MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi ruộng bậc thang, sông suối, làng chài... trở thành điểm nóng check-in du lịch: Bài học từ Lâm Đồng nơi 1 ha đất nông nghiệp tạo giá trị 6 tỷ đồng

“Chúng ta đang làm nông nghiệp công nghệ cao, giá trị đa chức năng trên 1ha đất sẽ tăng lên gấp 3 lần. Bình quân 1ha du lịch canh nông trên đất nông nghiệp khoảng 2 tỷ đồng nhưng chúng tôi thực hiện du lịch canh nông đạt được hơn 6 tỷ đồng/ha”, Chủ tịch Lâm Đồng nói về sản phẩm du lịch canh nông của tỉnh. Năm 2022, tỉnh thu hút 7,5 triệu lượt khách, tăng cao nhất từ trước đến nay.

Du lịch nông nghiệp nông thôn là xu thế ngày càng được ưa chuộng, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Góp ý trên góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, năm 2022, số lượng khách đến Lâm Đồng đạt 7,5 triệu lượt khách, so với kế hoạch tăng 36%, cao nhất từ trước đến nay; thu hút 147 dự án du lịch, với tổng mức đầu tư là hơn 54.000 tỷ đồng; có hơn 3.000 cơ sở lưu trú với nhiều sản phẩm du lịch phong phú.

Khi ruộng bậc thang, sông suối, làng chài... trở thành điểm nóng check-in du lịch: Bài học từ Lâm Đồng nơi 1 ha đất nông nghiệp tạo giá trị 6 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ảnh: VGP.

Ngoài những sản phẩm du lịch truyền thống như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh… trong thời gian gần đây, tỉnh tập trung đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch mới, trong đó có du lịch canh nông - một sản phẩm mà ông Hiệp cho rằng Việt Nam có thế mạnh.

“Chúng ta đang làm nông nghiệp công nghệ cao, giá trị đa chức năng trên 1ha đất sẽ tăng lên gấp 3 lần, bình quân 1ha du lịch canh nông trên đất nông nghiệp khoảng 2 tỷ đồng nhưng chúng tôi thực hiện du lịch canh nông đạt được hơn 6 tỷ đồng/ha".

"Riêng tỉnh Lâm Đồng có 36 điểm du lịch canh nông. Đây là những mô hình sáng tạo, mang lại giá trị”, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho hay.

Một sản phẩm khác ông Hiệp thấy rất phù hợp với các tỉnh Tây Nguyên và cần đầu tư là du lịch cắm trại.

“Trước đó Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 18 về phát triển du lịch chất lượng cao. Trong thời gian tới tỉnh xác định xây dựng các đề án về phát triển du lịch, đồng thời thực hiện chuyển đổi số và quảng bá du lịch. Chính việc quảng bá thương hiệu và thực hiện tập trung nên thành phố Đà Lạt liên tiếp 4 năm được công nhận là thành phố môi trường ASEAN và nhiều lần được vinh danh là điểm đến quốc tế” , ông Hiệp nói.

Nông nghiệp du lịch sẽ là xu thế

Khi ruộng bậc thang, sông suối, làng chài... trở thành điểm nóng check-in du lịch: Bài học từ Lâm Đồng nơi 1 ha đất nông nghiệp tạo giá trị 6 tỷ đồng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

"Tạm biệt nơi thành thị đông đúc khởi hành về miền quê Hậu Giang bạn sẽ được trải nghiệm nét yên bình và trở thành người nông dân thực thụ khi ghé thăm làng rau Trà Quế. Sau đó bạn sẽ đến làng gốm Thanh Hà để chiêm ngưỡng các nghệ nhân tâm huyết tạo ra sản phẩm gốm tuyệt đẹp.

Điểm thú vị nhất trong chuyến đi chắc có lẽ là trải nghiệm đi thuyền thúng độc đáo tại rừng dừa Bảy Mẫu, thả mình vào miền sông nước. Đây là lời giới thiệu trên trang web của một đơn vị lữ hành chuyên tổ chức tour trải nghiệm du lịch nông thôn" , Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói.

Theo Bộ trưởng Hoan, loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn hay còn gọi là nông du lịch là xu thế ngày càng được ưa chuộng. Loại hình du lịch này đã hình thành từ rất lâu gắn liền với những tên gọi khác nhau như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông trại, kỳ nghỉ đồng quê, homestay…

Qua thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động trải dài từ miền Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều mô hình phát huy hiệu quả ,thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn nhờ làm du lịch. Nông lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị trở thành đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP nhờ vào du lịch.

Những cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông suối, ao hồ, làng chài… đều được nối kết thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm. Tri thức, văn hóa bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức nhờ vào du lịch.

Giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác.

Đó là định vị hình ảnh nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái thông qua đó tiếp thị quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn;

Đó là giới thiệu hình ảnh nông thôn Việt Nam vào văn hóa, người dân nông thôn Việt Nam đôn hậu, hiền hòa, hiếu khách;

Đó là tính cấu kết cộng đồng cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; cùng nhau giữ gìn đồng quê;

Đó là nơi khơi gợi tình yêu với nông nghiệp, thiên nhiên với người nông dân;

Đó là tư duy tích hợp đa giá trị trong không gian kinh tế nông thôn hướng đến những làng quê đáng sống, đáng quay về.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét chính thức đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn vào chương trình du lịch quốc gia để quảng bá và kích hoạt góp phần làm phong phú hơn tài nguyên du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Bộ trưởng cũng đề xuất tăng cường kết nối trong du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và có sức hấp dẫn. Đẩy mạnh sự kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành; hình thành các "điểm đến vệ tinh" với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.

Theo Bình An

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên