MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không cần thực phẩm chức năng, chỉ áp dụng những điều này, máu trong cơ thể ắt "tự sạch"

04-10-2018 - 10:47 AM | Sống

Máu thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi mọi người đang tìm cách làm sạch máu, để hệ thống này không chứa chất thải và độc tố.

Có cần một chế độ dinh dưỡng hoặc sản phẩm đặc biệt để làm sạch máu không?

Hệ thống máu có trách nhiệm vận chuyển tất cả các loại vật liệu đi khắp cơ thể, từ oxy đến hóc-môn, các yếu tố đông máu, đường, chất béo và các tế bào của hệ thống miễn dịch.

Thật sự không cần phải đầu tư một chế độ làm sạch máu tốn kém hoặc mua hàng tấn thực phẩm chức năng thải độc để giúp hệ thống máu sạch, không chứa các chất độc và cặn bã.

Bộ phận gan và thận đã làm tròn nhiệm vụ là thanh lọc máu bằng cách loại bỏ và phá vỡ chất thải. Vì vậy, sự đầu tư tốt nhất để làm sạch máu tự nhiên là tìm cách giúp 2 bộ phận thiết yếu này hoạt động hiệu quả.

3 nhiệm vụ chính của máu

- Vận chuyển: Máu vận chuyển các khí như oxy và carbon dioxide đến và đi từ phổi và phần còn lại trong cơ thể. Máu cũng đưa các chất dinh dưỡng từ đường tiêu hóa đến phần còn lại của cơ thể, và vận chuyển các chất thải, hóc-môn và các tế bào khác.

- Bảo vệ: Máu bao gồm chứa các tế bào máu trắng phá hủy các vi sinh vật xâm nhập, cũng như các yếu tố tiểu cầu để đông máu và giảm thiểu mất máu do chấn thương.

- Điều tiết: Máu giúp điều chỉnh độ pH, cân bằng nước và nhiệt độ trong cơ thể.

Máu nhận rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, do đó không có gì ngạc nhiên khi mọi người đang tìm cách để giữ cho máu không chứa chất thải và độc tố.

Rất may mắn, cơ thể đã có một hệ thống để chăm sóc quá trình thanh lọc và loại bỏ chất thải ra khỏi máu, cụ thể là gan và thận.

- Gan: Gan nằm ở vùng bên phải của bụng trên, kéo dài đến giữa. Bộ phận này giúp chuyển đổi thực phẩm thành năng lượng. Nó cũng chuyển đổi các độc tố như rượu, kim loại có hại và thuốc thành các chất vô hại và đảm bảo chúng bị loại ra khỏi cơ thể.

- Thận: Hai cơ quan hình hạt đậu có trách nhiệm lọc máu và loại bỏ chất thải.

Quá trình thanh lọc tự nhiên của cơ thể cũng liên quan đến hệ thống ruột, da, lá lách và hệ bạch huyết.

Bạn sẽ đọc được nhiều thông tin vô căn cứ về các thực phẩm chức năng được cho là có thể làm sạch và thanh lọc máu. Những thành phần trong những thực phẩm chức năng này có thể làm sạch máu bằng cách hỗ trợ chức năng gan và thận nhưng không có bằng chứng cho thấy chúng tác động trực tiếp vào việc loại bỏ chất thải và chất độc ra khỏi máu.

Những thực phẩm tốt nhất để "thanh lọc" máu tự nhiên

Thực tế, không có siêu thực phẩm nào có thể giúp các bộ phận thanh lọc máu trong cơ thể. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh tổng thể bao gồm nhiều trái cây và rau củ là một sự khởi đầu tuyệt vời.

Những thực phẩm dưới đây đã được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực đến chức năng của gan và thận để làm sạch và lọc ra chất thải và độc tố khỏi máu:

1. Nước

Hiện tại, các tốt nhất để tăng cường hiệu quả của thận là uống đủ nước. Thận phụ thuộc vào nước để loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.

Nước cũng giúp giữ cho các mạch máu giãn nở, từ đó máu có thể di chuyển thuận lợi hơn. Thiếu nước nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương thận.

Nước tiểu nên có màu vàng nhạt hoặc không màu trong suốt cả ngày. Theo Hiệp hội Thận quốc gia Mỹ, bạn nên sản xuất không quá 3.000ml nước tiểu mỗi ngày.

Mỗi người có một nhu cầu uống nước khác nhau. Nhưng thông thường, bạn nên uống 8 cốc nước/ngày. Nhưng bạn cũng có thể có nhu cầu nhiều hơn nếu bạn tập luyện thể thao hoặc cân nặng hơn. Nam giới thường cần nhiều nước hơn phụ nữ.

2. Các loại rau họ cải

Đó là súp lơ, cải bắp, bông cải xanh, cải Brussels. Những người bị bệnh thận nên ăn nhiều các loại rau họ cải này, bởi chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa và đặc biệt giàu dinh dưỡng. Khoa học chứng minh chúng còn giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư thận.

Hơn nữa, bạn rất chế biến những thực phẩm này rất dễ dàng, linh hoạt: ăn sống, hấp, nướng, xào hoặc làm thành món súp, canh.

3. Quả việt quất, nam việt quất

Quả việt quất cực kỳ giàu chất chống oxy hóa, vốn có thể bảo vệ gan không bị tổn thương. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy loại quả này có thể giúp gan khỏe mạnh. Bạn có thể ăn quả việt quất tươi hoặc đông lạnh, trộn với sữa chua, yến mạch hoặc xay sinh tố.

Còn quả nam việt quất rất có lợi cho đường tiểu. Các nhà khoa học phát hiện loại quả này ngăn ngừa vi khuẩn tấn công vào đường tiết niệu, từ đó giúp thận không bị nhiễm trùng.

Để hưởng được hết những lợi ích sức khỏe của nam việt quất, đơn giản bạn có thể thêm 1 nắm quả tươi trộn với yến mạch, xay sinh tố hoặc thậm chí làm salad.

4. Cà phê

Uống cà phê có tác dụng bảo vệ gan. Các nghiên cứu cho thấy uống cà phê làm giảm nguy cơ xơ gan ở những người mắc bệnh gan mãn tính và cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư gan.

Cà phê có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn ở những người mắc bệnh gan mãn tính và đáp ứng tốt hơn với điều trị kháng virus ở những người bị viêm gan C. Lí do là cà phê có khả năng ngăn chặn sự tích tụ chất béo và collagen trong gan.

5. Tỏi

Là một loại gia vị nhằm tăng hương vị cho món ăn, dù ở dạng tép hay dạng bột, tỏi cũng mang lại lợi ích sức khỏe. Thực phẩm này có đặc tính kháng viêm và có thể giúp giảm cholesterol và huyết áp. Huyết áp cao có thể gây hại cho các mạch máu trong thận, do đó, bạn nên kiểm soát huyết áp.

6. Một số trái cây như bưởi và táo

Bưởi chứa nhiều chất chống oxy hóa nên giúp kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể, bảo vệ gan khỏi bị tổn thương và tác hại của rượu.

Trong khi đó, táo giàu chất xơ hòa tan cao được gọi là pectin. Chất xơ hòa tan giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Vì lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương thận nên bạn cần kiểm soát vấn đề này.

7. Cá

Một số loại cá như cá hồi, cá ngừ hoặc cá mòi có nhiều axit béo omega-3. Các axit béo Omega-3 đã được chứng minh là làm giảm nồng độ triglyceride trong máu và hạ huyết áp, 2 chỉ số giúp gan và thận.

Nên nhớ cá cũng chứa nhiều protein. Nếu bạn bị bệnh thận, hãy hạn chế tiêu thụ những thực phẩm giàu protein.

Không cần thực phẩm chức năng, chỉ áp dụng những điều này, máu trong cơ thể ắt tự sạch - Ảnh 1.

Các loại thảo mộc tốt cho gan và thận

Nhiều loại thảo mộc có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn nên tránh uống nhiều chất chiết xuất từ ​​thảo mộc vì chúng có thể gây hại cho thận. Bạn nên tránh tất cả thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược nếu bị bệnh thận hoặc gan.

Trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống hoặc kế hoạch bổ sung sức khỏe.

1. Gừng

Gừng có thể giúp cải thiện tình trạng kiểm soát lượng đường trong cơ thể. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gừng có thể giúp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Bạn có thể sử dụng gừng tươi hoặc bột gừng để tăng hương vị cho một số món ăn hoặc uống trà gừng.

2. Trà xanh

Các nghiên cứu cho thấy uống trà xanh có thể cải thiện sức khỏe của gan, giảm lượng chất béo trong gan, và có thể chống ung thư gan. Những người uống tối thiểu 4 cốc/ngày sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất.

3. Mùi tây

Nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng mùi tây cũng có thể giúp bảo vệ gan. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng thảo mộc này rất lợi tiệu, từ đó giúp thận loại bỏ được nhiều chất độc hơn.

4. Bồ công anh

Bồ công anh hoạt động như một thuốc lợi tiểu, điều này sẽ giúp lọc chất thải ra khỏi máu. Ít nhất một nghiên cứu gần đây cũng đã tìm thấy rằng bồ công anh cũng tốt cho gan.

Cách tốt nhất để thưởng thức bồ công anh là pha trà bằng lá bồ công anh, hoa hoặc rễ.

Kết luận

Bạn không cần mua các thực phẩm chức năng hoặc thực hiện một chế độ nghiêm ngặt để cho hệ thống máu trong cơ thể sạch sẽ. Bản thân cơ thể cũng đã có một hệ thống thanh lọc riêng.

Và những gì bạn cần làm là duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng giàu trái cây, rau củ và bổ sung đủ nước. Bạn cũng nên hạn chế uống rượu. Từ đó, thận và gan sẽ hoạt động hiệu quả.

* Theo Healthline

Theo Hoàng Hương

Trí thức trẻ

Trở lên trên