Không chỉ khiến cuộc sống thêm khổ sở, trầm cảm còn làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh dẫn tới tử vong sớm này
Nhiều chuyên gia tin rằng, điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng sẽ giúp sức khỏe thể chất của bệnh nhân được cải thiện.
- 04-08-2020Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là trầm cảm nhưng các dấu hiệu của bệnh thường bị bỏ qua vì định kiến
- 10-07-2020Mất ngủ tăng nguy cơ trầm cảm gấp 3 lần: 3 bước đơn giản để cải thiện chứng mất ngủ, cơ thể như được hồi sinh, chứng lo âu dần biến mất
- 19-06-2020Sau tai nạn thảm khốc, cặp vợ chồng U50 đẩy lùi trầm cảm và lan tỏa sự tích cực qua điệu nhảy triệu view
Một nghiên cứu quy mô lớn được thực hiện trên nhiều quốc gia cho thấy, giữa các bệnh tim mạch và các triệu chứng trầm cảm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những người mắc trầm cảm thường dễ gặp phải các vấn đề về tim mạch và có nguy cơ tử vong sớm cao hơn nhiều so với những người bị bệnh tim mạch nhưng không có triệu chứng trầm cảm.
Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí y khoa danh tiếng JAMA Psychiatry, với sự tham gia của hơn 145.000 người từ 21 quốc gia trong khoảng thời gian 14 năm. Tình nguyện viên càng có nhiều triệu chứng trầm cảm thì nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch càng cao, bất kể khu vực địa lý.
Kết quả này đã bổ sung thêm cho nghiên cứu trước về mối liên hệ giữa chức năng tim mạch và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu với sự tham gia của 500.000 người tại Trung Quốc được đăng tải trên JAMA Network Open vào tháng 2 vừa qua cũng chỉ ra, trầm cảm là yếu tố nguy cơ gây tử vong vì các bệnh tim mạch và do mọi nguyên nhân ở người trưởng thành, đặc biệt là đàn ông.
Có rất nhiều giả thuyết xoay quanh việc tại sao mối quan hệ này lại tồn tại, từ những thay đổi về mức độ viêm nhiễm cho đến khả năng người bệnh trầm cảm không thực hiện các thói quen tốt cho tim mạch như ăn uống lành mạnh, giữ mức độ stress thấp, tập thể dục và duy trì các mối quan hệ xã hội.
(Ảnh minh họa)
Mối liên hệ giữa tinh thần và thể chất
Con người thường sử dụng cụm từ “sức khỏe tinh thần” và sức khỏe thể chất” để ám chỉ hai phạm trù riêng biệt của sức khỏe. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh được sự liên kết giữa hai khái niệm này.
Ngoài các vấn đề tim mạch, trầm cảm và rối loạn lo âu còn được cho là có liên quan tới các cơn đau cấp tính (đặc biệt là đau thắt lưng), đau đầu, các vấn đề tiêu hóa, các vấn đề về thị lực, ăn không ngon hoặc thèm đồ ăn, tư duy/nói/chuyển động chậm và đau nhức toàn thân.
Về mặt ảnh hưởng đến cảm xúc và tinh thần, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ xác định triệu chứng trầm cảm bao gồm: tâm trạng tồi tệ, khó chịu, buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, giảm động lực, mất ngủ hoặc ngủ triền miên.
Theo ước tính, trầm cảm là căn bệnh khá phổ biến, ảnh hưởng khoảng 6-18% dân số thế giới.
“Khi nhắc đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần, không may là nhiều người vẫn coi đây là một điều đáng xấu hổ, kể cả khi đó chỉ là những triệu chứng về thể chất”, Tiến sĩ Cheryl Carmin - nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc ĐH bang Ohio - cho biết.
(Ảnh minh họa)
Bồi bổ sức khỏe
Thông thường, sức khỏe sẽ thay đổi theo một chiều hướng duy nhất: Bạn giải quyết các triệu chứng về thể chất và điều chỉnh lối sống, từ đó sức khỏe tinh thần cũng được cải thiện theo. Ví dụ, khi tập thể dục thường xuyên, bạn sẽ không chỉ thấy cơ thể được bổ sung năng lượng và cân nặng được duy trì mà ngay cả tâm trạng cũng được cải thiện.
Tuy nhiên, những lợi ích này hoàn toàn có thể đến theo hướng ngược lại. Bằng cách tập trung chăm sóc sức khỏe tâm thần, bạn sẽ cải thiện được cả thể chất. Chẳng hạn, nghiên cứu gần đây trên tạp chí Psychiatry đã phát hiện, một số liệu pháp trị liệu (bao gồm cả liệu pháp nhận thức hành vi) giúp tăng cường chức năng hệ miễn dịch và duy trì mạnh mẽ trong vòng ít nhất 6 tháng sau đó.
“Các vấn đề liên quan đến tâm thần và cảm xúc có thể ảnh hưởng tới các phản ứng sinh lý học và ngược lại. Chẳng hạn, chúng ta thường thấy những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh mãn tính cũng hay gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chăm sóc sức khỏe thể chất sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và ngược lại”, Tiến sĩ Ian Sadler - bác sĩ tâm lý tại Trung tâm Y tế trực thuộc ĐH Columbia - kết luận.
(Theo Very Well Mind)