MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi người Mỹ biểu tình vì lạm phát

27-06-2021 - 14:50 PM | Tài chính quốc tế

Người tiêu dùng ở New York City với những biểu ngữ phản đối tình trạng tăng giá thực phẩm hồi tháng 10/1966. Ảnh: Louis Liotta/New York Post Archives.

Người tiêu dùng ở New York City với những biểu ngữ phản đối tình trạng tăng giá thực phẩm hồi tháng 10/1966. Ảnh: Louis Liotta/New York Post Archives.

Những năm 1960 và 1970, vòng xoáy tăng giá hàng hóa như thịt và xăng đã ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Mỹ, phần nào do những sai sót của giới chức nước này.

Mùa thu năm 1966, làn sóng người biểu tình xuất hiện trên khắp các con phố ở Mỹ. Họ đã thu hút được sự chú ý từ chính trường, lãnh đạo các tập đoàn lớn và những nhà báo săn tin hàng đầu. Những người biểu tình muốn phản đối tình trạng tăng giá hàng hóa. Phần lớn trong số họ là phụ nữ, trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu. Quá chán ngán với tình trạng giá các mặt hàng thiết yếu leo thang, họ tập trung bên ngoài các siêu thị, với những băng rôn đòi hỏi chính quyền sớm có biện pháp bình ổn tình hình. Một số biểu ngữ thậm chí còn được viết bằng son môi.

Phong trào biểu tình bắt nguồn từ thành phố Denver, bang Colorado, sau đó lan rộng ra nhiều địa phương khác. Tạp chí Time miêu tả làn sóng tẩy chay siêu thị này lan nhanh như "bơ chảy trên vỉ nướng". Trợ lý đặc biệt phụ trách lĩnh vực tiêu dùng của Lyndon Johnson, tổng thống Mỹ khi đó, là người thúc đẩy phong trào biểu tình này.

Khi người Mỹ biểu tình vì lạm phát - Ảnh 1.

Công nhân ngành ô tô biểu tình bên ngoài một nhà máy của General Motors ở Detroit, bang Michigan, tháng 9/1970. Ảnh: Bettmann Archive/Getty Images.


Những đám đông tuần hành phản đối giá thực phẩm cao xuất hiện không ít lần trong suốt thập kỷ sau đó, nhắm vào giá cà phê, thịt và một số sản phẩm khác. Điều đó trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh xã hội lúc bấy giờ. Một nhóm các phụ nữ địa phương, tên FLP Long Island, ước tính số lượng thành viên lên tới 1.500 người, theo Politics of the Pantry, cuốn sách của nhà sử học Emily Twarog, người ghi chép lại một số cuộc biểu tình trong quá khứ.

Sau hàng thập kỷ chứng kiến lạm phát rất thấp, nhiều người dân Mỹ không thể hiểu hết ảnh hưởng nghiêm trọng của lạm phát. Gần nửa dân số Mỹ hiện tại được sinh ra sau năm 1981, năm cuối cùng lạm phát tăng 2 chữ số. Nhưng quãng thời gian yên bình đó có thể sẽ sớm kết thúc. Giá tiêu dùng đang bắt đầu tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Bộ Lao động Mỹ tháng 5 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, tăng cao nhất hơn một thập kỷ. Lịch sử thường mang đến những bài học bổ ích.

Lạm phát cao trong những năm cuối thập niên 1960 và suốt thập niên 1970 không phải là hiện tượng bộc phát. Lạm phát được hình thành sau nhiều năm, bởi những sai lầm trong chính sách, và hoàn cảnh không mấy thuận lợi, trước khi ngấm sâu vào tâm trí mỗi người dân Mỹ. Cái giá phải trả để Mỹ vượt qua được giai đoạn lạm phát đó chính là hai cuộc suy thoái lớn, buộc người Mỹ phải thay đổi cái nhìn về kinh tế.

Đà tăng giá hàng hóa hiện tại có thể không dẫn tới một giai đoạn lạm phát kéo dài như trong quá khứ nhưng dường như sẽ thúc đẩy ngân hàng trung ương Mỹ và các nhà lập pháp có biện pháp nhằm đảm bảo "thảm họa" đó không lặp lại. Nhưng để ngăn chặn đà lan rộng của lạm phát, Mỹ có thể sẽ phải đánh đổi một số lợi ích kinh tế.

"Vấn đề là các nhà lập pháp phản ứng quá chậm đối với những sai lầm của họ", theo Stephen Cecchetti, giáo sư kinh tế học Đại học Brandeis, thành viên Ban cố vấn kinh tế Nhà Trắng giai đoạn 1978 - 1980. Nhiệm vụ của ông là tái thiết kế những biện pháp phòng chống lạm phát nhằm đối phó với tình trạng giá nhà đất tăng cao.

Lạm phát đã xảy ra nhiều lần trước đó, phần lớn là trong giai đoạn chiến tranh. Chính phủ Mỹ chi tiêu nhiều hơn để phục vụ cho các cuộc chiến. Với việc có quá nhiều tiền đổ vào các ngân hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình, trong khi đó, ít các loại hàng hóa được sản xuất ra, giá tăng lên. Khi chiến tranh kết thúc và hoạt động tài trợ tài chính cho các cuộc chiến dừng lại, lạm phát cũng giảm theo.

Trong tháng 5/1917, ngay sau khi Mỹ tham gia Thế Chiến I, CPI tăng 20% so với năm trước đó. Cuộc chiến kết thúc, lạm phát được duy trì ổn định trong những năm 1920 phát triển mạnh mẽ của kinh tế Mỹ. Tương tự, CPI tăng 13% trong năm 1942, sau khi Mỹ tham chiến Thế Chiến II rồi ổn định khi Washington áp dụng các biện pháp kiểm soát lạm phát, trước khi bùng nổ trở lại với mức tăng 20% vào năm 1947. CPI giảm vào năm 1949 và duy trì ổn định trong những năm 1950, trừ trường hợp Hàn Quốc vì chiến tranh Triều Tiên nổ ra.

Giai đoạn những năm giữa thập niên 1960 cũng có những diễn biến tương tự.

Khi Richard Nixon lên nắm quyền Nhà Trắng vào năm 1969, lạm phát thường niên đã tăng lên 5% từ ít hơn 2% dưới thời John Kennedy. Sau đó, chính là một thập kỷ mang nhiều sai lầm trong cách quản lý điều hành bởi các tổng thống đảng Dân chủ, Cộng hòa, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Khi người Mỹ biểu tình vì lạm phát - Ảnh 2.

Người tiêu dùng Mỹ trong một siêu thị hồi thập niên 1970. Ảnh: Landre/ClassicStock/Getty Images.


Tổng thống Nixon cố gắng giải quyết vấn đề bằng tiền pháp định. Khi giá thịt tăng mạnh vào năm 1973, chính phủ Mỹ áp giá trần đối với mặt hàng này, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó George Shultz kêu gọi các bà nội trợ nên "mua sắm một cách thông thái". Nhưng biện pháp trên không hiệu quả. Giá thịt tăng 37% trong năm 1973, 22% trong năm 1975, 24% trong năm 1978 và 27% trong năm 1979.

"Tôi cho rằng một chương trình kìm chế lạm phát tự nguyện sẽ phát huy tác dụng", theo Barry Bosworth, thành viên Viện Brookings, giám đốc Ủy ban Ổn định giá và lương thưởng dưới thời Tổng thống Jimmy Carter giai đoạn 1977 - 1979. "Tôi phải thừa nhận rằng đó là một thất bại toàn diện".

Sâu xa hơn, một động lực kinh tế mạnh mẽ hơn đang dần hình thành tại Fed, cơ quan kiểm soát nguồn cung tiền của Mỹ. Khi Fed bơm tiền vào hệ thống tài chính, hai điều sẽ xảy ra. Đầu tiên, đó là chi phí đi vay, hay còn gọi là lãi suất, giảm xuống, vì các ngân hàng có rất nhiều tiền và sẵn sàng cho vay với chi phí thấp hơn. Thứ hai, đó chính là sức mua của đồng tiền giảm xuống.

