MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại đẩy mạnh bán hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu VCG ngay sau khi Vinaconex khóa room về 0%

Chỉ sau 3 phiên giao dịch, tổng khối lượng cổ phiếu VCG mà khối ngoại bán ra đã lên tới gần 8 triệu đơn vị với tổng giá trị 140 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch 15/11, cổ phiếu Vinaconex (VCG) đã bị khối ngoại bán ròng khá mạnh với 6,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị xấp xỉ 119 tỷ đồng. Với áp lực bán mạnh của khối ngoại, VCG có thời điểm về sát giá sàn (16.600 đồng) trước khi hồi phục nhẹ lên mức 17.200 đồng về cuối phiên.

Trong 2 phiên giao dịch trước đó (13/11 và 14/11), khối ngoại cũng bán ròng khá mạnh VCG với tổng khối lượng 1,13 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 21 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ sau 3 phiên giao dịch, tổng khối lượng cổ phiếu VCG mà khối ngoại bán ra đã lên tới gần 8 triệu đơn vị với tổng giá trị 140 tỷ đồng.

Việc khối ngoại bán mạnh VCG trong những ngày gần đây diễn ra ngay sau khi Vinaconex thông báo giảm tỷ lệ sở hữu khối ngoại về mức 0% vào cuối tuần trước. Theo quy định hiện hành, việc giảm tỷ lệ sở hữu về 0% không khiến khối ngoại buộc phải bán ra, nhưng sẽ không được mua vào.

Hiện tại, khối ngoại đang nắm giữ khoảng 11% cổ phần Vinaconex, tương ứng hơn 48 triệu cổ phiếu. Trong đó, Pyn Elite Fund là cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ hơn 31 triệu cổ phiếu VCG (7,1%), ngoài ra, VNM ETF cũng nắm giữ khoảng 7,5 triệu cổ phiếu VCG.

Khối ngoại đẩy mạnh bán hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu VCG ngay sau khi Vinaconex khóa room về 0% - Ảnh 1.

Với việc chốt tỷ lệ room ngoại tại VCG là 0%, khối ngoại sẽ không thể tham gia mua cổ phần tại hai thương vụ thoái vốn VCG của Viettel và SCIC vào ngày 22/11 tới đây.

Theo kế hoạch được công bố, SCIC và Viettel sẽ cùng đấu giá trọn lô 79% cổ phần của Vinaconex với giá 21.300 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị tối thiểu hơn 7.400 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối năm 2017, phiên đấu giá cổ phần VCG của SCIC đã diễn ra không thành công khi nhà đầu tư chỉ mua lượng 5,5% lượng chào bán.

Hiện đã lộ diện 2 nhà đầu tư tham gia mua cổ phần VCG do Viettel chào bán là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (vốn điều lệ 380 tỷ đồng) và Bất động sản Cường Vũ (vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng).

Được biết, Vinaconex đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Khu đất lớn nhất của Vinaconex có diện tích hơn 2,7 triệu m2 nằm tại Khu CN CNC2 Hòa Lạc. Bên cạnh đó, Vinaconex cũng sở hữu khu đất hơn 356.171 m2 tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 1 (Quốc Oai, Thạch Hòa), được cho thuê mặt bằng và hạ tầng.

Ngoài ra, Vinaconex cũng sở hữu dự án bất động sản khá lớn với diện tích 32.696 m2 tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Khu đất này đang được Vinaconex triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora).

Chủ đầu tư của dự án này là CTCP An Khánh JVC, trong đó Vinaconex nắm 50% vốn góp. Cuối năm 2017, doanh nghiệp này có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông khi CTCP Địa ốc Phú Long nhận chuyển nhượng 50% vốn từ Posco E&C và trở thành đơn vị cùng Vinaconex hợp tác triển khai dự án.

Bên cạnh đó, Vinaconex cũng đang thực hiện 2 dự án cải tạo chung cư cũ tại 93, 97-99 Láng Hạ, với tổng mức đầu tư dự kiến lần lượt 949 tỷ đồng và 618,7 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng).

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên