Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng trong tuần ETFs cơ cấu danh mục, tâm điểm bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng cổ phiếu VIC
Phiên 15/9, khối ngoại bất ngờ mua ròng trở lại trên toàn thị trường, nhưng giá trị mua ròng là không đáng kể so với mức bán ròng của các ngày còn lại. Đặc biệt, hai phiên 16-17/9 đồng loạt ghi nhận trạng thái bán ròng vượt mức 1.200 tỷ đồng.
Tuần giao dịch 13/9 - 17/9 chứng kiến nỗ lực của VN-Index để chinh phục ngưỡng cản mạnh 1.350 điểm. Thị trường vẫn tiếp nối xu hướng tích lũy, tuy các chỉ số có thời điểm đã hưng phấn tăng mạnh đến 10 điểm, song áp lực bán gia tăng nhanh chóng đã khiến thị trường "hạ nhiệt". Phiên cuối tuần ghi nhận VN-Index đã vượt cản 1.350 điểm thành công và giữ được trên vùng điểm này cho đến hết tuần giao dịch. VN-Index kết phiên 17/9 tại 1.352,64 điểm, tăng nhẹ 0,5% so với tuần trước đó.
Thanh khoản toàn thị trường bình quân của tuần giảm nhẹ so với tuần trước, xuống mức 26.845 tỷ đồng/phiên, trong đó giá trị giao dịch bình quân của nhà đầu tư nước ngoài đạt 4.833 tỷ đồng/phiên, chiếm 9% tỷ trọng toàn thị trường. Giá trị giao dịch khối ngoại tăng gần 1.200 tỷ đồng/phiên trong tuần này khi mà 3 quỹ ETFs thực hiện cơ cấu danh mục là FTSE Vietnam ETF, VNM ETF và Fubon FTSE Vietnam ETF.
Theo cập nhật mới nhất, FTSE Vietnam ETF thêm mới KDH và VCI; VNM ETF thêm mới 9 cổ phiếu Việt Nam, bao gồm THD, SAB, DGC, KDC, DIG, VND, DPM, PVS, SHS; trong khi Fubon FTSE Vietnam ETF thêm mới HSG, VND và VCI đồng thời loại PHR và PPC khỏi danh mục.
Trở lại với giao dịch khối ngoại tuần qua, đây vẫn là điểm trừ lớn bởi họ tiếp tục bán ròng 3.336 tỷ đồng, tương ứng khối lượng hơn 82 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua. Cụ thể hơn, tuần qua trên kênh khớp lệnh, khối ngoại bán ròng 2.953 tỷ đồng trên cả 3 sàn; trong khi bán ròng 383 tỷ đồng thông qua thỏa thuận.
Phiên 15/9, nhà đầu tư ngoại bất ngờ mua ròng trở lại trên toàn thị trường, nhưng giá trị mua ròng là không đáng kể so với mức bán ròng của các ngày còn lại. Đặc biệt, hai phiên 16-17/9 đồng loạt ghi nhận trạng thái bán ròng vượt mức 1.200 tỷ đồng.
Lực bán của khối ngoại tiếp tục dồn mạnh vào VIC, FUEVFVNF - chứng chỉ quỹ ETF nội lớn nhất Việt Nam DCVFM VNDiamond ETF và các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như HPG, VCB, SSI, NVL; ngược lại phía mua ròng tập trung tại các cổ phiếu THD, VND, SAB, QNS, DIG, PVS... Hầu hết top cổ phiếu được mua ròng đều nằm trong danh sách thêm mới của các quỹ ETFs.
Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục duy trì mạch bán ròng với giá trị tăng mạnh lên 4.220 tỷ đồng, trong đó 3.837 tỷ đồng được giao dịch thông qua khớp lệnh trên sàn, còn lại 383 tỷ đồng được bán ròng thông qua giao dịch thỏa thuận.
Tâm điểm giao dịch tuần này hiện diện trên cổ phiếu VIC khi bất ngờ bị khối ngoại bán ròng tới 1.553 tỷ đồng, thậm chí trong phiên 16/9 bị xả ròng lên tới xấp xỉ 13 triệu đơn vị. Dựa theo cơ cấu cổ đông ngoại tại VIC, các tổ chức có thể bán ra lượng lớn cổ phiếu như vậy gồm SK Investment Vina II Pte. Ltd (sở hữu 200 triệu cổ phtếu) và Credit Suisse (sở hữu 48,3 triệu cổ phiếu). Áp lực xả hàng đột biến của khối ngoại khiến thị giá VIC tuần qua đã giảm gần 5% xuống mức 86.800 đồng/cổ phiếu, tạo nên lực đè lớn nhất cho VN-Index.