Hãy tưởng tượng một nền kinh tế với người dân chỉ sản xuất và mua bán cam. Mỗi người, trung bình, sẽ làm ra 1 USD/ngày, và mua 1 quả cam trong cùng ngày đó. Một ngày bình thường, một quả cam giá quanh 1 USD. Nếu như duy trì ổn định lượng cung và cầu cam, nhưng lại bơm thêm tiền vào tài khoản ngân hàng của mọi người, điều duy nhất thay đổi đó chính là mọi người sẽ nâng giá cam lên. Sức mua của 1 USD sẽ giảm xuống khi tăng cung tiền. Đó chính là lạm phát.

Tổng thống Johnson, sau đó là Nixon "ép buộc" Fed phải tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế và đẩy lãi suất xuống thấp hơn. Họ cho rằng điều đó góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và hỗ trợ cho các chương trình kinh tế và chiến dịch tranh cử của họ. Fed tuân theo, nhưng tác động từ chính sách đó lại khiến giá cả leo thang.

Ví dụ, vào năm 1971, lạm phát thường niên vẫn trên 4%. Cho dù đã xuất hiện những dấu hiệu chững lại, nguồn cung tiền trong các tài khoản ngân hàng hộ gia đình và lượng tiền cho vay tại các ngân hàng vẫn tăng trưởng rất nhanh. Fed tăng lãi suất từ đầu năm nhưng sau đó chuyển hướng và bắt đầu cắt giảm vào cuối mùa hè. Tái cử là mục tiêu xuất hiện trong đầu của Nixon - bạn thân với chủ tịch Fed khi đó Arthur Burns.

"Tôi sẽ không bao giờ tiết lộ điều này. Quan điểm của tôi là tôi muốn nó tăng chậm ở thời điểm hiện tại, để có thể tăng trưởng mạnh sau đó", Nixon nói với Burns về mong muốn với sự phát triển của kinh tế Mỹ, được ghi âm hồi tháng 3/1971.

Sau cuộc gặp đó, Burn viết rằng tình bạn giữa ông với Nixon là một trong ba mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời. Ông muốn tổng thống biết rằng "sẽ không bao giờ tồn tại sự đối lập giữa những gì tôi làm được coi là có lợi cho nền kinh tế, và những điều tôi làm để phục vụ lợi ích của RN".

Trước khi lãi suất được cắt giảm trong năm đó, một số cấp phó trong chính quyền Nixon đe dọa Burns bằng cách bịa đặt một số câu chuyện trên báo chí rằng tổng thống đang cân nhắc sắp xếp lại các vị trí trong Fed bằng những người ủng hộ Nhà Trắng, và vu khống Burns đang đòi tăng lương. Không chỉ đưa ra những đe dọa như vậy, họ còn cố thuyết phục ông bằng những món quà, như kính râm và áo jacket từ Trại David.

"Ông ấy coi Burns như món đồ chơi yo-yo", theo Jefferey Garten, quan chức thương mại dưới thời Bill Clinton. Cuốn sách Three Days at Camp David của ông đã viết về quyết định thả nổi giá trị USD trên thị trường quốc tế của Nixon, một bước đi khác góp phần đẩy mạnh lạm phát.

Giá trị USD quy đổi ra các đồng tiền toàn cầu khác được neo vào giá vàng từ sau Thế Chiến II. Điều đó có nghĩa các ngân hàng trung ương khác có thể tìm đến Fed và trao đổi lượng dự trữ USD của họ, thu được từ thặng dư thương mại, để lấy vàng với một mức giá cố định. Nhưng lượng dự trữ vàng của Mỹ lại ngày càng teo lại bởi thặng dư thương mại không còn nữa và USD vươn ra toàn thế giới. Lo ngại rằng Mỹ sẽ hết vàng, Nixon đã cho cắt đứt mối liên hệ đó, khiến USD giảm mạnh.

Khi người Mỹ biểu tình vì lạm phát - Ảnh 3.

Biển giới hạn lượng xăng bán cho mỗi khách hàng tại một trạm xăng trong giai đoạn thiếu xăng và khủng hoảng năng lượng những năm 1970. Ảnh: Owen Franken/Corbis/Getty Images.


