Khối ngoại liên tục bán ròng, thị trường chứng khoán tăng điểm nhờ đâu?
Trong tuần giao dịch đầu tháng 4, thị trường tăng điểm bất chấp khối ngoại bán ròng liên tục. Chứng khoán Việt Nam đang bị định giá rẻ, hơn 60% cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách. Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và tung gói tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp.
Dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu, thị trường chứng khoán giảm mạnh. VN-Index kết thúc tháng 3 đạt 662,53 điểm, giảm 31,2% so với sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, VN-Index tăng 7 phiên liên tiếp kể từ đầu tháng 4 lên vùng giá 760 điểm, phục hồi 15%.
Diễn biến VN-Index 3 tháng qua. Nguồn: VNDirect
Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta cho rằng yếu tố tác động trọng yếu cho đà phục hồi của thị trường trong 1 tuần qua là dịch bệnh Covid-19 đang dần được cải thiện, thể hiện qua các chỉ số chứng khoán thế giới như Mỹ, khu vực châu Á đều hồi phục trở lại. Điều này phản ánh tâm lý nhà đầu tư đã bớt bi quan hơn thời điểm trước.
Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 3, thống kê của Yuanta cho thấy có hơn 60% cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách. Tỷ lệ giá trên lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu (P/E) của hầu hết chỉ số, đặc biệt VN-Index đã về đáy của năm 2008, thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế. Do đó, xét về định giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở nên hấp dẫn, mức P/E đang thấp nhất trong khu vực, kể cả so với Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Yếu tố hỗ trợ tiếp theo là do ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng GDP đạt thấp trong quý I và nhiều khả năng kết thúc năm 2020 ở mức thấp hơn nữa, Chính phủ có động thái là đẩy mạnh đầu tư công, kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trở lại trong quý III và IV. Cùng với đó, Chính phủ triển khai các gói chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời điểm khủng hoảng.
Song, bất chấp thị trường tăng điểm liên tục, giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi liên tục bán ròng với tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng kể từ đầu tháng 4. Trong quý I, nhóm này đã bán ròng 10.000 tỷ đồng, đặc biệt là tháng 3 bán ròng hơn 7.950 tỷ đồng tại HoSE.
Bình luận về vấn đề nay, Giám đốc Phân tích Yuanta đánh giá động thái bán ròng chủ yếu tập trung ở các quỹ có quy mô nhỏ và áp lực review của các quỹ ETF do lo ngại tình hình dịch bệnh. Mặt khác, khối ngoại bán ròng chủ yếu nằm ở 2 cổ phiếu của Masan Group và Vingroup từ tháng 3 kéo dài đến đầu tháng 4. Nguyên nhân là nhà đầu tư nước ngoài không đánh giá cao thương vụ Masan Group mua VinCommerce và giải đua F1 mà VinFast – thành viên Vingroup tài trợ chính bị hoãn. Dù vậy, áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài hiện giảm tương đối và dường như khối ngoại đang cơ cấu lại danh mục, bán cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (mid cap và penny), quay trở lại nhóm vốn hóa lớn (large cap), tận dụng điểm rơi mạnh của thị trường để mua lại.
Ngoài ra, một tín hiệu khả quan khác liên quan đến dòng tiền mới vào thị trường. Theo ông Minh, các nhà đầu tư cá nhân thường đổ tiền vào kênh tiết kiệm ngân hàng. Song, lãi suất tiết kiệm hiện nay thấp và nhiều khả năng tiếp tục giảm. Trong khi đó, kênh vàng và USD đã tăng mạnh. Kênh trái phiếu doanh nghiệp thu hút lượng tiền lớn đổ vào trong năm qua nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp chưa phát hành nhiều. Việc chứng khoán rơi mạnh là động lực để nhà đầu tư có tỷ lệ tiền mặt cao nhìn thấy một cơ hội kiếm được tỷ suất sinh lời cao tương tự như năm 2008.
Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tại ngày 31/3 có gần 2,44 triệu tài khoản chứng khoán, tăng 32.140 so với cuối tháng 2. Trong đó, tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng 31.832 đơn vị, cao nhất từ tháng 3/2018. Tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 117, cao nhất từ thời điểm tháng 3/2017.
Giám đốc chi nhánh một công ty chứng khoán phía Nam bổ sung thêm có một lượng khách hàng lâu năm không giao dịch bắt đầu nộp tiền trở lại để mua, đa phần là những người có đầu tư kinh doanh bất động sản chuyển qua hoặc các ngành kinh doanh thuận lợi có nhiều tiền mặt. Ngoài ra, từ đầu tháng 4, nhiều doanh nghiệp mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ hoặc lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua khối lượng lớn. Đây cũng là một nguồn tiền bổ sung vào thị trường thay thế dòng vốn khối ngoại rút mạnh.
Song, ông Nguyễn Thế Minh cũng lưu ý thị trường có thể gặp trở ngại lớn khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự mạnh 810 điểm, áp lực bán mạnh nhiều khả năng sẽ xuất hiện. Nhà đầu tư tránh sử dụng margin và mua đuổi bởi đà tăng của thị trường có thể chỉ kéo dài 1 đến 2 tuần.
Người đồng hành