Khởi nguyên ngành chăn gà Mỹ: Từ sự nhầm lẫn cách đây 100 năm đến ngành công nghiệp 46 tỷ USD
Ít ai biết được rằng khởi nguyên của ngành chăn gà công nghiệp Mỹ lại bắt nguồn từ một sự nhầm lẫn cách đây 100 năm.
- 12-02-2023Mỹ thúc giục điều tra về lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng của Hyundai
- 12-02-2023Bất ngờ với tài sản của top 1% người giàu ở Mỹ - Gấp bao nhiêu lần so với top 1% người giàu nhất Việt Nam?
- 12-02-2023Chuyện ít biết về loại kẹo nổi tiếng nhất Trung Quốc: Làm quà tặng cho Tổng thống Mỹ nhưng đã có lúc bị thu hồi trên khắp thế giới
Theo tờ The Vox, nền văn minh của nước Mỹ không bắt đầu từ những tòa nhà chọc trời, những chiếc iPhone hay ô tô mà là từ những con gà.
Lý do vô cùng đơn giản, người Mỹ cũng như toàn thể nhân loại tiêu thụ quá nhiều thịt gà. Riêng trong năm 2020, toàn cầu đã tiêu thụ hơn 70 tỷ con gà, cao gần 9 lần so với chỉ 8 tỷ con gà bị thịt năm 1965.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ tháng 4/2022 cho thấy tổng doanh số bán trứng và thịt gia cầm tại Mỹ đạt 46,1 tỷ USD, cung cấp khoảng 2 triệu việc làm và tạo thêm 566 tỷ USD cho nền kinh tế.
Thậm chí trong giải Super Bowl LVII, người Mỹ tiêu thụ bình quân 1,45 tỷ cánh gà một buổi tối chỉ để xem trận đấu.
Tuy nhiên ít ai biết được rằng khởi nguyên của ngành chăn gà công nghiệp Mỹ lại bắt nguồn từ một sự nhầm lẫn cách đây 100 năm.
Bà Cecile Steele (ngoài cùng bên phải) cùng các con
Gửi nhầm
Năm 1923, bà Cecile Steele là một nông dân ở Ocean View-Delaware-Mỹ và cũng tương tự như bao trang trại nhỏ khác thời đó, gia đình này chăn nuôi gà manh mún, cá thể chỉ để lấy trứng cho tiêu thụ cá nhân. Khi gà đã già và không thể đẻ trứng thì mới đem thịt.
Thời điểm này chưa có bất kỳ một trang trại cỡ lớn nào hay thậm chí là việc chăn nuôi gà số lượng lớn cũng chẳng có. Nguyên nhân chính là người dân chủ yếu nuôi gà để lấy trứng chứ không phải ăn thịt. Trước thập niên 1920, công nghệ kém khiến việc vận chuyển và bảo quản khó khăn, qua đó làm những chú gà trở thành thứ mặt hàng không đáng đầu tư.
Thế rồi vào một ngày đẹp trời, trại ấp trứng gà địa phương bất ngờ giao nhầm 500 con gà, nhiều gấp 10 lần so với số đơn hàng mà bà Steele đặt.
Con số 500 là quá lớn so với khả năng chăn nuôi của gia đình Steele bởi ngay cả trang trại cỡ lớn thời đó cũng chỉ nuôi được đến 300 con. Trả lại hàng thì không thể bởi các giao dịch thời kỳ này không thoải mái như hiện nay. Vậy là bà Steele buộc phải nuôi đàn gà 500 con này trên sân nhà rộng 24m2.
Sau 4 tháng rưỡi, hơn 100 con gà đã chết nhưng bất ngờ thay 400 con gà còn lại đem lại thu nhập lớn cho bà Steele. Theo tính toán, mỗi kg gà đem lại lợi nhuận 22 USD theo tỷ giá hiện nay đã tính kèm lạm phát, qua đó tạo nên một khoản tiền khá lớn cho gia đình Steele. Những chú gà sống sót không chỉ đẻ trứng mà còn có thể bán lấy thịt.
Ngay lập tức, chồng của Steele là ông David Wilmer Steele đã bỏ việc ở đội cứu hộ bờ biển để quay về giúp vợ chăn gà. Chỉ trong 3 năm, gia đình này đã mở rộng đàn gà lên 10.000 con với mức lợi nhuận khổng lồ.
Tàu chở gà tại Delaware
Những lời đồn thổi về trang trại nhà Steele bay nhanh và đến năm 1928 đã có hàng trăm trang trại mọc lên khắp nước Mỹ. Điều đáng chú ý là những trang trại này chủ yếu nuôi gà lấy thịt chứ không phải trứng, vốn là điều chưa từng có trước đây.
Ngày nay, 10.000 con gà chẳng có gì đặc biệt khi một tổ hợp chuồng gà công nghiệp có thể nuôi đến 40.000 con và một trang trại thường sở hữu vài tổ hợp như vậy. Tuy nhiên ở thời của bà Steele, 10.000 con gà đã là rất lớn.
Bên cạnh đó, sự bắt đầu bùng nổ công nghệ, thập niên 1920 vàng son của nước Mỹ nở rộ khiến sự phát triển công nghệ tủ lạnh, giao thông, những chuỗi siêu thị khiến vô số dòng tiền đầu tư đổ vào nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Tăng trưởng kinh tế thần tốc của Mỹ thời kỳ này khiến người dân có nhiều tiền trong túi hơn, sẵn sàng chi tiêu hơn và yêu cầu thực phẩm tốt hơn như...thịt gà.
Thế rồi kỹ thuật chăn nuôi cũng nở rộ khi vào năm 1922, Vitamin D được phát hiện và nó đóng vai trò to lớn trong việc chữa bệnh còi xương gà. Thời kỳ đó, những chú gà thường được cho vào chuồng gỗ vào mùa đông khiến nhiều con bị còi xương và chết đi. Việc thiếu Vitamin D cũng như ánh nắng mặt trời khiến sản lượng chăn nuôi không được như ý.
Tuy nhiên bằng việc cho thêm Vitamin D vào khẩu phần thức ăn gà, người nông dân có thể gia tăng được sản lượng bất chấp những ngày mùa đông, qua đó gia tăng được quy mô trang trại.
Theo tờ Vox, một yếu tố nữa là khu vực Delmarva Peninsula mà trang trại của bà Steele đặt có vị thế rất lớn. Bất động sản ở đây thời kỳ đó rất rẻ, lại gần những thị trường khát thịt gà như Washington, Baltimore, Philadelphia hay New York City.
Như vậy, bằng một sự gửi nhầm, gia đình Steele đã bất ngờ tạo nên một cuộc cách mạng chăn gà công nghiệp ở Mỹ thập niên 1920. Trong nửa đầu thế kỷ 20, thịt gà chỉ chiếm chưa đến 20% lượng thịt tiêu thụ của người Mỹ thì ngày nay nó đã đạt 44%.
Qua thời gian, thịt gà dần lấy được lợi thế khi chúng tốt cho sức khỏe người dùng hơn khác loại thịt khác, chi phí chăn nuôi rẻ hơn, giá bán cũng cạnh tranh. Hiện giá bán thịt lợn hay bò tại các siêu thị Mỹ dao động khoảng 4-10 USD/pound (tương đương 0,5kg) thì thịt gà chỉ vào khoảng 1,8 USD/0,5kg. Mặc dù thịt xông khói và thịt bò nướng là những món ưa thích của người dân nhưng khi bàn về nên ăn tối với gì thì thịt gà vẫn là lựa chọn số 1 về chi phí.
Quay trở lại câu chuyện của bà Steele, điều đáng tiếc là vợ chồng nhà này không kịp sống để chứng kiến thành quả của mình. Sau khi kiếm được lượng lớn tài sản từ nghề chăn gà, cặp đôi này đã mua một chiếc thuyền buồm trị giá 10.000 USD để đi du lịch. Tháng 10/1940, một vụ tai nạn nổ thuyền đã diễn ra khiến ông bà Steele thiệt mạng.
Nuôi để thịt
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng nhiều học giả cho rằng khởi nguyên của loài gà bắt nguồn từ Đông Nam Á mà cụ thể là cách đây 3.000 năm tại Thái Lan. Thế rồi giống loài này lan truyền dần qua Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Bắc Phi, Italy, Anh rồi đến Mỹ. Những dữ kiện lịch sử cho thấy loài gà đặt chân lần đầu tiên lên Châu Mỹ vào năm 1943 theo cuộc thám hiểm lần thứ 2 của Chistopher Columbus.
Thậm chí một số học giả nghiên cứu còn cho rằng ban đầu gà được nuôi là để tham gia thi đấu (gà chọi) hơn là đẻ trứng và lấy thịt. Tại thành phố Pergamum cổ của Hy Lạp còn xây dựng cả một đấu trường gà chọi.
Quay trở lại ngành gà, dù có cuộc cách mạng của gia đình nhà Steele vào thập niên 1920 nhưng ngành chăn gà đóng vai trò khá nhỏ bé cho nông nghiệp Mỹ so với chăn bò và lợn cho đến tận thập niên 1940.