Kết quả là giá hàng hóa nhập khẩu tăng gấp 2 lần trong vòng 4 năm sau đó. Hơn thế nữa, vì thương mại toàn cầu đối với nhiều loại hàng hóa được định giá theo USD, các nhà xuất khẩu hàng hóa như dầu mỏ lúc đó phải chịu áp lực rất lớn. Tháng 10/1973, các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thống nhất thắt chặt nguồn cung thông qua một lệnh cấm vận nhằm vào phương Tây. Lệnh cấm vận được thực hiện nhằm trừng phạt các quốc gia ủng hộ Israel, nhưng cũng bao hàm mục tiêu kinh tế để đẩy giá dầu tăng khi giá trị USD giảm xuống.

Lạm phát không giảm đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào trò chơi vượt chướng ngại vật. Người lao động yêu cầu tăng lương để theo kịp với đà tăng giá. Nhiều người trong số họ được tăng lương thông qua những điều chỉnh phù hợp với mức sống, quy định trong hợp đồng lao động. Để có thể bắt kịp với xu hướng tăng chi phí, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá hàng hóa của họ. Một thuật ngữ mới xuất hiện trong từ điển kinh tế là "vòng xoáy lương - giá".

Các mối quan hệ kinh tế rơi ra ngoài khái niệm truyền thống. Một vài nhà kinh tế học nghĩ rằng khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, lạm phát sẽ giảm xuống. Nhưng cả hai chỉ số đó đều tăng lên, dẫn tới sự ra đời của một thuật ngữ mới khác là "lạm phát kèm suy thoái".

Càng làm tình hình thêm phức tạp, năng suất lao động cũng giảm xuống một cách khó hiểu, khiến cho Fed ngày càng khó khăn hơn trong việc dự báo tương lai của nền kinh tế. Làn sóng phụ nữ tham gia lực lượng lao động cũng khiến cho việc xác định tỷ lệ thất nghiệp ổn định của nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.

"Các sai sót kỹ thuật bị đẩy lên thành một thảm họa", theo Athanasios Orphanides, giáo sư tại Trường Sloan về Quản lý, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Orphanides bắt đầu sự nghiệp từ vị trí chuyên gia kinh tế tại Fed, nghiên cứu những sau lầm đã xảy ra trong những năm 1970.

Năm 1979, Burns rời Fed. Ông khiến cho nhiều lãnh đạo ngân hàng ngạc nhiên với bài phát biểu có tên "Sự thống khổ của ngân hàng trung ương" tại thành phố Belgrade, trong đó, thừa nhận sự thất bại trong chính sách điều hành.

"Thật viển vông khi đặt kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương có thể chấm dứt được tình trạng lạm phát đang hoành hành tại các nền kinh tế công nghiệp", ông nói. "Vấn đề không phải nằm chúng ta không có khả năng, mà là chính trị đã ngăn cản chúng ta đạt được mục tiêu đó".

Các hộ gia đình dường như lại sớm làm quen với tình hình thực tế.

"Mọi người học được cách sống chung với lạm phát", một nhân viên siêu thị chia sẻ với WSJ năm 1978. "Họ dần chấp nhận mức tăng giá với ít sự phản kháng hơn". Đối với hàng triệu người, giá hàng hóa tăng nhanh hơn so với lương của họ, khiến họ trở nên khốn cùng hơn trước, cho dù thu nhập có phần tăng thêm.

Khi người Mỹ biểu tình vì lạm phát - Ảnh 4.

Paul Volcker tại phiên điều trần phê duyệt ông trở thành chủ tịch Fed tháng 7/1979. Ảnh: Charles Harrity/AP.


Lãnh đạo mới tại Fed, Paul Vocker, là người dự thính bài phát biểu của Burns năm 1979. Ông rời Belgrade với vài ý tưởng trong đầu. Tuần tiếp theo, ông chỉ đạo tăng mạnh lãi suất. Cuộc chiến của ông với lạm phát bao gồm hạn chế nguồn cung tiền, khiến cho lãi suất tăng lên.

