MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi tội “chiếm đoạt” ẩn mình trong tội “cố ý làm trái”?

12-01-2017 - 17:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể để làm rõ: hành vi nào là tham nhũng và hành vi nào là vi phạm quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hội nghị lần thứ 11 Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng lần thứ 11 vừa qua đã chỉ ra một thực trạng là tội phạm có vụ lợi như tham nhũng, chiếm đoạt tài sản đang ẩn trong các tội phạm về kinh tế như: Cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy định về cho vay. Các tội phạm về kinh tế chỉ có dấu hiệu về tài sản là có gây thiệt hại, chứ không có hành vi chiếm đoạt, tức vụ lợi cá nhân.

Trên thực tế có rất nhiều vụ án thất thoát hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ, hơn chục ngàn tỷ nhưng không có ai bị truy cứu về hành vi tham nhũng hoặc hành vi chiếm đoạt tài sản. Để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, cần phân biệt rõ ràng giữa tội danh tham nhũng, chiếm đoạt với tội về kinh tế đơn thuần.

Tội tham ô trong nhóm tội về tham nhũng có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có mức hình phạt cao nhất là chung thân. Trong khi đó, tội Cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay chỉ có mức hình phạt cao nhất là 30 năm tù.

Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, với số tiền rút ra gần 5.000 tỷ đồng, Huyền Như ​đã bị tuyên hình phạt tù chung thân về các tội Cố ý làm trái, Lừa đảo, Trốn thuế. Một mức án nghiêm khắc cho hành vi này. Tuy nhiên, đây là mức án chưa làm yên lòng dư luận khi vụ án này gây thiệt hại tới gần 5.000 tỷ đồng và có nhiều yếu tố để cấu thành tội tham ô tham nhũng. Việc Huyền Như và các đồng phạm không bị kết tội tham ô (thuộc nhóm tội tham nhũng), với hình phạt cao nhất là tử hình, đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Mới đây, trong vụ án Phạm Công Danh, với số tiền rút ra hơn 18.000 tỷ đồng, Phạm Công Danh đã mua cổ phần, trả nợ cá nhân, trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh, chi tiêu hàng ngàn tỷ khác không có địa chỉ. Rất nhiều ý kiến cho rằng hành vi của Phạm Công Danh có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vì Danh đã biến tiền ngân hàng thành tài sản của mình, hành vi của Danh là vụ lợi.

Tuy nhiên, t​heo kết luận của tòa sơ thẩm​, Phạm Công Danh ​bị kết án 30 năm tù về tội Cố ý làm trái, Vi phạm quy định về cho vay.

Thực tế chứng minh không tự nhiên những người có quyền hạn chức vụ lại thực hiện hành vi cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay để rồi gây thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng động cơ của họ là gì, tại sao họ làm như vậy, tiền thất thoát đi đâu? Đó là những vấn đế phải làm rõ.

Trả lời PV trên VTV, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc từng chia sẻ: “Cái khó là tách bạch, chứng minh rõ ràng, rành mạch cái hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm quản lý về kinh tế rất khó; Phải phát hiện và chứng minh cho được động cơ vụ lợi của tội phạm tham nhũng ẩn trong tội phạm kinh tế”.

Cũng tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo việc kết luận tham ô, chiếm đoạt thì phải căn cứ vào pháp luật là rất quan trọng nhưng đừng ​khô cứng quá về câu chữ trong luật. Tổng bí thư cho rằng luật pháp là tối thượng, rất quan trọng nhưng có những điều chưa hợp lý thì phải điều chỉnh.

Với sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng thời gian qua, rất nhiều vụ án lớn đã và sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới.

PV

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên