Khối ngoại chính thức đảo chiều sang bán ròng trên HoSE kể từ đầu năm 2022
Tính tới cuối phiên 27/9, giá trị giao dịch ròng của khối ngoại trên HoSE kể từ đầu năm 2022 đã đảo chiều sang bán ròng 477 tỷ đồng.
Thị trường đang trải qua những phiên giao dịch không mấy tích cực trong bối cảnh nhiều tin tức bủa vây. Chỉ số VN-Index sau nhiều nỗ lực, cuối cùng vẫn đành tạm “chia tay” ngưỡng 1.200 điểm để lùi sâu về dưới vùng 1.170. Bên cạnh đó, thanh khoản chung của thị trường cũng ở mức tương đối thấp khi dòng tiền “bắt đáy” vẫn tỏ ra khá yếu ớt so với áp lực bán nói chung.
Đáng chú ý, giao dịch khối ngoại từ đầu năm đến cuối tháng 8/2022 vẫn đang là điểm sáng khi mua ròng gần 2.600 tỷ đồng kể từ đầu năm trên sàn HoSE, thì tới nay dòng vốn đã có sự đảo chiều. Động thái bán ròng của khối ngoại liên tục được ghi nhận trong vài tuần trở lại đây, kết quả tính tới cuối phiên 27/9, giá trị giao dịch ròng của khối ngoại trên HoSE kể từ đầu năm 2022 đã đảo chiều sang bán ròng 477 tỷ đồng.
Sau khi ghi nhận bán ròng tới gần 7.000 tỷ trong quý 1/2022, khối ngoại đã thu hẹp đáng kể đà bán ra trong quý 2 và phân nửa quý 3 của năm nay, có thời điểm ghi nhận mua ròng tới gần 4.000 tỷ đồng (đầu tháng 8). Tuy nhiên, đà rút ròng mạnh trong khoảng 1 tháng trở lại đây khiến thành quả trước đó trở thành dĩ vãng.
Trước đó trong năm 2021, giao dịch khối ngoại ghi nhận giá trị bán ròng 62.358 tỷ đồng - con số kỷ lục, cao hơn số bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (18.794 tỷ đồng), thậm chí còn gấp tới 2,5 lần tổng lượng khối ngoại "xả" trong hai năm duy nhất bán ròng trong thập kỉ qua là 2016 và 2020 cộng lại.
Quay trở lại hiện tại, có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9. Yếu tố trực tiếp nhất được cho là xuất phát bởi đồng USD bùng nổ tăng giá, theo đó ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá nội tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điều này dẫn đến một nhu cầu chuyển đổi và dự trữ USD của khối ngoại để đầu cơ hoặc đầu tư vào một số loại tài sản khác.
Cùng với đó, bối cảnh tỷ giá gia tăng cũng ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư tại thị trường Việt Nam khiến cho nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường.
Ngoài những áp lực trên, dòng tiền ETF cũng đã quay đầu bán ròng trong vài tháng trở lại đây. Các quỹ ETF chủ yếu là cuộc chơi của các tổ chức ngoại, do đó động thái rút ròng tại các ETF khiến động lực mua ròng của khối ngoại trên sàn giảm đi đáng kể. Theo đó, dòng vốn vào Diamond ETF đã đảo chiều từ tháng 7 tới nay. Sau 5 tháng hút ròng liên tiếp và là "thỏi nam châm" hút tiền mạnh nhất trong nửa đầu năm, quỹ ETF này đã bất ngờ bị rút ròng liên tục 3 tháng gần nhất, giá trị hơn 520 tỷ đồng (tháng 7), 890 tỷ đồng (tháng 8) và 380 tỷ đồng (tháng 9).
Tương tự, "người anh em" DCVFM VN30 ETF cũng bị rút vốn mạnh nhất tương đối mạnh trong năm 2022. Sau quý 1 bị rút ròng và tiếp đến là giai đoạn tháng 4-5 hút tiền, ETF này đã trở lại trạng thái bị rút ròng trong 4 tháng liên tiếp tháng 6 đến tháng 9, giá trị rút ròng từ đầu năm đến nay vượt 2.000 tỷ đồng.
Mặt khác, yếu tố dẫn đến dòng vốn ngoại tỏ ra “hờ hững” với chứng khoán Việt có thể đến từ khẩu vị đầu tư của khối ngoại. Những năm gần đây, lĩnh vực Công nghệ, Giáo dục, Y tế, Bán lẻ là những ngành thu hút dòng tiền đầu tư mạnh nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam, những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực kể trên chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, trong khi nhóm vốn hóa lớn chủ yếu là các tên tuổi của Ngân hàng, Chứng khoán hay Bất động sản.
Tuy vậy, việc rút lui của khối ngoại không ảnh hưởng quá lớn tới diễn biến thị trường nhờ sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước. Hiện tại, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HoSE chỉ chiếm khoảng 7-8% tổng lượng giao dịch.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá thị trường chứng khoán sẽ tìm lại được điểm cân bằng và hồi phục trở lại khi các rủi ro liên quan đến địa chính trị, lạm phát, suy thoái kinh tế Mỹ hay những bất ổn tại EU đã được phản ánh đáng kể và phần nào hạ nhiệt. Bên cạnh đó, có một số yếu tố hỗ trợ trong nước đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng ngoại biên cùng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ kinh tế và đẩy mạnh đầu tư công.
KBSV kỳ vọng với sức đề kháng tốt hơn ở góc độ vĩ mô nền kinh tế lẫn vi mô doanh nghiệp giúp triển vọng tăng trưởng ở EPS toàn thị trường tích cực hơn so với các thị trường phát triển khác vốn có nền kinh tế đang đối mặt với rủi ro suy thoái. Theo đó, TTCK Việt Nam vẫn sẽ diễn biến tích cực hơn tương đối so với nhiều thị trường khác trên thế giới và trong khu vực.
Nhịp Sống Thị Trường