Nhiều nhận định của các nhà kinh tế học ngày nay về lạm phát được hình thành thông qua những sự kiện kể trên. Sự tự do đối với ngân hàng trung ương, cùng với đó là mục tiêu lạm phát thấp đã trở thành kim chỉ nam đối với nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu, bao gồm cả Fed. Các nhà kinh tế học cũng hiểu được tầm quan trọng của tâm lý trong các chính sách tiền tệ của một quốc gia. Nếu người tiêu dùng, công nhân, doanh nghiệp tin rằng lạm phát tồi tệ hơn, họ sẽ yêu cầu tăng lương, nâng giá sản phẩm. Điều đó chỉ làm tình hình xấu hơn. Các quan chức ngân hàng trung ương đang kiểm soát kỳ vọng lạm phát thông qua các khảo sát cũng như trên các thị trường tài chính nhằm đảm bảo rằng những chính sách hiện tại vẫn phát huy tác dụng.

Các giai đoạn lạm phát sau Thế Chiến I và II cho thấy vài cú sốc tác động lên nền kinh tế, tạo nên giai đoạn giá tăng đột biến, nhưng sau đó, các doanh nghiệp và hộ gia đình cũng sớm quay trở lại với trạng thái bình thường. Lạm phát dài hạn được hình thành khi các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các quan chức ngân hàn trung ương, không còn quyết tâm ngăn chặn với những chính sách tín dụng thắt chặt, mà trong ngắn hạn, sẽ ảnh hưởng tới chi phí và việc làm của người lao động.

Khi người Mỹ biểu tình vì lạm phát - Ảnh 5.

Người biểu tình phản đối giá hàng hóa tăng tại New York City năm 1972. Ảnh: Charles Gatewood/TopFoto.


Nền kinh tế hiện tại đã khác rất nhiều so với những năm 1970. USD được thả nổi một cách tự do và không bị neo với giá vàng. Điều đó giúp giảm thiểu những rủi ro về sự sụp đổ giá trị của đồng tiền này. Các biện pháp điều chỉnh xuất hiện liên tục trên màn hình của các giao dịch viên.

Sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu ngày nay kéo giảm sức mạnh đàm phán của lực lượng lao động, khiến cho việc đòi hỏi một mức lương cao hơn nhằm đối phó với lạm phát trở nên khó hơn rất nhiều. Trong năm 1976, 6 triệu người lao động không trong tổ chức công đoàn đã được điều chỉnh mức lương trong hợp đồng theo mức sống của họ. Trong năm 1995, số lượng này đã giảm xuống 1,2 triệu. Và những thỏa thuận như vậy ngày nay là cực kỳ hiếm. Người lao động phải gánh trên vai gánh nặng lạm phát, nhưng vòng xoáy lương - giá dường như lại ít nghiêm trọng hơn.

Vài năm gần đây, ký ức về thời kỳ lạm phát vào những năm 1970 khiến cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ đau đầu hơn so với những gì xảy ra với Nhật Bản vào những năm 2000. Lạm phát luôn ở dưới mức mục tiêu của 2% của Fed trong giai đoạn 2008 - 2009, khiến các quan chức cơ quan này đi tới kết luận rằng điều thực sự cần thiết lúc này là một gói cứu trợ. Thực trạng đình trệ nền kinh tế hiện tại đang là ưu tiên của họ, không phải lạm phát. Đó là lý do tại sao họ đang nỗ lực hết sức để giữ lãi suất thấp.

Các quan chức Fed cho biết sự tăng giá hàng hóa tiêu dùng trong thời gian gần đây sẽ không kéo dài, vì tình trạng này gắn liền với cuộc khủng hoảng Covid-19. Các chỉ số đo lường kỳ vọng lạm phát đều ổn định. Bosworth cho biết ông nghi ngại các nhà hoạch định chính sách cuối cùng sẽ nhận ra rằng họ đã bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế để đối phó với đại dịch.

Liệu người dân Mỹ có phải xuống đường biểu tình lần nữa vì lạm phát không được kiểm soát? Điều đó sẽ không xảy ra nếu như các nhà hoạch định chính sách ghi nhớ những bài học trong quá khứ.

Theo PV

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên