Khối ngoại bán ròng đột biến, cổ phiếu Đất Xanh nhận 'hung tin'
VN-Index cuối phiên hôm nay (8/7) lấy lại sắc xanh, giữ được mốc 1.280 điểm dù thị trường gặp áp lực điều chỉnh lớn. Khối ngoại bán ròng đột biến gần 2.500 tỷ đồng, đà hồi phục trông chờ nhiều vào dòng tiền nội. Cổ phiếu "họ" Đất Xanh đột ngột bị bán tháo sau thông tin chủ tịch bị tố cáo chiếm đoạt tài sản.
- 08-07-2024Cổ phiếu FPT miệt mài vượt đỉnh, tài sản của ông Trương Gia Bình và hai "công thần" tăng gần 8.000 tỷ từ đầu năm
- 08-07-2024Lương tăng, cổ phiếu nào sẽ mang tiền về cho bạn?
- 08-07-2024Phiên 8/7: Khối ngoại bán ròng đột biến hơn 2.500 tỷ đồng, "xả" mạnh loạt cổ phiếu lớn
Phiên giao dịch đầu tuần không mấy dễ dàng với VN-Index , khi cổ phiếu lớn gặp áp lực điều chỉnh, VN-Index đảo chiều giảm điểm. Đã có thời điểm, chỉ số chính giảm thủng mốc 1.280 điểm. Thị trường phân hoá rõ nét, lực bán ròng của khối ngoại gây thêm khó khăn cho thị trường.
Hôm nay là phiên thứ 23 liên tiếp, vốn ngoại xả ròng mạnh trên toàn thị trường. Sức ép đổ dồn lên nhiều mã bluechip như HDB, FPT, STB, ACV, SAB… Trong đó, HDB bị bán ròng gần 500 tỷ đồng. ACV, STB, FPT cũng bị xả ròng trên 200 tỷ đồng. Dù vậy, cả 4 cổ phiếu kể trên không có mã nào giảm giá. Dòng tiền nội tham gia “đỡ” giá tương đối tốt. FPT tăng 0,65%, thanh khoản giữ mốc cao nhất thị trường với giá trị 815 tỷ đồng.
Đóng góp tích cực nhất cho VN-Index là các mã phi tài chính, như GVR, PLX, MWG, DCM, FPT, POW. Nhóm dầu khí “đồng khởi” với PLX, POW, BSR, PVD, PVS, OIL… cùng tăng giá.
Đặc biệt, cổ phiếu phân bón đồng loạt đua trần, với DCM, BFC, PSW, SFG tăng trần. Nhiều mã trong số này thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Cổ phiếu nhà Vinachem có đà tăng tích cực trong bối cảnh mới đây tập đoàn vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các công ty con đều tăng mạnh so với năm 2023 (DDV tăng 46 lần, BFC tăng 5 lần, CSM tăng 2 lần).
Qua đó, doanh thu Vinachem 6 tháng đầu năm ước đạt 29.595 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, thực hiện 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận Vinachem ước đạt 815 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, những mã lớn nhất như VCB, VIC, SAB, VHM, BID… gây áp lực lên thị trường. Chiếm tỷ lệ vốn hoá, thanh khoản cao , nhưng nhóm ngân hàng , bất động sản không những không phát huy được vai trò dẫn dắt, mà còn khiến thị trường mất điểm.
Tại nhóm bất động sản, DXS bị bán tháo, giảm sàn sau khi thị trường xuất hiện thông tin về đơn tố cáo ông Lương Trí Thìn (Chủ tịch Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh ), ông Đỗ Văn Mạnh (Tổng giám đốc Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh) chiếm đoạt tiền nhà đầu tư liên quan trái lô trái phiếu MNRCH2123001.
Trước thông tin trên, CTCP Tập đoàn Đất Xanh đã có văn bản gửi Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng An ninh kinh tế - Công an TPHCM đề nghị xác minh, điều tra, xử lý thông tin tố cáo của nhà đầu tư mua trái phiếu Đất xanh Services - công ty liên kết của Đất Xanh.
Doanh nghiệp này khẳng định các thông tin tố cáo liên quan đến ông Lương Trí Thìn là không đúng sự thật. Trong đó, DXS không phát hành bất kỳ trái phiếu nào có mã MNRCH2123001 như ông Triều đã đề cập. Thay vào đó, đơn vị phát hành lô trái phiếu này là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam (Đất Xanh Miền Nam).
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,52 điểm (0,04%) lên 1.283,56 điểm. HNX-Index tăng 0,84 điểm (0,35%) lên 243,15 điểm. UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (0,33%) lên 98,58 điểm. Thanh khoản khởi sắc với giá trị khớp lệnh HoSE gần 17.300 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng đột biến gần 2.500 tỷ đồng.
Tiền phong