Khối ngoại bất ngờ mua ròng trở lại trong tuần 6-10/12, tâm điểm "gom" hàng trăm tỷ bộ ba cổ phiếu họ Vin
Trong tuần VN-Index hồi phục, khối ngoại trở lại mua ròng mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, sau đó là đen xem bán - mua ròng trong các phiên còn lại trên kênh khớp lệnh trong khi duy trì mua ròng thỏa thuận trong toàn bộ các phiên
Sau cú điều chỉnh mạnh trong phiên thứ 6 tuần trước, thị trường chứng khoán mở cửa tuần mới 6-10/12 với tâm lý khá thận trọng. Diễn biến tiêu cực tiếp tục ghi nhận trong phiên thứ hai khi VN-Index khi có thời điểm lùi về sát mốc 1.400 trong ngày thứ hai trước áp lực chốt lời tại nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn sau một nhịp tăng khá mạnh trước đó.
Tuy nhiên, những nhịp hồi phục tích cực trong các phiên kế tiếp đưa chỉ số một lần nữa tiến sát ngưỡng cản 1.470 điểm. Mặc dù lực bán mạnh trở lại trong phiên thứ 6 khiến hạn chế đà tăng của chỉ số, song nhìn chung VN-Index vẫn có một tuần hồi phục tích cực. Thanh khoản có sự sụt giảm đáng kể so với giai đoạn trước cho thấy dòng tiền vẫn đang tỏ ra dè dặt. Diễn biến các nhóm cổ phiếu cũng ghi nhận sự phân hóa khi một số nhóm đã hồi phục tốt hơn so với mặt bằng chung như bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, sản xuất điện, năng lương tái tạo.
Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index tăng 20,22 điểm (1,4%) lên mức 1.463,54, HNX-Index tăng 0,26% lên mức 450,75, còn UPCoM-Index ngược chiều giảm 0,27% xuống mức 111,81 điểm. Giá trị giao dịch bình quân đạt 28.862 tỷ đồng/phiên (~1,25 tỷ USD/phiên), giảm mạnh 20% so với tuần trước.
Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài theo đà giảm chung cũng quay đầu giảm gần 26% so với tuần trước xuống chỉ còn 2.711 tỷ đồng, chiếm 4,7% tỷ trọng toàn thị trường. Điểm sáng là họ đã trở lại mua ròng trên toàn thị trường với giá trị mua ròng cả tuần đạt mức 358 tỷ đồng, khối lượng mua ròng khoảng 5 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua. Như vậy, sau 5 tuần ròng rã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại đã có tuần trở lại mua ròng, tuy chỉ với giá trị khiêm tốn.
Cụ thể diễn biến trong tuần 6/12-10/12, nhà đầu tư ngoại liên tục mua ròng trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, sau đó là đen xem bán - mua ròng trong các phiên còn lại trên kênh khớp lệnh. Trong khi đó khối ngoại vẫn duy trì mua ròng thỏa thuận trong toàn bộ tuần. Theo đó, nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh, giá trị mua ròng của khối ngoại trong tuần đạt 268 tỷ đồng, cộng thêm 89 tỷ đồng mua ròng trên kênh thỏa thuận.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, dòng tiền ngoại trong tuần tìm đến bộ ba cổ phiếu họ Vin là VHM, VRE và VIC với giá trị mua ròng đều trên 100 tỷ đồng; bên cạnh đó, cổ phiếu bank-chứng là SSI, VCI, CTG hay VND cũng đứng vị trí cao trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong tuần. Dòng tiền ngoại còn chảy vào các cổ phiếu khác như DGC, KDH, DXS...
Ngược lại, lực bán của khối ngoại tập trung tại các cổ phiếu như HPG, TCH, NVL, HDG, VPB với giá trị đều vượt trên 100 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần giao dịch, bên cạnh đó là áp lực bán ròng tiếp tục trên một số cổ phiếu khác như KBC, SAB, VCB, NLG, TPB.
Trên sàn HoSE, khối ngoại trử lại mua ròng với tổng giá trị mua ròng ghi nhận 3.181 tỷ đồng - giảm nhẹ so với giá trị tuần liền trước. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 3.379 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, bên cạnh đó trở lại mua ròng 198 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận, qua đó thu hẹp phần nào vùng bán ròng chung.
Tâm điểm dòng vốn ngoại trong tuần tìm đến là các cổ phiếu họ nhà Vin là VHM, VRE và VIC lần lượt được mua ròng với giá trị là 436 tỷ đồng, 147 tỷ đồng và 119 tỷ đồng. Về diễn biến giá, trong khi VRE bứt phá thậm chí có một phiên tăng kịch trần hiếm hoi kể từ khi niêm yết thì VHM đi ngang còn VIC thì quay đầu giảm nhẹ. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng các cổ phiếu chứng khoán khác là SSI, VND và VCI. Một số cổ phiếu khác cũng được mua ròng trong tuần là CTG, DGC, KDH,...
Tại chiều bán, cổ phiếu thép HPG là tâm điểm bán ròng nhiều tuần qua với giá trị ghi nhận 314 tỷ đồng, chủ yếu trên kênh khớp lệnh. Trong tuần, áp lực bán ra mạnh tiếp tục khiến thị giá HPG giảm hơn 2,5% để chốt phiên 10/12 tại mức 46.500 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, khối ngoại cũng tiếp tục bất ngờ bán ròng mạnh TCH với giá trị gần 224 tỷ đồng, toàn bộ trên kênh khớp lệnh. Các cổ phiếu khác tại sàn HoSE bị bán ròng trên 10 tỷ đồng trong tuần qua còn có thể kể đến là NVL (193 tỷ đồng), HDG (131 tỷ đồng ), VPB (122 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, tuy nhiên quy mô đã giảm mạnh từ mức 234 tỷ đồng trong tuần trước xuống chỉ còn 10 tỷ đồng, toàn bộ đều trên kênh khớp lệnh.
Giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếu SHS ghi nhận giá trị bán ròng mạnh nhất với 27 tỷ đồng, trong khi tuần trước vừa mua ròng hơn 44 tỷ đồng cũng tại mã cổ phiếu này. Bất chấp áp lực bán ra, trên thị trường, cổ phiếu SHS sau chuỗi phiên điều chỉnh tuần trước đã phục hồi mạnh trong tuần này, thị giá trong tuần tăng hơn 7% lên mức 51.200 đồng/cổ phiếu.
Theo sau là DLS với giá trị bán ròng 12 tỷ đồng và THG bị bán ròng 7 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có HUT (6 tỷ đồng), API (5 tỷ đồng), CEO (2 tỷ đồng), TIG (2 tỷ đồng)...
Ngược lại, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại mã IDC và PVI với 17 tỷ đồng và 14 tỷ đồng, các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có NDN, APS, PVG, PVS... trong đó cổ phiếu NDN gây chú ý với vụ việc cựu CEO bị bắt, song vẫn được rót ròng 11 tỷ đồng từ vốn ngoại.
Duy nhất trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài quay đầu bán ròng nhẹ 3 tỷ đồng, trong đó giao dịch tập trung chủ yếu tại kênh khớp lệnh khi họ mua vào 92 tỷ đồng và bán ra khoảng 95 tỷ đồng.
Cổ phiếu MCM tuần này được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với hơn 12 tỷ đồng, toàn bộ đều qua mua khớp lệnh. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến VEA với giá trị mua ròng ghi nhận 8 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có NNG, VNB, CTR, VLB, VGG, MCH...
Tại phía bán ra, cổ phiếu QNS tuần này dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng hơn 25 tỷ đồng và đều bán qua kênh khớp lệnh. Bên cạnh đó, VTP và BMS cũng bị bán ròng lần lượt 8 tỷ đồng và 3 tỷ đồng, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có VGT, CDO, HHV, PVX, VBB...