Khối ngoại bán ròng 2.028 tỷ đồng trong tuần cơ cấu ETF 13-17/12, chính thức vượt mức bán ròng 60.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay
Tiêu biểu trong danh sách bán ròng của khối ngoại trên toàn thị trường từ đầu năm đến nay có thể kể đến là HPG (18.571 tỷ đồng), VPB (9.329 tỷ đồng), VNM (6.782 tỷ đồng)...
Thị trường chứng khoán có một tuần giằng co trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.470 điểm. Tuần vừa qua cũng là tuần đáo hạn phái sinh tháng 12, đồng thời phiên thứ 6 còn là phiên cơ cấu quý 4 của hai quỹ ETF ngoại là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF, điều này cũng là chất xúc tác đưa thanh khoản trong phiên cuối tuần vọt tăng mạnh lên ngưỡng cao hơn 34.000 tỷ đồng. Song, thời điểm này là vùng trũng thông tin của quý 4 khiến cho tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng hơn, dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu sẵn sàng quay trở lại thị trường khiến khối lượng giao dịch trong tuần 13-17/12 nhìn chung vẫn ở mức trung bình cả về khối lượng và giá trị.
Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index tăng 16,25 điểm (1,1%) lên mức 1.479,79 điểm, HNX-Index tăng 5,45 điểm (1,2%) lên 456,2 điểm. UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,2%) xuống 111,6 điểm. Giá trị giao dịch bình quân đạt 33.729 tỷ đồng/phiên (~1,47 tỷ USD/phiên).
Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 46% so với tuần trước lên mức 3.955 tỷ đồng, chiếm 5,9% tỷ trọng toàn thị trường. Điểm trừ là họ đã trở lại bán ròng trên toàn thị trường với giá trị mua ròng cả tuần đạt mức 2.028 tỷ đồng, khối lượng bán ròng khoảng 66 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua. Như vậy, sau tuần trước trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại đã có tuần quay đầu bán ròng với giá trị và khối lượng lớn.
Tính chung từ đầu năm 2021 đến nay, phiên bán ròng hôm thứ 3 (14/12) với giá trị tỷ đồng đã đưa lũy kế bán ròng của khối ngoại trong năm 2021 đạt mức 60.409 tỷ đồng, chính thức ghi nhận mức bán ròng kỷ lục trong lịch sử. Tiêu biểu trong danh sách bán ròng từ đầu năm đến nay có thể kể đến là HPG (18.571 tỷ đồng), VPB (9.329 tỷ đồng), VNM (6.782 tỷ đồng)...
Trở lại với diễn biến cụ thể trong tuần 13-17/12, nhà đầu tư ngoại mặc dù duy trì mua ròng trên kênh thỏa thuận, song giá trị rất khiêm tốn so với lượng bán ròng trên kênh thỏa thuận. Theo đó, nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh, giá trị bán ròng của khối ngoại trong tuần đạt 2.155 tỷ đồng, 127 tỷ đồng mua ròng trên kênh thỏa thuận qua đó thu hẹp đà bán ròng chung sát về ngưỡng 2.000 tỷ đồng.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, lực bán của khối ngoại tập trung tại các cổ phiếu như VPB, HPG, CEO, GEX với giá trị đều vượt trên 200 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần giao dịch, bên cạnh đó là áp lực bán ròng trăm tỷ tiếp tục trên một số cổ phiếu khác như NVL, NG, VCB, CII, SSI...
Trong khi đó, dòng tiền ngoại trong tuần tiếp tục tìm đến cổ phiếu họ Vin là VIC với giá trị mua ròng 389 tỷ đồng, ngoài ra VRE cũng được mua ròng 177 tỷ đồng; bên cạnh đó, cổ phiếu VND cũng đứng vị trí cao trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong tuần với giá trị 188 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại còn chảy vào các cổ phiếu bất động sản - xây dựng như IDC, DIG, ITA...
Trên sàn HoSE, khối ngoại quay đầu bán ròng với tổng giá trị bán ròng ghi nhận 1.930 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 2.057 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, bên cạnh đó tiếp tục mua ròng 127 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận, qua đó thu hẹp phần nào vùng bán ròng chung.
Cổ phiếu ngân hàng VPB là tâm điểm bán ròng nhiều tuần qua với giá trị ghi nhận 1.226 tỷ đồng, chủ yếu trên kênh khớp lệnh. Trong tuần, áp lực bán ra mạnh phần nào khiến thị giá giảm hơn 5,5% để chốt phiên 17/12 tại mức 33.800 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, khối ngoại cũng tiếp tục bất ngờ bán ròng mạnh HPG với giá trị gần 699 tỷ đồng, toàn bộ trên kênh khớp lệnh. Các cổ phiếu khác tại sàn HoSE bị bán ròng trên 100 tỷ đồng trong tuần qua còn có thể kể đến là GEX (215 tỷ đồng), NVL (177 tỷ đồng ), NLG (175 tỷ đồng), VCB (141 tỷ đồng), CII (135 tỷ đồng), SSI (122 tỷ đồng), MSN (110 tỷ đồng).
Tại chiều mua, tâm điểm dòng vốn ngoại trong tuần tìm đến là các cổ phiếu họ nhà Vin là VIC, VRE và VHM lần lượt được mua ròng với giá trị là 389 tỷ đồng, 177 tỷ đồng và 130 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng các cổ phiếu là VND, DGC, DIG với giá trị đều trên 100 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, tuy nhiên quy mô đã tăng mạnh từ mức 10 tỷ đồng trong tuần trước lên 140 tỷ đồng, toàn bộ đều trên kênh khớp lệnh.
Giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếu CEO ghi nhận giá trị bán ròng mạnh nhất với đột biến 300 tỷ đồng, trong khi tuần trước chỉ bán ròng hơn 2 tỷ đồng cũng tại mã cổ phiếu này. Bất chấp áp lực bán ra, trên thị trường, cổ phiếu SHS sau chuỗi phiên điều chỉnh tuần trước đã phục hồi mạnh trong tuần này với 5 phiên đều tăng điểm trong đó phiên thứ 4 tăng kịch trần, thị giá trong tuần tăng hơn 39% lên mức 53.000 đồng/cổ phiếu.
Theo sau là THD với giá trị bán ròng 33 tỷ đồng và PVS bị bán ròng 8 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có HUT (4 tỷ đồng), TIG (3 tỷ đồng), HLD (3 tỷ đồng), TNG (3 tỷ đồng)...
Ngược lại, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại mã IDC và SHS với 166 tỷ đồng và 26 tỷ đồng, các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có BVS, PVI, DTD, ART, VCS...
Duy nhất trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng 43 tỷ đồng, trong đó giao dịch chủ yếu tại kênh khớp lệnh khi họ mua vào 102 tỷ đồng và bán ra khoảng 60 tỷ đồng.
Cổ phiếu VEA tuần này được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với hơn 20 tỷ đồng, toàn bộ đều qua mua khớp lệnh. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến MPC với giá trị mua ròng ghi nhận 9 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có MCM, HHV, ACV, CTR, IDP, QTP...
Tại phía bán ra, cổ phiếu QNS tuần này vẫn dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng gần 11 tỷ đồng và đều bán qua kênh khớp lệnh. Bên cạnh đó, VTP và BSR cũng bị bán ròng lần lượt 6 tỷ đồng và 4 tỷ đồng, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có CLX, VGT, BVB, MKP...