MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ bán lẻ, người Thái đã và đang nhắm tới ngành nhựa Việt Nam

17-06-2016 - 08:53 AM | Doanh nghiệp

SCG và nhiều tập đoàn Thái đang vẫn đang tiếp tục thu mua doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Một số doanh nghiệp Thái lên tiếng muốn mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước thoái vốn tại các công ty nhựa trong năm 2016.

Ngành nhựa - ấn tượng với kết quả kinh doanh 2015 và quý 1/2016

Giai đoạn vừa qua, nhờ hưởng lợi từ giá nguyên liệu giảm cùng sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm nhựa, các doanh nghiệp sản xuất nhựa đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh.

10 doanh nghiệp nhựa trên sàn chứng khoán đã có một năm 2015 thành công với tổng doanh thu đạt 13 nghìn tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận đạt xấp xỉ 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với 2014.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh trong quý 1/2016 vừa rồi cũng rất khả quan với tổng doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 3,1 nghìn và 367 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 78,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Tiềm năng thị trường rộng mở, Doanh nghiệp nội mở rộng công suất

Trong 3 năm trở lại đây, ngành nhựa tăng trưởng rất ấn tượng, đạt 15%-17%/năm.

Theo báo cáo chiến lược năm 2016 của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nhu cầu tiêu thụ nhựa trong nước năm 2016 được dự báo tiếp tục khả quan. Dự báo này dựa trên các yếu tố như nhu cầu tiêu thụ nhựa bình quân đầu người sẽ tăng và đạt 45 kg/người/năm vào năm 2020; Ngành bất động sản, xây dựng tiếp tục phục hồi trong thời gian tới sẽ thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nhựa xây dựng.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch sản xuất về Việt Nam, tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ kéo theo sự tăng trưởng phân khúc nhựa kỹ thuật. Đồng thời, giá nguyên liệu vật liệu nhựa tiếp tục giảm giúp các doanh nghiệp ngành nhựa chủ động trong sản xuất.


Nguồn: Bloomberg

Nguồn: Bloomberg

Với nhiều yếu tố thuận lợi trên trong hoạt động kinh doanh, trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp Nhựa đã mở rộng quy mô đầu tư sản xuất. Có thể kể tới như trường hợp Nhựa An Phát (AAA) khi công ty đang xây dựng, hoàn thiện 2 nhà máy số 6 (công suất 3.000 tấn/tháng) và số 7 (công suất 800 tấn/tháng) chuyên xuất khẩu sản phẩm túi nhựa sinh học và bao bì màng mỏng sang các thị trường khó tính như Nhật Bản và Mỹ.

Trong khi đó, Nhựa Bình Minh (BMP) đã đưa nhà máy tại Long An vào hoạt động từ cuối năm 2015 để đáp ứng mức tiêu thụ lớn trong nước. Nhựa Tiền Phong đã thông qua việc sáp nhập Nhựa Năm Sao, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy tại Miền Trung với công suất từ 10.000 - 15.000 tấn/năm.

Còn với Nhựa Đông Á (DAG), doanh nghiệp này cũng đưa nhà máy sản xuất tấm profile đi vào hoạt động trong năm 2015 với kỳ vọng đứng đầu lĩnh vực nhựa xây dựng và vật liệu quảng cáo.

Bên cạnh việc mở rộng nhà máy, các doanh nghiệp trong nước còn tiến hành M&A để tăng cường năng lực, mở rộng thị phần như Nhựa An Phát nắm giữ 30% cổ phần Nhựa Bao Bì Vinh (VBC) hay Nhựa Đồng Nai (DNP) thâu tóm Nhựa Tân Phú (TPP)….

Sự thèm muốn của người Thái đối với doanh nghiệp nhựa Việt Nam

Từ năm 1990 đến nay, mức tiêu thụ nhựa của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh cho thấy nhu cầu sản phẩm nhựa ở Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các Doanh nghiệp khai thác. Bên cạnh đó, Việt Nam vừa tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhà đầu tư các nước đang đổ vào đây để tận dụng lợi thế này.

Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan đã bỏ vốn vào hơn 20 doanh nghiệp nhựa Việt Nam, trong đó có 20% nhựa Bình Minh, 23,8% nhựa Tiền Phong - 2 doanh nghiệp đứng đầu thị trường về nhựa xây dựng. Năm ngoái, SCG đa mua 80% cổ phần của công ty Nhựa Tín Thành, trong top 5 công ty sản xuất bao bì nhựa tại VIệt Nam.

Không dừng lại ở đó, SCG và nhiều tập đoàn Thái đang vẫn đang tiếp tục thu mua doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Một số doanh nghiệp Thái lên tiếng muốn mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước thoái vốn tại các công ty nhựa trong năm 2016. Do vậy chắc chắn rằng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ còn phải chứng kiến nhiều cuộc thâu tóm khác của người Thái trong ngành nhựa và cả nhiều ngành khác. Theo thông tin đã công bố, 5-6 tỉ USD là tổng ngân sách SCG dự kiến sẽ dùng để M&A tại Việt Nam đến năm 2020.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong giai đoạn tới, ngành nhựa sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận với hàng loạt các hiệp định thương mại đã ký. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ đánh mất miếng bánh này vào tay người Thái như trường hợp đang xảy ra đối với ngành hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên