Khó tìm ra công chức không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản biên chế
Nhiều bộ, ngành địa phương nêu thực tế khó tìm ra công chức không hoàn thành nhiệm vụ để đưa vào diện tinh giản biên chế.
- 08-08-2017Tốc độ “rùa” của tinh giản biên chế
- 31-07-2017Giải pháp nào để tinh giản biên chế hiệu quả?
- 30-07-2017Tinh giản biên chế: Vì sao muốn giảm lại càng tăng?
- 08-06-2017Tinh giản biên chế 2 năm đủ tiền giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành
Không phải đến bây giờ, câu chuyện gánh nặng ngân sách chi cho bộ máy hành chính ở nước ta mới được nhắc đến. Đã nhiều lần các chuyên gia cảnh báo: Không nguồn ngân sách nào có thể kham nổi một bộ máy hành chính lớn và cồng kềnh như hiện nay.
Dư luận vẫn còn nhớ câu chuyện ở Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương năm 2016, trong tổng số 46 biên chế có tới 44 người có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên, như là một điển hình về thực trạng của bộ máy hành chính cồng kềnh và nặng nề hiện nay. Bộ máy nặng nề đó kéo theo những hệ lụy tiêu cực. Đó là ngân sách phải dành một khoản chi rất lớn để trả lương cho đội ngũ này. Biên chế dư thừa còn dẫn tới tình trạng một bộ phận cán bộ công chức “Sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” mà có những ý kiến cho rằng số này chiếm tới 30%.
Nhiều bộ, ngành địa phương nêu thực tế khó tìm ra công chức không hoàn thành nhiệm vụ để đưa vào diện tinh giản biên chế. (Ảnh minh họa, nguồn Dân Trí)
Một hệ lụy đáng lo ngại khác xuất phát từ thắc mắc mà ai cũng hiểu là "làm nhà nước lương thấp nhưng nhiều người vẫn muốn lao vào". Trên thực tế có tinh giản được bộ máy hành chính hay không?
Ông Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định: “Giảm rất ít, cơ bản là tăng và cũng không tinh giản được. Bây giờ ta cứ nói tinh giản biên chế nhưng thực tế rất khó. Nghị định 108 của Chính phủ là tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ có thực hiện được không? Hầu như không cơ quan nào thực hiện được cả. Chủ yếu là những người đến tuổi nghỉ hưu thì cho nghỉ. Chứ chưa cơ cấu được gì, số cán bộ vẫn còn như thế, những người không làm được việc vẫn nằm trong bộ máy. Không thay đổi được, không chuyển hóa được thì đội máy lão hóa, không có hiệu lực, hiệu quả”.
Nhìn lại 10 năm qua, từ Trung ương đến địa phương đã có 3 lần thực hiện tinh giản biên chế. Tuy nhiên biên chế trên thực tế không những không giảm mà ngược lại, có nơi bộ máy lại phình to, làm việc kém hiệu quả. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, đề ra mục tiêu đến năm 2021 phải giảm ít nhất 10% tổng biên chế. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, tổng biên chế cả nước lại tăng hơn 11.000 người. Chỉ có 2 bộ xin giảm biên chế là Bộ Công thương và Bộ Nội vụ, trong khi đó, tại 63 tỉnh thành thì có 11 địa phương không những không tinh giản mà còn sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế được giao, điển hình tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận...
Vậy vì sao biên chế càng thực hiện tinh giản lại càng tăng? Nhiều chuyên gia cho rằng, đó là do việc tuyển chọn cán bộ, công chức được thực hiện dễ dàng, không theo quy hoạch chung. Thêm vào đó, đánh giá cán bộ, công chức vốn là tiền đề quan trọng cho việc tinh giản biên chế nhưng lại đang là khâu yếu. Đánh giá thiếu định lượng do chưa làm tốt công tác xây dựng vị trí việc làm để biết được chính xác vị trí nào cần bao nhiêu cán bộ, tính toán đảm bảo khối lượng công việc cụ thể ra sao. Nhiều bộ, ngành địa phương nêu thực tế là khó tìm ra công chức không hoàn thành nhiệm vụ để đưa vào diện tinh giản biên chế nên dẫn đến hiểu lầm đối tượng. 86,25% đối tượng thuộc diện tinh giản nhưng thực chất là những cán bộ chỉ còn 2 đến 3 năm công tác là nghỉ hưu.
Ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: “Vấn đề quan trọng hiện nay là việc lựa chọn đối tượng nào cần tinh giản. Bởi thực tế có những người đến cơ quan không làm được gì, thậm chí có thể làm hỏng, làm hư, làm hại. Trong khi đó nhiều cán bộ làm việc tích cực nhưng họ lại đang ngoài bộ máy".
Tinh giản biên chế là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của hơn 3,5 triệu công chức, viên chức hiện nay. Để quá trình này đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành. Về lâu dài phải đẩy mạnh xã hội hóa, giảm số hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tạo thêm việc làm cho lao động xã hội.
Hiện nay, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, tại một số đơn vị sự nghiệp công lập ở các bộ, ngành địa phương đã sắp xếp lại theo hướng tinh gọn hơn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, đẩy mạnh phân cấp về quản lý và tài chính; đề xuất chuyển từ phí qua giá để các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; nghiên cứu từng bước xóa bao cấp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đối xử bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp tư để khuyến khích cạnh tranh; đồng thời có quy hoạch định hướng phát triển đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng quy hoạch về tiêu chuẩn, điều kiện để phát triển và theo hướng Nhà nước giảm dần chi cho đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới xã hội hóa và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Để không phải lo càng tinh giản, bộ máy càng phình to, có lẽ đã đến lúc cần những biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả và đồng bộ hơn. Chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập rất quan trọng. Bên cạnh đó cần khuyến khích xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tinh giản biên chế, sử dụng cán bộ cho hiệu quả phải được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng. Có như vậy mới thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.
VOV