Khó giảm lãi suất kiểu đại trà
Giới chuyên gia cho rằng, khó khăn của ngân hàng trong việc giảm lãi suất huy động (qua đó giảm lãi suất cho vay) nằm ở chỗ nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn, trong khi vốn cho vay đa số dài hạn.
- 03-07-2016Chuyên gia "hiến kế" huy động nghìn tỷ tiền nhàn rỗi trong dân
- 03-07-2016Nâng hạn mức rút tiền lên 5 triệu đồng, máy ATM hoạt động 24/7
- 02-07-2016[Interactive] Sự trở lại của 2 đại gia họ Đặng
Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nhiều yếu tố cho thấy khó xảy ra tình huống giảm lãi suất đại trà như những năm trước.
Tùy quyết định của từng ngân hàng
Mặc dù lãi suất ngân hàng chỉ chiếm một phần trong chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng lại là phần quan trọng trong việc tính giá thành sản phẩm, dịch vụ. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cho biết, lãi suất cho vay của Việt Nam hiện vẫn cao hơn nhiều nước, khiến doanh nghiệp rất khó cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp nước khác.
Thực tế, 5 năm qua, ngành ngân hàng đã nỗ lực trong việc giảm lãi suất và đến cuối năm 2015, mặt bằng lãi suất chỉ còn bằng 40% lãi suất cho vay của thời điểm năm 2011. Tuy nhiên, đầu năm 2016 khá nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, làm dấy lên mối lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng số 6 Thăng Long Nguyễn Văn Khoa cho biết, nếu không thể giảm lãi suất được nữa thì ngành ngân hàng hãy cố gắng giữ ở mức ổn định như cuối năm 2015, như vậy cũng là hỗ trợ doanh nghiệp.
Thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn, nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Đặc biệt, sau Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 4.2016, đến nay một số ngân hàng công bố áp trần lãi suất cho vay trung dài hạn ở mức 10%/năm như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương... Tuy nhiên, có thể nói, việc giảm lãi suất cho vay tùy thuộc vào quyết định của từng ngân hàng.
Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất để thu hút thêm khách hàng và hỗ trợ doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp bớt được chi phí lãi suất, làm ăn hiệu quả sẽ trả nợ ngân hàng tốt hơn. Ngoài ra, hiện nay các ngân hàng cũng phải cạnh tranh với nhau nên giảm lãi suất luôn được đặt ra nếu điều kiện phù hợp.
Giới chuyên gia cho rằng, khó khăn của ngân hàng trong việc giảm lãi suất huy động (qua đó giảm lãi suất cho vay) nằm ở chỗ nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn, trong khi vốn cho vay đa số dài hạn, vì vậy rất nan giải trong việc cân đối kỳ hạn. Nếu không cẩn trọng dễ dẫn tới rủi ro thanh khoản. Ở nhiều nước, các ngân hàng chủ yếu cung ứng vốn lưu động, tối đa là 1 năm, còn lại doanh nghiệp tự lo thông qua phát hành trái phiếu qua thị trường vốn. Ở nước ta, nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế chủ yếu đặt lên vai ngân hàng.
Chính sách tiền tệ không còn dư địa
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất cho vay giảm được hay không phụ thuộc vào lãi suất huy động, khả năng huy động vốn, thanh khoản và diễn biến lạm phát.
Ngày 30.6, trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, khi phân tích về diễn biến kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những tháng cuối năm không còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn cũng cho rằng, càng về cuối năm nhu cầu vốn tăng cao do đó sẽ rất khó để giảm giá vốn. Bên cạnh đó, nền kinh tế hồi phục, các kênh đầu tư khác cũng nổi lên khiến các ngân hàng càng vất vả hơn trong cuộc cạnh tranh huy động vốn.
Tuy nhiên, vẫn có những luồng ý kiến lạc quan cho rằng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng có những dấu hiệu tích cực và nếu duy trì được sẽ tạo điều kiện cho giảm lãi suất. Ví dụ, theo phân tích của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tháng 5.2016 khá dồi dào, khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 5 giảm mạnh so với tháng trước.
Trong khi đó, NHNN cho biết, giữa tháng 6.2016 lãi suất liên ngân hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt còn 1,20%/năm, 1,53%/năm và 2,90%/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thanh khoản ở hệ thống ngân hàng thường không đều, do đó ngân hàng nào có nguồn vốn dồi dào, huy động được lãi suất thấp mới giảm được lãi suất.