Hơn 20 năm kể từ khi nhà Steele cho thấy lợi nhuận từ việc nuôi gà lấy thịt, cả một chuỗi cung ứng về chăn gà mới dần phát triển đồng bộ và vào năm 1946, thị trường bắt đầu đòi hỏi giống gà cho nhiều thịt hơn.
Tổ chức “The Chicken of Tomorrow” được thành lập với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhân viên chính phủ, doanh nhân ngành thịt... để phát triển một giống gà mới cho nhiều thịt hơn là giống hiện nay chủ yếu để lấy trứng.
Trong số 40 giống gà từ các trang trại, gia đình nhà Charles Vantress đến từ bang California chiến thắng. Ngay sau đó, giống gà nhà Vantress bắt đầu tràn ngập thị trường Mỹ để rồi thương hiệu này được bán cho tập đoàn Tyson Foods vào năm 1974.
Sau khi Tyson sát nhập với đối thủ Cobb để thành lập Cobb Vantress vào năm 1986, công ty mới đã thống trị không chỉ Mỹ mà còn ảnh hưởng đến toàn cầu. Năm 2016, một nửa số giống gà lấy thịt trên thế giới là đến từ nguồn Cobb500 của tập đoàn này.
Bên cạnh đó, kỹ thuật chăn nuôi cũng phát triển nhờ sự bùng nổ của công nghệ. Kể từ khi Alexander Fleming phát minh ra kháng sinh Penixilin vào năm 1928 thì sau 20 năm, loại thuốc này đã được các nhà chăn nuôi ứng dụng cho gà nhằm chống bệnh dịch cũng như tăng trưởng nhanh hơn.
Thập niên 1970, sự gia tăng béo phì, tiểu đường khiến nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người dân Mỹ nên ăn gia cầm và cá thay cho thịt bò, lợn. Trong khoảng 1970-2019, lượng tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người tại Mỹ đã giảm 28% nhưng thịt gà lại tăng 173%.
Thế rồi các nhà hàng, chuỗi đồ ăn nhanh như KFC cũng vào cuộc, biến thịt gà thành ngành công nghiệp thực phẩm, dịch vụ béo bở. Năm 2019, người Mỹ tiêu thụ bình quân 2,3 tỷ suất thịt gà chiên (Chicken Nugget) mỗi năm. Quốc gia này sẻ thịt khoảng 9 tỷ con gà mỗi năm, tương đương 24,7 triệu con gà bị giết mỗi ngày.
Gà “lười”
Theo Vox, ngành chăn gà đã có những thay đổi chóng mặt trong suốt những năm qua. Phần lớn trong số 9 tỷ con gà bị sẻ thịt mỗi năm ở Mỹ hiện nay đều chỉ đứng im trên chính những đống phân của mình. Không phải những con gà này quá lười mà với tốc độ vỗ béo quá nhanh, chúng gần như chẳng thể đi nổi.
Nhờ việc chọn giống của “The Chicken of Tomorrow” mà những chú gà lấy thịt ngày nay ngày càng to khỏe nhưng chân yếu. Trước đây một con gà cần 84 ngày để vỗ béo đạt 1,4kg theo tiêu chuẩn thị trường để có thể bán lấy thịt thì nay chỉ cần 42 ngày và trọng lượng cũng nặng gấp đôi.
Một nghiên cứu tại Canada đã lấy giống gà năm 1957, 1978 và 2005 ra để cùng nuôi như nhau trong 56 ngày. Kết quả là giống gà năm 1957 nặng 0,9 kg, giống năm 1978 nặng 1,8kg còn giống năm 2005 nặng tới 4,2kg.
Trong suốt 50 năm qua, dù dân số Mỹ tăng trưởng nhưng số bò nuôi và lấy thịt hàng năm lại giảm vài triệu con. Trái lại, số lượng gà lại tăng thêm 6 tỷ con. Vào năm 1970, mỗi người Mỹ sẽ tiêu thụ 16 con gà và 1/5 con bò mỗi năm thì đến năm 2020, con số này là 23,5 con gà và chưa đến 1/10 con bò.
Tuy nhiên liệu thịt gà có giữ được vị trí của nó hay không còn là một câu hỏi bởi theo Vox, sự trỗi dậy của ngành thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm trước những nỗi lo về hủy hoại môi trường bởi nông nghiệp có thể làm thay đổi mọi thứ trong tương lai.
*Nguồn: Vox
Nhịp sống thị trường