sinh xã hội,…