Khối ngoại bán ròng, tổng lợi nhuận DN không tăng, sao VN-Index năm 2016 vẫn tăng?
Câu trả lời là dòng tiền margin.
- 11-12-2016Năm 2017, có tiền “rót” vào kênh đầu tư chứng khoán sẽ hấp dẫn?
- 11-12-2016Chuyên gia SSI lo ngại kịch bản khối ngoại sẽ tiếp tục tháo chạy khỏi TTCK trong năm 2017
- 10-12-2016Chủ tịch HNX: "Mọi dự báo về điểm số thị trường hiện nay đều rất thiếu cơ sở khoa học"
Tính từ đầu năm 2016 tới nay, chỉ số VnIndex đã tăng khoảng 15% nhưng theo thống kê thì tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng không hề tăng, thậm chí còn giảm. Không những vậy, xu hướng thị trường năm qua cũng không được sự hậu thuẫn của khối ngoại khi họ đã bán ròng hơn 6.500 tỷ đồng.
Chỉ số tăng nhờ dòng tiền margin
Tại buổi tọa đàm “Làm ăn gì năm 2016” do Bizlive tổ chức, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI cho biết sự tăng trưởng tích cực của TTCK Việt Nam trong năm 2016 đã có sự đóng góp không nhỏ từ dòng tiền margin của các nhà đầu tư trong nước.
Lấy ví dụ tại SSI, dư nợ margin của CTCK này trong năm 2015 là 2.200 tỷ đồng, nhưng trong năm 2016 đã tăng vọt lên khoảng 3.500 tỷ đồng. Ông Linh cho rằng lượng margin tăng mạnh xuất phát từ nhu cầu thị trường bởi thị trường cần thì CTCK mới cho vay được.
Bên cạnh đó, margin tăng còn xuất phát từ bài toán lợi nhuận doanh nghiệp. Trong những năm qua, các CTCK đã huy động vốn khá dễ dàng trong bối cảnh lãi suất thấp, hệ thống ngân hàng dư thừa thanh khoản. Phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo lãi suất chỉ từ 7-8%/năm, cho vay margin khoảng 13%/năm và có lẽ không doanh nghiệp nào từ chối bài toán lợi nhuận này.
Có thể thấy, khi lãi suất thấp, các CTCK tăng mạnh margin hỗ trợ thị trường, hấp dẫn nhà đầu tư tham gia hơn, kéo theo sự tăng trưởng của TTCK. Ông Linh ví von câu chuyện thị trường năm qua giống như quả trứng và con gà. Khi thị trường tăng thì tiền vào, tiền vào thì thị trường tăng và đây là lý do giải thích cho việc VnIndex tăng 15% trong năm 2016 dù gặp không ít thách thức.
Thị trường đủ sức hấp thụ làn sóng “đại gia” lên sàn
Trong giai đoạn cuối năm 2016, đầu năm 2017, khoảng 12 doanh nghiệp nhà nước như Sabeco, Habeco, ACV, Vinatex, Petrolimex, Vietnam Airlines… cùng với một loạt doanh nghiệp tư nhân lớn như Vietjet Air, Masan Consumer, Novaland… có tổng vốn hóa khoảng 360 nghìn tỷ đồng, tương đương 20% vốn hóa toàn TTCK sẽ lên sàn. Điều này đang đặt ra câu hỏi liệu thị trường có hấp thụ được lượng cung khổng lồ nêu trên không trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng và lãi suất có xu hướng gia tăng.
Chuyên gia SSI nhận định vấn đề này không quá lo ngại bởi có thể điều chỉnh bằng biện pháp kỹ thuật khi đưa các doanh nghiệp niêm yết dàn trải hơn thay vì ồ ạt lên sàn cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, mặc dù tổng vốn hóa các doanh nghiệp sắp lên sàn dù rất lớn (khoảng 360 nghìn tỷ đồng) nhưng tỷ lệ lưu hành tự do (free float) rất nhỏ khiến lượng cung ra không nhiều so với quy mô thị trường.
Theo số liệu từ NHNN, tổng dư nợ tiền gửi trong hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9 là 5,8 triệu tỷ, gấp 1,3 lần GDP Việt Nam, trong khi quy mô 3 sàn hiện mới khoảng 40% GDP. Số liệu này đã cho thấy quy mô tiền gửi lớn hơn quy mô TTCK rất nhiều và đó là chưa kể Nhà nước còn nắm giữ lượng lớn cổ phần trên TTCK không bán ra.
Bởi vậy, ông Linh cho rằng dù các doanh nghiệp lớn ồ ạt lên sàn thì thị trường vẫn đủ sức hấp thụ và không phải vấn đề lớn. Điều đáng quan ngại hơn với thị trường lúc này là những vấn đề về vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tăng trưởng kinh tế, dòng tiền khối ngoại…