"Không bao giờ là quá muộn để nói lời xin lỗi..."
Ông Obama cần đưa ra một lời xin lỗi vì việc sử dụng bom nguyên tử là tội ác và vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, người đă nhận được giải Nobel vì hoà bình năm 2009, sẽ giành được tín nhiệm cao hơn nếu thực hiện điều đó.
- 11-05-2016Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm Hiroshima
- 14-09-2015Cái giá thực sự đằng sau thỏa thuận hạt nhân với Iran
- 06-08-2012Nhật tưởng niệm vụ ném bom nguyên tử Hiroshima
Hiroshima là cái tên quen thuộc bởi nó gợi nhớ về thảm hoạ bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới trong Thế Chiến thứ hai. Thành phố xinh đẹp này của Nhật đã hứng chịu một cuộc tấn công bằng bom nguyên tử của quân đội Mỹ vào tháng 8/1945, cướp đi 140.000 sinh mạng.
Do vậy, chuyến thăm Hiroshima sắp tới của tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi Nhà Trắng công bố đặc biệt thu hút sự quan tâm trên thế giới. Đây là chuyến viếng thăm Hiroshima đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm sau khi chiến tranh đã qua đi được 71 năm.
Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Obama sẽ đến thăm Nhật và Việt Nam từ ngày 21/5 đến 28/5. Trong chuyến thăm thứ 10 đến châu Á trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Obama sẽ cùng thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến Hiroshima đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân của cuộc ném bom nguyên tử vào ngày 27/5.
Đã từ lâu Nhật Bản kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đến thăm Hiroshima và Nagasaki để thấy những ảnh hưởng của các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử và cùng nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân.
Mặc dù tổng thống Obama không chỉ đến thăm Hiroshima mà mục đích chính chuyến công du đến Nhật lần này của ông là để tham dự cuộc họp các nhà lãnh đạo G7 tại Ise-Shima, song chuyến thăm này vẫn gây tranh cãi nảy lửa ở Mỹ. Ban đầu, tổng thống Obama chịu sự công kích từ các chính khách từ phe đối lập vì cho rằng ông Obama đang nhún nhường để thực hiện "một tour xin lỗi".
Nhà Trắng đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng sẽ không có bất kỳ lời xin lỗi nào được đưa ra vì tổng thống Obama không cho rằng Mỹ nợ Nhật một lời xin lỗi. Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest, chuyến thăm này làm nổi bật cam kết của Tổng thống Obama trong việc duy trì hoà bình và an ninh cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Song sự lo ngại lại đến từ những cựu chiến binh Mỹ đã tham gia Thế chiến lần thứ II. Đó là những người tù trong chiến tranh (mà theo họ hàng nghìn tù binh chiến tranh Mỹ đã bị tra tấn dã man tại Nhật) và những người làm việc trong quân đội Mỹ trước đây với những nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh đã qua. Họ lo sợ rằng sự hy sinh của họ sẽ bị lãng quên và chuyến thăm của tổng thống Mỹ có thể làm thổi bùng lên những tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nhật.
Hơn nữa, chuyến viếng thăm này diễn ra chỉ một vài tháng trước khi nước Mỹ kỷ niệm 75 năm ngày quân Nhật tấn công vào Trân Châu Cảng, thuộc bang Hawaii là quê hương của ông Obama.
Vào tháng 4, chủ tịch Hội Tưởng nhớ các Chiến sỹ bảo vệ các căn cứ Bataan và Corregidor Mỹ, Jan Thompson, đã viết thư gửi tổng thống Obama để đề nghị tổng thống "trước khi đi thăm Hiroshima trước hết hãy thực hiện một lễ tưởng niệm cảm động dành cho những người Mỹ đã thiệt mạng ở Nhật." Theo bà Thompson, tưởng nhớ những nạn nhân Hiroshima mà lãng quên những người "hy sinh vì nước Mỹ” là một điều khó có thể chấp nhận đối với nhiều cựu chiến binh. Bà nói: "Các cựu chiến binh tôi được tiếp chuyện không phản đối tổng thống đi thăm Hiroshima. Song họ rất lo sợ rằng họ đang dần bị lãng quên”.
Ngoài ra, những người Mỹ lo ngại về chuyến thăm Hiroshima cho rằng nguyên nhân dẫn đến những cuộc tấn công Hiroshima và Nagasaki là vì theo họ Nhật chính là nước khơi mào ra chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Theo ông Alexander Freund, nhà phân tích thuộc hãng truyền hình và phát thanh quốc tế DW (Đức), mỗi nước cần phải có cách đối mặt với quá khứ và ông tự hào là người Đức vì nước Đức đã thừa nhận tội lỗi của mình sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Việc thừa nhận tội lỗi là tiền đề để xin lỗi và chỉ khi đó mới có thể có sự đồng lòng nhất trí. Xin lỗi cũng là một biểu hiện của sức mạnh.
Ông Freund cho rằng sau 71 năm và với hai chuyến viếng thăm "lịch sử” mà không có lời xin lỗi nào được đưa ra thì là quá chậm song không bao giờ là quá muộn để nói lời xin lỗi. Theo ông Freund, ông Obama cần đưa ra một lời xin lỗi vì việc sử dụng bom nguyên tử là tội ác và vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, người đă nhận được giải Nobel vì hoà bình năm 2009, sẽ giành được tín nhiệm cao hơn nếu thực hiện điều đó.