Khối ngoại mua ròng liên tục, cổ phiếu VNM lên cao nhất 9 tháng
Cổ phiếu VNM đã tăng khoảng 27% kể từ trung tuần tháng 6 và đang giao dịch quanh vùng giá cao nhất trong vòng 9 tháng.
- 05-09-2023Cổ phiếu Vinamilk tăng mạnh, thành viên thuộc SCIC muốn thoái sạch vốn
- 29-08-2023Động lực nào đẩy vốn hóa Vinamilk tăng 1,3 tỷ USD sau 2 tháng, ngoài bộ nhận diện thương hiệu mới?
Cổ phiếu VNM lên đỉnh 9 tháng
Khối ngoại mua ròng các tháng gần đây với giá trị hàng nghìn tỷ đồng góp phần đẩy cổ phiếu VNM tăng 27% từ đáy năm 2023, trở thành 1 trong những trụ đỡ đóng góp lớn nhất vào VN-Index trong 1 tháng trở lại đây.
Nhịp tăng mạnh đã đẩy thị giá VNM lên mức vùng đỉnh 9 tháng với 80.100 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 5/9), tương ứng vốn hóa thị trường vượt 167.405 tỷ đồng (khoảng 7 tỷ USD). So với đáy dài hạn xác nhận hồi giữa tháng 6, con số này đã tăng thêm 34.902 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD), tương đương mức tăng 27% sau chưa đầy 3 tháng.
Một trong những yếu tố hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu đầu ngành sữa là sự trở lại của khối ngoại. Với giao dịch tích cực từ đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã nối dài chuỗi mua ròng trên VNM lên 3 tháng liên tiếp với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng. Động thái quay trở lại của nhà đầu tư nước ngoài phần nào cho thấy sức hấp dẫn của doanh nghiệp đầu ngành sữa trong bối cảnh doanh nghiệp này đang có nhiều tiềm năng phát triển nhờ giá nguyên liệu giảm.
Đáy lợi nhuận đã qua, dự kiến biên lợi nhuận nửa cuối năm cải thiện tích cực
Theo Global Dairy Trade, giá sữa nguyên kem đang có xu hướng giảm mạnh đã bắt đầu giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của Công ty.
Theo bà Trần Hương Mỹ, Giám đốc Nghiên cứu, Ngành Hàng tiêu dùng, Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) chia sẻ trong một sự kiện gần đây, về tiềm năng dài hạn, khoảng cách thu nhập nên mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người Việt Nam đang ở mức thấp, chỉ là 21kg/người, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... “Nhưng trong 5 – 10 năm tới, kỳ vọng Việt Nam có thể bắt kịp các nước từ việc tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người sẽ là động lực tăng trưởng ngành sữa. Các doanh nghiệp sữa có xu hướng tăng mạnh vì mở rộng các sản phẩm sữa”, bà Trần Hương Mỹ cho biết.
Bên cạnh đó, Vinamilk vừa chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới sau gần 5 thập kỷ, cho thấy doanh nghiệp đã bước vào cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ với những bước đi táo bạo, quyết tâm.
Tái định vị thương hiệu chỉ là bước đầu trong chiến lược 5 năm tới của hãng, đi cùng đó là hàng loạt thay đổi trong chuyển đổi số, tuyển dụng nhân sự, quy trình quản trị,... với mục tiêu tiếp cận với người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, Vinamilk đang tiến hành thay đổi bao bì mới cho dòng sản phẩm sữa tươi 100%, Vinmilk Green Farm đến tất cả các đơn vị phân phối bao gồm kênh hiện đại và kênh truyền thống.
Vinamilk kỳ vọng việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sẽ có tác động tích cực vào kết quả kinh doanh của công ty trong nửa cuối năm nay. Đồng thời, biên lợi nhuận 6 tháng cuối năm có thể cao hơn cùng kỳ nhờ diễn biến thuận lợi của giá nguyên vật liệu.
Nhịp Sống Thị Trường