Bên cạnh đó, chứng chỉ quỹ nội FUEVFVND cũng bị bán ròng 366 tỷ đồng. Các ETFs không nắm giữ chứng chỉ này do đó đây sẽ là hoạt động của các nhà đầu tư ngoại. Thống kê cho thấy, phần lớn lượng vốn rút khỏi FUEVFVND thời gian qua đến từ Pyn Elite Fund.
Các cổ phiếu khác bị bán ròng trên 200 tỷ đồng trong tuần còn có HPG (294 tỷ đồng), VCB (271 tỷ đồng), SSI (249 tỷ đồng), NVL (245 tỷ đồng), STB (236 tỷ đồng)...
Ở chiều mua, VND - cổ phiếu thuộc danh mục thêm mới của cả VNM ETF và Fubon FTSE Vietnam ETF trong tuần này đã được mua ròng nhiều nhất với 175 tỷ đồng. Số liệu chốt ngày 17/9 cho biết Fubon FTSE Vietnam ETF đang nắm giữ 1,32 triệu cổ phiếu VND. Ngoài ra, danh sách mua ròng còn có các cổ phiếu khác thuộc thêm mới của VNM ETF như SAB (132 tỷ đồng), DIG (97 tỷ đồng, DGC (76 tỷ đồng)...
Top mua/bán ròng trên sàn HoSE tuần 13-17/9
Điểm sáng trên sàn HNX với việc khối ngoại trở lại mua ròng 737 tỷ đồng trên toàn thị trường. Chủ yếu giao dịch đến từ kênh khớp lệnh với giá trị mua ròng xấp xỉ 737 tỷ đồng, trong khi mua ròng 1 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận.
Động lực cho đà mua ròng của nhà đầu tư ngoại chính là việc các cổ phiếu được các quỹ ETFs thêm mới vào danh mục. Trong đó, nổi bật là giá trị mua ròng đột biến của cổ phiếu THD với 2,6 triệu đơn vị tương ứng 600 tỷ đồng ngay từ những ngày đầu tuần - dẫn đầu top mua trên toàn thị trường tuần qua. Phần lớn giao dịch này đến từ VNM ETF.
Ngoài ra, hai cổ phiếu sàn HNX khác được thêm mới vào VNM ETF là PVS và SHS cũng được khối ngoại mua ròng lần lượt 91 tỷ đồng và 54 tỷ đồng. Một số cổ phiếu khác được nhà đầu tư ngoại rót ròng còn có CEO, EID, DL1, VCS...
Giao dịch chiều bán không có điểm gì cần chú ý khi không có mã cổ phiếu nào bị bán ròng trên 10 tỷ đồng trong tuần qua. PLC bị là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với giá trị 6 tỷ đồng, nhà đầu tư ngoại cũng bán ròng các mã API (5 tỷ đồng). BII (4 tỷ đồng), VNR (3 tỷ đồng), NVB (3 tỷ đồng), CDN (3 tỷ đồng)...
Top mua/bán ròng trên sàn HNX tuần 13-17/9
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận giá trị mua ròng 147 tỷ đồng, nổi bật là mã cổ phiếu QNS khi được rót ròng tới 108 tỷ đồng.
Không chỉ lãnh đạo QNS tiến hành gia tăng sở hữu, nhà đầu tư ngoại cũng mạnh tay mua ròng cổ phiếu QNS khi thị giá QNS đang tăng khá mạnh. Trên thị trường, đóng cửa phiên 17/9, cổ phiếu QNS tiếp tục tăng lên mức 54.000 đồng/cp, tăng hơn 30% sau 2 tháng giao dịch. Ngoài ra, dòng vốn ngoại vẫn tìm đến cổ phiếu ACV với giá trị rót ròng 31 tỷ đồng. ACV là một trong số các cổ phiếu hàng không đã tăng giá tốt gần đây nhờ thông tin về kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ chở khách.
Tại phía ngược lại, giá trị bán ròng chung trên sàn UPCoM ghi nhận giảm đáng kể. Cổ phiếu HPP trong tuần này bị bán ròng nhiều nhất với giá trị bán ròng đạt 4 tỷ đồng, bên cạnh đó, VEA và VGI đều ghi nhận giá trị bán ròng khoảng 3 tỷ đồng. Một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có MML, LTG, AMS, DDV, MCH...
Top mua/bán ròng trên sàn UPCoM tuần 13-17/9