MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kho bạc Nhà nước từ chối hơn 4300 khoản chi

28-05-2018 - 19:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Tính đến ngày 31/05/2018, lũy kế giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018 qua KBNN ước đạt: 84.188,5 tỷ đồng đạt 22,7% kế hoạch.


Theo báo cáo kết quả công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua KBNN trong những tháng đầu năm 2018 đã thực hiện như sau:

Lũy kế giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018, tính đến ngày 31/05/2018 qua KBNN ước đạt: 84.188,5 tỷ đồng đạt 22,7% kế hoạch, trong đó nguồn Chính phủ giao giải ngân là 83.531,5 tỷ đồng, đạt 22,7% kế hoạch Chính phủ giao.

Về chi thường xuyên: Lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/05/2018, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát ước đạt 297.464 tỷ đồng, đạt 30,5% dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Thông qua công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán khoảng 4.362 khoản chi (chi đầu tư 812 khoản chi; chi thường xuyên 3.550 khoản chi) do chưa đủ thủ tục thanh toán và chưa đủ điều kiện chi ngân sách với tổng số tiền từ chối thanh toán là 18 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư 12,8 tỷ đồng, chi thường xuyên là 5,2 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chương trình công tác năm 2018. Trong đó, nhiệm vụ kiểm soát chi các khoản chi NSNN là nhiệm vụ quan trọng để quản lý chặt chẽ quỹ ngân sách nhà nước đảm bảo chi đúng chế độ quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành nhiệm vụ theo quy định với các biện pháp cụ thể như sau:

Trước đó, trong tháng 10/2017, KBNN đã triển khai thành công Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát chi trên toàn quốc, tập trung các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư… giao cho một đầu mối (Phòng/bộ phận kiểm soát chi) thực hiện kiểm soát thanh toán thay vì thực hiện kiểm soát chi qua 2 phòng (kiểm soát chi và kế toán nhà nước) như trước đây; qua đó tạo thuận lợi hơn cho đơn vị sử dụng ngân sách, Chủ Đầu tư, Ban QLDA trong giao dịch chi NSNN tại KBNN.

KBNN đã triển khai trên toàn quốc nhằm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến qua trang thông tin dịch vụ công của KBNN cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch tại KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, KBNN quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Dịch vụ công góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đơn vị sử dụng ngân sách, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi theo hướng hồ sơ, chứng từ đơn vị ký số gửi KBNN (trừ hồ sơ pháp lý của dự án đầu tư) đồng thời cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, bảo đảm minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, là bước đi đầu tiên tiến tới thực hiện kiểm soát chi điện tử.

KBNN liên tục rà soát, nghiên cứu để xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ và nội dung kiểm soát. Đối với kiểm soát chi đầu tư, thời gian kiểm soát chi đã được rút ngắn từ 07 ngày xuống còn 03 ngày làm việc. Đối với chi thường xuyên, KBNN kiểm soát các khoản chi nhỏ theo bảng kê chứng từ thanh toán; đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi. Nghiên cứu chuyển đổi hình thức kiểm soát chi NSNN theo kết quả đầu vào sang hình thức kiểm soát theo kết quả đầu ra, phân loại các khoản chi để xây dựng quy trình kiểm soát chi theo ngưỡng, theo mức độ rủi ro.

KBNN kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong quá trình thực hiện kiểm soát thanh toán chi NSNN.

Thực hiện thanh toán ngay cho các dự án đầu tư khi có khối lượng hoàn thành và có đủ điều kiện chi theo quy định; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các cơ quan ban ngành tại địa phương để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình kiểm soát, giải ngân cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổng hợp báo cáo trong hệ thống KBNN phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành của các cấp.

Theo H.G

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên