MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó khăn chồng chất khó khăn: Hai đợt đại dịch làm lộ rõ điểm yếu lớn trong ngành kinh tế quan trọng nhất TQ

13-04-2020 - 17:11 PM | Tài chính quốc tế

Đại dịch do virus corona gây ra đang khiến vấn đề an ninh lương thực trên thế giới, và đặc biệt tại Trung Quốc, đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

An ninh lương thực

Câu nói "Dân dĩ thực vi thiên" của người Trung Quốc đã phản ánh mức độ quan trọng của an ninh lương thực đối với quốc gia đông dân nhất thế giới.

Từ thời cổ đại, những lãnh đạo Trung Quốc đã coi việc duy trì nguồn cung cấp lương thực ổn định và đầy đủ cho người dân là vấn đề quan trọng cốt lõi trong việc đảm bảo ổn định chính trị, xã hội và kinh tế. Có đảm bảo được lương thực, người dân mới có thể yên tâm tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải trí.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo các nguồn cung ứng thực phẩm và có thể gây ra cuộc khủng hoảng lương thực nếu chính phủ Trung Quốc không thể xử lí vấn đề này một cách hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này trong thời gian gần đây.

Đại dịch do virus corona gây ra đang khiến vấn đề an ninh lương thực trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Phong tỏa, hạn chế di chuyển và thiếu nhân lực ngành nông nghiệp đang làm tổn hại ngành thực phẩm. Các chuỗi cung ứng bị phá vỡ và các dòng lương thực tới thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới bị cản trở vì nhiều lí do.

Khó khăn chồng chất khó khăn: Hai đợt đại dịch làm lộ rõ điểm yếu lớn trong ngành kinh tế quan trọng nhất TQ - Ảnh 1.

Một người phụ nữ mua rau qua hàng chắn ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các biện pháp cách ly được áp dụng ở nhiều địa phương khiến những người lao động thời vụ không thể quay trở lại các nông trại để làm việc. Khi mùa xuân bắt đầu ở Mỹ và châu Âu, các nông trại buộc phải tìm đủ nhân công để trồng trọt, khai thác mùa màng sau khi các biện pháp đóng cửa biên giới ngăn chặn dòng người lao động nước ngoài. Ví dụ, Pháp đã kêu gọi người dân nước này hỗ trợ bù đắp sự thiếu hụt 200.000 nhân công ngành thực phẩm.

Trong lúc nhiều máy bay không thể cất cánh, các tàu hàng phải dừng hoạt động, các cảng biển và biên giới đóng cửa, chuỗi cung ứng thực phẩm trên toàn cầu bị gián đoạn trong nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng, nguồn thực phẩm tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới đã bị thiếu hụt một lượng lớn.

Kể cả khi Trung Quốc dập tắt được dịch bệnh, những người nông dân nước này vẫn gặp nhiều khó khăn khi trồng trọt và nuôi các đàn gia súc bởi thiếu hụt nguồn cung cấp phân bón, đậu nành bị gián đoạn. Trong hơn 2 tháng qua, họ cũng đã tổn thất lớn về kinh tế bởi các sản phẩm không thể được chuyển tới tiêu thụ ở các thị trường nước ngoài.

Việc người tiêu dùng tích trữ đồ ăn vì lo ngại tình hình dịch bệnh cũng làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều siêu thị tại các nước trên thế giới gặp khó khăn trong việc đảm bảo hàng hóa cho người tiêu dùng lựa chọn.

Trong lúc đó, một số quốc gia xuất khẩu thực phẩm cũng đã hạn chế nguồn cung cấp lương thực ra nước ngoài. Ví dụ, Thái Lan đã ngừng xuất khẩu trứng gà sang nước khác.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Cuộc khủng hoảng lương thực tới giữa lúc nạn châu chấu đang hoành hành ở châu Phi và Trung Đông, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình sản xuất lương thực tại đây. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng đợt bùng phát châu chấu lần thứ hai có thể đe dọa an ninh lương thực của 25 triệu người trên khắp khu vực.

Người dân Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn vào thời điểm này. Đợt dịch tả lợn châu Phi năm ngoái và dịch COVID-19 năm nay đã làm suy sụp ngành thực phẩm nước này. Giá thực phẩm trung bình tăng 21,4% trong tháng 2, trong đó giá thịt lợn tăng 135,2% so với năm ngoái - ngưỡng tăng cao nhất trong lịch sử. Dịch tả lợn khiến Trung Quốc buộc phải tiêu hủy một nửa số lợn và khiến nhiều hộ chăn nuôi trắng tay.

Khó khăn chồng chất khó khăn: Hai đợt đại dịch làm lộ rõ điểm yếu lớn trong ngành kinh tế quan trọng nhất TQ - Ảnh 2.

Giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng phi mã do 2 đợt dịch bệnh liên tiếp. Ảnh: Reuters

Do phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu, Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng giữa lúc chuỗi cung ứng trên thế giới gặp vấn đề. Là quốc gia chỉ chiếm 9,5% đất trồng trọt và nguồn nước sinh hoạt trên thế giới, Trung Quốc phải đảm bảo lương thực cho 22% dân số toàn cầu.

Quốc gia này đã đạt được mục tiêu chiến lược trong việc tự cung cấp đủ lương thực cho nhu cầu nội địa, với 95% gạo, lúa mì và ngô được sản xuất trong nước. Sản lượng ngũ cốc ở Trung Quốc đã tăng 75% từ năm 1982 (với 354 triệu tấn) tới năm 2017 (với 618 triệu tấn), vượt 34% so với mức tăng dân số.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài đối với 80% sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, đường và sữa. Ngày nay, người Trung Quốc cũng thay đổi thói quen ăn uống và chuyển sang tiêu thụ các loại mặt hàng khác.

Ví dụ, trong năm 1975, cả nước Trung Quốc chỉ tiêu thụ 7 triệu tấn thịt lợn, nhưng tới năm 2017, con số này đã lên tới 75 triệu tấn.

Một người Trung Quốc trung bình 1 năm tiêu thụ tới 50kg thịt lợn. Điều này cũng lí giải tại sao mức độ nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc - vốn dùng cho ngành chăn nuôi - lại tăng theo cấp số nhân. Trong năm 1995, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 300.000 tấn đậu nành, nhưng tới năm 2017, nước này nhập tới 95 triệu tấn.

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy điểm yếu của chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Quy mô sản xuất và tiêu thụ của Trung Quốc đã trở thành vấn đề lớn đối với thế giới, làm ảnh hưởng các thị trường thương mại và đầu tư toàn cầu.

Đại dịch lần này đã gửi lời cảnh báo tới những người điều hành đất nước Trung Quốc. Quốc gia này cần phải khắc phục khoảng cách giữa nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng và nguồn cung cấp nội địa ngày càng thiếu hụt. Trong lịch sử, an ninh lương thực luôn là vấn đề lớn và có thể ảnh hưởng tới cả nền chính trị của nhiều quốc gia.

Khó khăn chồng chất khó khăn: Hai đợt đại dịch làm lộ rõ điểm yếu lớn trong ngành kinh tế quan trọng nhất TQ - Ảnh 3.

Theo Tất Đạt

ICT Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên