MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó khăn, thách thức vẫn đang "bủa vây" doanh nghiệp Việt

Khó khăn, thách thức vẫn đang "bủa vây" doanh nghiệp Việt

Mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến thủ tục đất đai, tiếp cận vốn tín dụng… Bên cạnh đó, tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính.

2/3 số doanh nghiệp dự kiến không tăng thêm quy mô

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, mức tăng trưởng GDP quý I năm nay chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng hàng quý thấp thứ hai trong cả giai đoạn 2011-2023.

Tình hình phát triển doanh nghiệp trong quý I/2023 cũng đáng lo ngại khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 60.200 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn, chỉ ở mức 57.000 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng trong quý I/2023, khoảng 20.100 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường.

Khó khăn, thách thức vẫn đang "bủa vây" doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

'Nhiệt kế doanh nghiệp' tư nhân. (Nguồn: Báo cáo PCI 2022)

Tình hình kém lạc quan này cũng được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia Khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022. Kết quả cho thấy, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới.

“Tức là có tới 2/3 số doanh nghiệp dự kiến không tăng thêm quy mô trong vòng 2 năm tới”, ông Phạm Tấn Công lo ngại và cho biết, trong điều kiện bất lợi ấy, vai trò của các chính quyền địa phương sẽ được chú ý nhiều hơn với những kỳ vọng lớn hơn về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.

Tiếp cận tín dụng đang là khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Chia sẻ về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn – Ủy viên Ban Thường trực; Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, điều tra PCI năm 2022 được tiến hành dựa trên phản hồi thông tin của gần 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến thủ tục đất đai, tiếp cận vốn tín dụng.

Khó khăn, thách thức vẫn đang "bủa vây" doanh nghiệp Việt - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn – Ủy viên Ban Thường trực; Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI (Ảnh: VCCI)

Cụ thể, liên quan đến vấn đề tiếp cận đất đai, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, có đến 42,9% doanh nghiệp cho biết không mở rộng sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn về tiếp cận đất đai và hy vọng điều này sẽ được “hóa giải” khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.

Đáng chú ý, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Đáng nói, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp.

“Tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, song các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022. Trong đó, với nhóm các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận tín dụng chỉ là 11,3%, thấp hơn đáng kể so với các nhóm còn lại. Với nhóm có quy mô vốn từ trên 3 tỷ đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ này là 20,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng ở nhóm doanh nghiệp quy mô vốn 10-20 tỷ đồng là 28,3%. Ở các nhóm còn lại, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận vốn cũng chỉ xung quanh mức 25-35%”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, Báo cáo kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4%). Cùng với đó là một loạt các khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022. Cụ thể, “các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân” (58,7% - tăng mạnh từ con số 41,8% của năm 2021); “thủ tục vay vốn phiền hà” (58,6% so với 46,2% năm 2021); tình trạng “doanh nghiệp phải “bồi dưỡng” cho cán bộ tín dụng để vay vốn” (55,8% trong khi năm 2021 là 37,3%), và “cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp” (49,8% trong khi năm 2021 là 27,4%).

Tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến

Liên quan đến tình trạng chi phí không chính thức, ông Phạm Tấn Công cho biết, báo cáo PCI năm 2022 cũng cho thấy, tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm đã bắt đầu từ năm 2016. Năm 2016, kết quả khảo sát PCI cho thấy, khoảng 66% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức; đến năm 2022, con số này ở mức 42,6%, giảm hơn 23 điểm phần trăm. Quy mô của khoản chi chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể trong cùng kỳ. Nếu trong năm 2016, 9,1% doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, thì năm 2022 giá trị này chỉ còn khoảng 3,8% doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại tăng đáng kể trong năm 2022 lên mức 71,7% (so với mức 57,4% năm 2021).

Chủ tịch VCCI cho rằng, việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch. Dù vẫn chưa đạt đến mức độ “dễ dàng” tiếp cận với số đông doanh nghiệp nhưng xu hướng theo thời gian cho thấy những trở ngại đang dần được gỡ bỏ với doanh nghiệp khi tiếp cận các loại thông tin, tài liệu này.

“Tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn một hạn chế đáng chú ý và cần thêm nhiều cố gắng hơn nữa ở các địa phương để kết quả cải thiện chất lượng điều hành có kết quả đồng bộ. Bên cạnh đó, tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Vấn đề các doanh nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc, thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai thường xuyên kéo dài hơn so với quy định”, ông Phạm Tấn Công chỉ rõ.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều thách thức như hiện nay chính là lúc chính quyền các địa phương cần chứng minh bản lĩnh và năng lực giải quyết các vấn đề mới, cải thiện hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong việc gia nhập thị trường và tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, lao động, tín dụng. Việc tăng cường tính minh bạch thông tin, giảm các phiền hà về tuân thủ thủ tục hành chính và giảm gánh nặng chi phí không chính thức ở các địa phương sẽ có hiệu quả tương đương như các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua./.

Theo Diệp Diệp

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên