MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khống chế chi phí lãi vay: Không bất hợp lý!

11-12-2018 - 10:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Nghị định 20/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được ban hành nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Điều nổi cộm trong Nghị định 20 là điều khoản khống chế chi phí lãi vay. Theo đó, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA). Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Quy định trên được nhìn nhận là sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng và rào cản cho doanh nghiệp. Thậm chí, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng vừa mới gửi công văn "kêu cứu" lên Thủ tướng kiến nghị xem xét lại quy định này.

Cụ thể, VNREA cho rằng quy định khống chế chi phí lãi vay của Nghị định 20 có sự không thống nhất với Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Căn cứ theo quy định trong Nghị định 43 thì doanh nghiệp bất động sản có quyền vay hoặc thực hiện các hình thức huy động vốn khác để triển khai dự án với tỷ lệ là từ 80 đến 85%. Như vậy, tỷ lệ chi phí lãi vay trên tổng lợi nhuận theo Nghị định 42 có thể cao hơn  tỷ lệ chi phí lãi vay theo Nghị định 20. Do đó, Nghị định 20 sẽ gây khó cho doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn.

Mặt khác, cũng theo VNREA, Nghị định 20 tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Vì vậy, không chỉ VNREA mà một số chuyên gia đã kiến nghị nếu có áp dụng điều khoản trên thì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, hoặc chỉ áp dụng với các khoản vay giữa các doanh nghiệp có mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay trung bình trên thị trường, hoặc chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài.

Những kiến nghị trên, theo tác giả, là không hoàn toàn thích hợp. Hay nói cách khác, quy định trần chi phí lãi vay 205 của Nghị định 20 không phải là hoàn toàn bất hợp lý.

Trước tiên, việc so sánh các quy định có liên quan trong Nghị định 20 với Nghị định 43 là không thích hợp. Quy định trong Nghị định 20 là đặt ra trần chi phí lãi vay, nếu vượt trần này thì phần chi phí lãi vay sẽ bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, Nghị định 20 không hề cấm, mâu thuẫn, hay vi phạm quy định về mức trần tối đa được huy động vốn trong Nghị định 43 (cho phép doanh nghiệp bất động sản vay tới 85% tổng vốn đầu tư). Để dễ hiểu hơn, có thể ví chuyện này với chuyện Chính phủ áp đặt hệ thống quota nhập khẩu, theo đó doanh nghiệp được phép nhập khẩu một mặt hàng nào đó với một định lượng tối đa là X tấn để được phép hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, và sẽ phải trả thuế nhập khẩu 20% nếu vượt định lượng này (với khối lượng không hạn chế).    

Thứ hai, và cũng tương tự như trên, Nghị định 20 cũng không tạo rào cản trong việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con bởi nghị định này không có điều khoản nào cấm việc cho vay nội bộ này. Thay vào đó, nghị định này chỉ giới hạn mức chi phí lãi vay, gồm cho vay nội bộ, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (tối đa là 20% của EBITDA). Với cùng logic trong ví dụ về quota nhập khẩu để được miễn thuế nói trên, công ty mẹ vẫn hoàn toàn được phép cho công ty con vay vốn, miễn là công ty con phải sẵn sàng chi trả phần thuế thu nhập doanh nghiệp phụ trội do vay quá định mức 20% này.

Nếu lo ngại rằng các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại sẽ bị áp trần hai lần thì VNREA hoặc các doanh nghiệp khác nên kiến nghị Chính phủ sửa lại Nghị định 20 theo hướng quy định và hướng dẫn rõ ràng khoản vay nội bộ thế nào và khi nào thì được miễn hoặc hoàn thuế ở cấp độ công ty mẹ hoặc công ty con để tránh tình trạng đánh thuế thu nhập doanh nghiệp 2 lần trên cùng một khoản vay.

Với kiến nghị chỉ áp dụng quy định về trần chi phí lãi vay đối với các khoản vay giữa các doanh nghiệp có lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay trung bình trên thị trường, điều này tuy phần nào có lý (có lẽ vì khó có thể lý giải các doanh nghiệp có mối liên hệ lỏng lẻo lại sẵn lòng cho nhau vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường) nhưng lại khó thực hiện trên thực tế mà không gây ra những rắc rối không cần thiết. Chẳng hạn, ai và chuẩn mực nào để xác định lãi suất cho vay trung bình trên thị trường? Liệu cái gọi là lãi suất trung bình trên thị trường này có đúng là như vậy không? Cần nhớ là ngay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi phải công bố mức lãi suất cho vay trên thị trường thì cũng chỉ có thể đưa ra được một phạm vi từ, ví dụ, 6% đến 9% mà không phải là một con số trung bình, vốn sẽ có nhiều ý nghĩa so sánh (giữa các thời kỳ, giai đoạn) hơn.

Còn riêng về kiến nghị chỉ áp dụng quy định về trần chi phí lãi vay với riêng doanh nghiệp nước ngoài, điều này không chỉ là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đối xử bình đẳng cơ bản của WTO mà Việt Nam là một thành viên, mà còn sai ở chỗ là Nghị định 20 có đối tượng áp dụng là cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.

Trên hết, cần lưu ý không chỉ Việt Nam mới là nước có quy định hạn chế về chi phí lãi vay được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Ví dụ, Trung Quốc thậm chí còn không cho phép vay mượn lẫn nhau giữa các công ty liên kết, trong khi Ấn Độ thì hạn chế chặt chẽ việc vay mượn này.

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên