MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khơi thông nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, chia sẻ áp lực với thị trường tiền tệ

26-07-2023 - 19:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, chia sẻ sức ép cho kênh tín dụng ngân hàng là mục tiêu mà các cơ quan quản lý hướng đến.

Bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác 

Chia sẻ tại “Đối thoại tháng 7: Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức sáng ngày 26/7/2023, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, kinh tế thế giới suy thoái, cục bộ tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

Khơi thông nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, chia sẻ áp lực với thị trường tiền tệ - Ảnh 1.

Đối thoại tháng 7: Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, trong nước, giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đầu tư công chưa thể có đột phá. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn, nhân sự, chi phí đầu vào và đầu ra/đơn hàng thu hẹp…. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng vẫn gặp nhiều thách thức; nợ xấu gia tăng…

Đặc biệt, quy mô và chất lượng thị trường vốn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng.

Khơi thông nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, chia sẻ áp lực với thị trường tiền tệ - Ảnh 2.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện đang ở mức 126%, là mức cao nhất trong các nước đang phát triển. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn.

Do đó, bên cạnh tín dụng ngân hàng, ông Quang nhấn mạnh, cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác như thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp...

Khơi thông nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, chia sẻ áp lực với thị trường tiền tệ - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích, trong bối cảnh thực tế thị trường vốn trầm lắng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước vào thời kỳ tái cấu trúc, áp lực huy động vốn dồn lên thị trường tiền tệ là rất lớn.

Tuy nhiên, ngân hàng chỉ đóng vai trò là nguồn vốn bổ sung. Cần thiết đưa thị trường chứng khoán phát triển để giúp giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng về cung cấp vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp.

3 động lực chính để khơi thông nguồn vốn

Chính phủ đã và đang tích cực phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm đưa nguồn vốn lan toả trong nền kinh tế.

Theo ông Phạm Chí Quang, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đang dư thừa, điều quan trọng là làm sao để vốn tín dụng “ngấm” vào doanh nghiệp và nền kinh tế.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, 3 động lực chính để khơi thông nguồn vốn tín dụng trong bối cảnh hiện tại là đầu tư công, xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo đó, đầu tư công vẫn còn khó khăn, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân. Trong khi đó, xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm tốc cho thấy nền kinh tế đang co rút, GDP đang thu hẹp. Điều này dẫn tới tổng cầu giảm, nhu cầu vốn tín dụng cũng giảm theo.

Về nhu cầu tiêu dùng trong nước, thị trường việc làm ảm đạm hiện nay không kích thích được tiêu dùng. Thống kê sơ bộ cho thấy, trên 95% doanh nghiệp tại Việt Nam hiện là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chịu tác động rất lớn, khả năng tiếp cận vốn ngày càng thu hẹp.

Trước thực trạng đó, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có hai chính sách then chốt để tăng cường khả năng hấp thụ vốn tín dụng là Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Còn đối với thị trường vốn, ông Quang chỉ rõ, thị trường chứng khoán thời gian qua đã có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiêp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn. Cần có chính sách điều phối hài hoà, để làm sao thị trường này sôi động trở lại, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Khơi thông nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, chia sẻ áp lực với thị trường tiền tệ - Ảnh 4.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thì không những cần phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá mà cải cách thể chế cũng là vấn đề mấu chốt rất cần được quan tâm.

Ông Hiếu lý giải, nếu cải cách được thể chế sẽ nâng cao khả năng hấp thụ các quyết sách của chính phủ, bên cạnh đó cắt giảm được chi phí, tiết kiệm được nguồn lực và thời gian. Ngược lại, nếu thể chế không tốt, các chính sách sẽ kém hiệu quả. Liên tiếp hai tuần gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện nhấn mạnh về việc cải cách thể chế, ngay sau đó là Nghị quyết 105/NQ-CP cũng khẳng định sự cần thiết của việc cắt giảm các thủ tục hành chính.

Đồng quan điểm với ông Phan Đức Hiếu, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cải cách thể chế là vấn đề cốt lõi, nếu tháo gỡ được vướng mắc về cải cách thể chế thì các chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá sẽ phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn.

Chia sẻ tại buổi đối thoại, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán gần đây có phục hồi, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt. Tháng 7 tăng 16% so cuối năm 2022, quy mô vốn hóa thị trường đến nay đạt 64% so với GDP. Điều này cho thấy các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách hỗ trợ khác đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Chân Phương khẳng định, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, chia sẻ sức ép cho kênh tín dụng ngân hàng. Trong đó, chú trọng tăng chất lượng hàng hóa cho thị trường nhằm nhanh chóng khôi phục niềm tin nhà đầu tư, đảm bảo nền tảng vững chắc để thị trường phát triển bền vững trong dài hạn.

Theo Quỳnh Lê

Thị trường Tài chính Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên